Tin tức

Budesonide là thuốc gì? Lưu ý quan trọng cần biết trước khi sử dụng

Ngày 10/12/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Budesonide có khả năng chống hen, điều trị kháng viêm tại chỗ và được điều chế theo nhiều dạng khác nhau. Để thuốc phát huy tốt nhất hiệu quả, bạn cần sử dụng theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên môn.

1. Budesonide là thuốc gì?

Budesonide thuộc nhóm thuốc Glucocorticoid giúp giảm các triệu chứng của cơn hen, kháng viêm tại chỗ. Thành phần chính trong loại thuốc này là hoạt chất Budesonide hay Budesonid. Hiện nay, Budesonide thường được điều chế theo một số dạng sau: 

  • Bình xịt khí dung: Sử dụng để xịt mũi. 
  • Bình khí dung xịt: Sử dụng để xịt qua miệng. 
  • Viên nang giải phóng chậm: Hàm lượng 3mg. 
  • Những dạng điều chế khác: Dung dịch phun sương, ống hít bột khô qua miệng. 

Budesonide thường điều chế theo dạng thuốc xịt mũi

Budesonide thường điều chế theo dạng thuốc xịt mũi 

2. Tác dụng chính của thuốc Budesonide

Tác dụng chính của Budesonide là chống dị ứng và chống viêm tại chỗ, ức chế miễn dịch. Tương tự như nhiều Corticosteroid khác, Budesonide có khả năng làm giảm tác động của phản ứng viêm thông qua cơ chế tổng hợp Leucotrien, Prostaglandin. Ngoài ra, loại thuốc này sẽ giúp làm tăng hoạt tính chống viêm Lipocortin-1. 

3. Chỉ định và chống chỉ định 

3.1. Chỉ định

Với tác dụng chống viêm tại chỗ, ức chế miễn dịch, Budesonide chủ yếu được chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau: 

  • Điều trị cho người viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc viêm mũi dị ứng quanh năm. 
  • Điều trị duy trì, dự phòng cho người bị hen (Budesonide không sử dụng để cắt cơn hen). 
  • Điều trị cho người bị Crohn thể nhẹ và thể nặng. 

Người bị viêm mũi dị ứng có thể sử dụng Budesonide

Người bị viêm mũi dị ứng có thể sử dụng Budesonide 

3.2. Chống chỉ định

Các trường hợp chống chỉ định của thuốc Budesonide bao gồm: 

  • Người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong Budesonide. 
  • Điều trị ban đầu cho người bị hen cấp hoặc người bị hen cần điều trị tích cực. 

4. Liều lượng và cách dùng 

4.1. Cách dùng 

Cách dùng Budesonide phụ thuộc theo từng dạng điều chế, ví dụ như xịt trực tiếp vào mũi với dạng xịt mũi, dùng theo đường uống với dạng viên nang giải phóng chậm. 

Budesonide dạng xịt được sử dụng khá phổ biến

Budesonide dạng xịt được sử dụng khá phổ biến

4.2. Liều lượng

4.2.1. Ở người trưởng thành

Liều dùng Budesonide áp dụng trong người trưởng thành phụ thuộc theo bệnh lý cụ thể. Hiện nay, loại thuốc này chủ yếu được chỉ định trong điều trị bệnh Crohn, điều trị duy trì, dự phòng hen. 

a. Điều trị bệnh Crohn

Người bị bệnh Crohn từ thể nhẹ đến thể vừa có thể dùng Budesonide với liều lượng tương đương 9mg/lần/ngày, dùng một lần vào buổi sáng. Mỗi liệu trình dùng thuốc thường kéo dài từ 8 tuần trở lại. Trường hợp tái phát, liệu trình dùng tiếp tục lặp lại trong 8 tuần.

Trường hợp bệnh đã thuyên giảm, người bị bệnh Crohn vẫn cần tiếp tục dùng thuốc trong vòng 3 tháng. Liều lượng áp dụng lúc này là 6mg/lần/ngày. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liệu trình dùng thuốc tùy theo mức độ tiến triển. 

b. Điều trị hen

Dựa theo tình trạng bệnh lý cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định để người bệnh dùng Budesonide theo liều lượng, liệu trình tương ứng. 

4.2.2. Ở trẻ em 

  • Trẻ bị hen: Liều dùng thường bằng 1/2 so với người trưởng thành và tùy theo cân nặng của trẻ. 
  • Trẻ bị bệnh Crohn nhẹ hoặc vừa: Trẻ từ 12 đến 18 tuổi, dùng 9mg/lần/ngày vào buổi sáng trước bữa ăn, duy trì dùng thuốc trong khoảng 8 tuần. Trong 2 đến 4 tuần cuối cùng của liệu trình, liều lượng thường được giảm dần. Lưu ý, liều lượng áp dụng cho trẻ nhỏ vẫn cần thời gian nghiên cứu thêm. 

Chú ý: 

  • Liều lượng sử dụng Budesonide cho người trưởng thành và trẻ nhỏ hướng dẫn trên đây chỉ có tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho tư vấn của chuyên gia y tế. 
  • Trong mọi trường hợp, bạn không nên tự ý dùng Budesonide nếu chưa thăm khám, tham khảo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ chuyên môn. 

5. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng Budesonide

Các loại thuốc Budesonide có thể gây ra một vài tác dụng phụ ảnh hưởng đến người dùng. Theo đó, tác dụng phụ phổ biến nhất phải kể đến là: 

  • Dễ bị kích động.
  • Đau nhức đầu. 
  • Khó ngủ. 
  • Cảm thấy chóng mặt. 
  • Nhịp tim tăng. 
  • Miệng xuất hiện vị đắng. 
  • Bị nấm miệng Candida. 
  • Khô miệng và khô họng. 
  • Rối loạn vị giác, mất vị giác. 
  • Đường hô hấp trên bị nhiễm khuẩn. 
  • Chảy máu mũi. 
  • Ngứa, nổi mề đay. 
  • Rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới. 

Chóng mặt là một trong số những tác dụng phụ hay xuất hiện ở người dùng Budesonide

Chóng mặt là một trong số những tác dụng phụ hay xuất hiện ở người dùng Budesonide 

Ngoài ra, người dùng thuốc Budesonide đôi khi còn cảm thấy đầy bụng, phế quản bị co thắt, thở nông,... Loại thuốc này có thể gây tình trạng chậm lớn ở trẻ nhỏ. 

6. Lưu ý cần biết trước khi sử dụng thuốc Budesonide

6.1. Tương tác của thuốc

Budesonide có khả năng phản ứng, tương tác với một số loại thuốc khác ảnh hưởng đến tác dụng. Cụ thể như: 

  • Tương tác với nhiều loại thuốc khác như Rifampicin, Barbiturat,... 
  • Budesonide tương tác thuốc chống viêm Steroid dễ khiến người dùng bị viêm loét dạ dày. 
  • Thuốc Erythromycin, Ketoconazol, Saquinavir, thực phẩm ngăn chặn enzym CYP3A4,... có thể khiến nồng độ Budesonide trong huyết tương tăng. 

Budesonide dễ tương tác với thuốc chống viêm Steroid

Budesonide dễ tương tác với thuốc chống viêm Steroid

Ngoài ra, nếu dùng chung thuốc Budesonide dạng viên nang cùng nước ép bưởi, nồng độ Budesonide có thể tăng gấp đôi. Vì vậy, mọi người không nên dùng loại thuốc này cùng nước ép bưởi. 

6.2. Đối tượng cần cẩn trọng khi dùng Budesonide 

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú không nên dùng Budesonide. Trong đó, với phụ nữ đang cho con bú, loại thuốc này dễ thẩm thấu vào sữa. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng, mọi người cũng phải hết sức thận trọng và tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ. 

6.3. Một vài lưu ý khác 

Sau đây là những lưu ý quan trọng bạn cần biết trước khi sử dụng thuốc Budesonide: 

  • Trường hợp dừng liệu pháp Corticoid toàn thân, quá trình dừng lại phải thực hiện một cách từ từ. 
  • Thông báo chi tiết cho bác sĩ biết từng loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc bất kỳ loại thảo dược nào đang dùng khi được kê đơn sử dụng Budesonide. 
  • Nếu đang mắc bệnh lý như lao phổi, đái tháo đường, cao huyết áp,... bạn cũng phải thông báo cho bác sĩ trước khi được kê đơn Budesonide. 
  • Tuyệt đối không điều chỉnh tăng hoặc giảm liều dùng Budesonide khi chưa tham khảo tư vấn của bác sĩ. 
  • Chú ý theo dõi biểu hiện bất thường của cơ thể trong thời gian dùng thuốc. Trường hợp tác dụng phụ ngày càng nghiêm trọng, không thuyên giảm, bạn hãy thông báo sớm cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được trợ giúp. 

Thuốc Budesonide hiện được điều chế theo nhiều dạng, thường gặp nhất là dạng xịt. Tuy nhiên để hạn chế tối đa rủi ro không mong muốn khi dùng thuốc, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu chưa biết nên đi khám sức khỏe ở đâu, bạn có thể tin tưởng lựa chọn Hệ thống Y tế MEDLATEC với bề dày lịch sử phát triển gần 30 năm. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ theo số 1900 56 56 56 của MEDLATEC. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ