Tin tức

Các cách giảm đau nhức cánh tay tại nhà hiệu quả

Ngày 16/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Đau nhức cánh tay có thể là do sự căng cơ hoặc vận động với cường độ mạnh trong thời gian dài, nhưng đôi khi lại xuất phát từ chấn thương hay một bệnh lý nào đó ở cánh tay. Cho dù nguyên nhân gây đau nhức cánh tay là gì thì đều sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu và bị hạn chế vận động ở vùng cánh tay này. Bài viết sau sẽ chỉ ra các cách giảm đau nhức cánh tay tại nhà hiệu quả bạn có thể tham khảo áp dụng.

1. Nguyên nhân của triệu chứng đau nhức cánh tay

Một số nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng đau nhức cánh tay đó là:

  • Người bệnh nằm sai tư thế làm đè ép lên cánh tay, giảm lưu thông máu;
  • Mắc các bệnh về cơ xương khớp như viêm khớp dạng thấp, chèn ép dây thần kinh, thoái hóa đốt sống cổ;
  • Luyện tập thể dục thể thao với cường độ mạnh hoặc làm các động tác vận động lặp lại nhiều lần trong thời gian dài khiến cơ bắp bị mệt mỏi, căng thẳng;
  • Gặp phải các chấn thương như bong gân, chệch khớp, gãy xương do tập thể thao, té ngã, ẩu đả hoặc tai nạn.

Đau nhức cánh tay có thể là bắt nguồn từ nguyên nhân vận động, thể thao quá sức

Đau nhức cánh tay có thể là bắt nguồn từ nguyên nhân vận động, thể thao quá sức.

2. Cách giảm đau nhức cánh tay đơn giản có thể áp dụng tại nhà

2.1. Thư giãn và thả lỏng cánh tay

Khi cánh tay có triệu chứng tê mỏi và đau nhức thì tức là cơ thể đang cảnh báo bạn đang gặp phải tổn thương nào đó ở bộ phận này. Điều bạn cần làm đó là dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và hạn chế vận động cánh tay nhằm tránh nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

Bạn có thể thả lỏng cánh tay, nằm hoặc ngồi nghỉ, đặt cánh tay lên trên gối mềm và hạn chế cầm nắm đồ vật trong khoảng thời gian này. Nếu cánh tay của bạn bị đau do gặp chấn thương thì ít nhất trong vòng 72 giờ đầu bạn không nên cử động hay vận động mạnh.

2.2. Kê cao vùng cánh tay đang bị đau nhức

Khi nằm hoặc khi ngồi người bệnh có thể kê cao chỗ cánh tay bị đau nhức lên trên cao sẽ giúp máu được lưu thông tốt hơn, nhờ đó giúp giảm thiểu tình trạng tê mỏi hay đau nhức cánh tay do ứ đọng khí huyết. Bệnh nhân nên lót tay trên một chiếc khăn hoặc chiếc gối mỏng khi nằm hoặc khi đi ngủ.

Người bệnh nên kê cao cánh tay vùng đau nhức để giảm đau

Người bệnh nên kê cao cánh tay vùng đau nhức để giảm đau

2.3. Phương pháp chườm lạnh

Nhiệt độ thấp có tác dụng giảm bớt triệu chứng sưng viêm, đau nhức một cách hiệu quả. Bạn có thể dùng túi chườm chuyên dụng hoặc khăn bọc đá lạnh và chườm lên vùng cánh tay đang đau nhức. Mỗi lần chườm nên kéo dài từ 15 - 20 phút. Tốt nhất là sau khi cánh tay gặp chấn thương hay va đập thì bạn nên áp dụng ngay phương pháp này. Tuy nhiên nếu đau nhức cánh tay là do thiếu máu hoặc do bị chèn ép thì chườm lạnh sẽ không phát huy hiệu quả.

2.4. Dùng muối Epsom để giảm đau

Một trong những cách giảm đau nhức cánh tay khác cần phải kể đến đó là dùng muối Epsom. Các bước thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị một chiếc thùng hay một chiếc chậu đủ rộng rãi để bạn có thể ngâm được cả cánh tay. Cho nước ấm khoảng 40 - 60 độ pha cùng với muối Epsom vào trong chậu;
  • Ngâm cánh tay đau nhức vào chậu, thời gian ngâm nên kéo dài trong 15 - 20 phút và không nên ngâm quá lâu;
  • Nên thực hiện hàng ngày, ít nhất trong vòng 3 - 5 ngày liên tục để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Một trong những cách giảm đau nhức cánh tay khác cần phải kể đến đó là dùng muối Epsom

Một trong những cách giảm đau nhức cánh tay khác cần phải kể đến đó là dùng muối Epsom

Nhưng cần lưu ý là biện pháp dùng muối Epsom không phù hợp đối với những người bị đau nhức cánh tay do chấn thương hoặc do viêm. Bởi vì nhiệt độ nóng từ nước sẽ kích thích máu càng tuần hoàn nhiều hơn đến vị trí tổn thương của bắp tay khiến khu vực này càng trở nên sưng đau khó chịu hơn.

2.5. Thêm Magie vào thực đơn ăn uống

Nếu cơ thể của bạn bị thiếu hụt magie thì nguy cơ đau nhức và căng cứng cơ rất dễ xảy ra. Magie được tìm thấy rất nhiều trong rau họ cải, các loại hạt hoặc các loại đậu. Khi có một chế độ ăn giàu magie thì cơ thể sẽ được cải thiện chức năng hệ thần kinh, giảm thiểu triệu chứng đau nhức cánh tay một cách hiệu quả.

2.6. Cách giảm đau nhức cánh tay bằng dược liệu

Dược liệu tự nhiên cũng là những phương thuốc được đánh giá cao về tính hiệu quả trong việc giảm đau nhức cơ bắp, trong đó bao gồm cả tình trạng đau nhức cánh tay. Dưới đây là những vị thảo dược thường được ứng dụng trong điều trị đau nhức cánh tay bạn có thể tham khảo thực hiện:

  • Củ gừng: gừng là một loại nguyên liệu quen thuộc trong căn bếp của người Việt. Không những có công dụng giúp làm gia tăng hương vị cho các món ăn, gừng còn chứa những hoạt chất có khả năng chống oxy hóa và chống viêm rất tốt. Nhờ đó gừng giúp giảm thiểu tình trạng đau và hỗ trợ vết thương chóng lành. Bạn có để gọt vỏ một nhánh gừng, đập dập hoặc cắt lát và đun với nước để làm trà gừng, uống khoảng 2 chén trà mỗi ngày sẽ thấy hiệu quả của nó;
  • Giấm táo: loại nước này có tính kiềm, khả năng giảm đau và kháng viêm rất hiệu quả. Bạn hãy hòa 100ml giấm táo (khoảng 2 chén nhỏ) vào chậu nước ấm. Sau đó ngâm cánh tay đang bị đau vào chậu và để trong 30 phút. Bạn có thể lặp lại điều này hàng ngày để cải thiện cơn đau;
  • Nghệ: hàm lượng Curcumin cao chứa trong nghệ có thể giảm giảm đau, chống lại quá trình oxy hóa và kháng viêm hiệu quả. Do đó những người thường xuyên gặp phải tình trạng đau nhức cơ bắp có thể dùng nghệ để khắc phục biểu hiện này. Bạn hãy trộn 1 thìa dầu dừa cùng với 2 thìa tinh bột nghệ, sau đó thoa hỗn hợp này lên vùng cánh tay đau nhức. Duy trì trạng thái này trong khoảng từ 30 phút đến 1 tiếng và làm điều này mỗi ngày cho đến khi cảm thấy hết đau nhức.

Như vậy bài viết trên đây đã tổng hợp 6 cách giảm đau nhức cánh tay bạn có thể tự áp dụng tại nhà. Đây đều là những phương pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng chỉ phù hợp với những trường hợp đau nhức, tê mỏi cánh tay mức độ nhẹ. Còn đối với bệnh nhân bị đau nhức cánh tay do bệnh lý hay chấn thương nặng thì cần phải nhập viện để kiểm tra và điều trị sớm, tránh nguy cơ biến chứng ảnh hưởng xấu đến khả năng vận động, sinh  hoạt hàng ngày.

Nếu bạn đang có nhu cầu thăm khám Chuyên khoa Cơ xương khớp thì có thể đăng ký ngay tại Hệ thống Y tế MEDLATEC thông qua hotline 1900 56 56 56. Mọi băn khoăn, thắc mắc của bạn về các vấn đề sức khỏe sẽ được tổng đại viên của MEDLATEC lắng nghe và giải đáp chi tiết, tận tình.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.