Tin tức

Cảnh báo tình trạng sinh non gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh 

Ngày 03/06/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là tình trạng thường gặp ở những trẻ sinh non khi hệ hô hấp chưa được hoàn thiện. Trẻ sinh càng thiếu tháng thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao và nếu không điều trị sớm sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe về sau hoặc thậm chí là tử vong.

1. Dấu hiệu nhận biết suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

37 - 40 tuần là quãng thời gian trung bình của một thai kỳ và vừa đủ để em bé chào đời với một cơ thể hoàn chỉnh bộ phận và chức năng của các cơ quan. Trẻ em sinh thiếu tháng hay sinh non thường mong manh, yếu ớt hơn rất nhiều so với các bé ra đời đủ tháng đủ ngày. 

Ví dụ như nếu một em bé được sinh ra trước 37 tuần tức là quá sớm, khi ấy hai lá phổi của bé chưa được hoàn thiện chức năng nên không thể hoạt động như hai lá phổi khỏe mạnh bình thường nên nguy cơ mắc bệnh suy hô hấp là rất cao. 

Trẻ sinh non là đối tượng có nguy cơ cao bị suy hô hấp 

Trẻ sinh non là đối tượng có nguy cơ cao bị suy hô hấp 

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh sẽ làm xẹp hoàn toàn các phế nang gây nên tình trạng giảm trao đổi khí, khiến có thể thiếu oxy dẫn tới suy hô hấp, giảm khả năng giãn nở. Ngoài ra cũng có những túi khí gặp phải hiện tượng dãn nở quá mức đến nỗi bị vỡ làm rò khí ra trung thất và màng phổi. Ngay từ khi mới sinh ra, các triệu chứng của suy hô hấp sẽ sớm xuất hiện và thường phát triển trong 24 giờ đầu sau sinh. Chức năng thở của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (thở rên, co lõm ngực, thở phập phồng cánh mũi, thở nhanh hoặc bị ngưng thở), da dẻ tím tái. 

Hội chứng này có diễn tiến rất nhanh, hoàn toàn có thể trở nặng chỉ sau vài ngày từ khi bé chào đời và có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Cho dù qua khỏi cơn nguy kịch nhưng trẻ vẫn có thể gặp phải các di chứng nặng nề như:

  • Mù lòa; 

  • Thiểu năng trí tuệ;

  • Tràn máu vào phổi hoặc não;

  • Khí phế thủng mô kẽ;

  • Suy thận;

  • Loạn sản phế quản phổi.

2. Phân tích cơ chế hoạt động của phổi ở những trẻ bị suy hô hấp

Túi khí trong phổi là bộ phận có thể mở ra và đủ chỗ để lấp đầy không khí giúp trẻ sơ sinh thở được dễ dàng. Ở trạng thái bình thường, chất hoạt động bề mặt được sinh ra từ tế bào phổi có nhiệm vụ bao phủ bên ngoài các túi khí, giúp bề mặt của túi khí ổn định sức căng và luôn mở ra trong quá trình hô hấp. Tuy nhiên nếu trẻ bị thiếu chất hoạt động bề mặt sẽ gây khó khăn cho hoạt động của phổi dẫn tới biểu hiện khó thở.

Thời điểm sản sinh chất hoạt động bề mặt thai nhi là vào tuần thứ 24 của thai kỳ. Sang đến tuần thai thứ 34 - 36, trữ lượng chất này đã được sản xuất đầy đủ trong phổi cho phép phổi hoạt động trơn tru hơn. Do đó trẻ càng sinh non thì sẽ càng có ít chất hoạt động bề mặt được sản sinh và dễ bị mắc hộ chứng suy hô hấp.

Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp cần được nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt

Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp cần được nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt

Bên cạnh nguyên nhân sinh non, hội chứng suy hô hấp cũng có thể xảy ra ở trẻ sinh gần đủ tháng hoặc đủ tháng nhưng người mẹ lại bị đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố sau:

  • Mang thai từ 2 bé trở lên;

  • Trẻ có anh chị ruột mắc hội chứng này trước đó;

  • Trong quá trình sinh trẻ bị thiếu oxy, giảm tưới máu;

  • Sinh mổ khi sản phụ chưa chuyển dạ;

  • Trẻ hạ thân nhiệt, không được giữ ấm cơ thể sau sinh.

Để xác định xem trẻ có đang mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh hay không, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng như thở nhanh, thở khó, da tím tái,... kết hợp với các xét nghiệm liên quan để phân biệt với nhiễm trùng gây bệnh ở hệ hô hấp. Chụp X-quang là phương pháp tiếp theo được chỉ định để kiểm tra phổi và kiểm tra nồng độ oxy máu qua phân tích khí máu. Khi đã chẩn đoán được bệnh, trẻ sẽ cần phải được áp dụng ngay các phương pháp điều trị để hỗ trợ hô hấp, tránh biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

3. Cách điều trị hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh vừa chào đời đã được chẩn đoán mắc phải hội chứng suy hô hấp thì cần khẩn trương chuyển trẻ vào khu chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU). Các bác sĩ sẽ cải thiện chức năng hô hấp của trẻ bằng các biện pháp điều trị phù hợp giúp hạn chế nguy cơ biến chứng. Sau đây là 3 phương pháp chủ yếu được áp dụng trong những trường hợp trẻ sơ sinh bị suy hô hấp cấp:

  • Liệu pháp oxy: oxy đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các cơ quan trong cơ thể. Do đó liệu pháp oxy là để hỗ trợ phổi cung cấp oxy  tới các cơ quan thông qua máy trợ thở NCPAP. Đối với trẻ bị suy hô hấp mức độ nhẹ thì chỉ cần dùng máy NCPAP qua đường mũi hoặc liệu pháp oxy không cần máy thở;

  • Thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP): biện pháp này giúp giữ độ phồng của phế nang ở cuối chu kỳ thở ra, giảm  công hô hấp và tăng trao đổi khí và thường được áp dụng với những trẻ đã có thể  tự thở;

  • Liệu pháp thay thế chất hoạt động bề mặt: có tác dụng bổ sung chất hoạt động bề mặt cho phổi của trẻ thông qua ống thông dụng. Tiếp theo, trẻ sẽ được hỗ trợ thở bằng máy thở. Có thể tiến hành phương pháp này một hoặc nhiều lần phụ thuộc vào tính nghiêm trọng của bệnh.

4. Có cách nào giúp phòng ngừa hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh không?

Như chúng ta đã biết tình trạng sinh non là nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng suy hô hấp ở trẻ. Vì vậy phương pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa hội chứng này đó là hạn chế tối đa nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai. Các mẹ bầu cần ghi nhớ những lưu ý sau trong suốt thai kỳ:

  • Không uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, không hút thuốc lá hoặc dùng thuốc mà chưa có sự tư vấn, hướng dẫn từ bác sĩ;

  • Duy trì mức cân nặng hợp lý để tránh rủi ro mắc tiểu đường thai kỳ;

  • Thực hiện khám sàng lọc trước sinh và trong giai đoạn mang bầu cần đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn;

  • Trước và trong giai đoạn mang thai phải tiêm đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng mốc thời gian khuyến cáo;

  • Kiểm soát tốt và tích cực điều trị các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, trầm cảm, bệnh lý tuyến giáp,...;

  • Khoảng cách giữa các lần mang thai nên là từ ít nhất 18 tháng trở lên. Nếu bạn từ 35 tuổi trở lên, đã từng sảy thai trước đó hoặc thai lưu hãy trao đổi lại với bác sĩ để được tư vấn về việc mang thai trong thời điểm nào là thích hợp.

Một thai kỳ khỏe mạnh sẽ giúp ích rất nhiều đối với sự phát triển ổn định của thai nhi

Một thai kỳ khỏe mạnh sẽ giúp ích rất nhiều đối với sự phát triển ổn định của thai nhi

Đối với những người mẹ được chẩn đoán nguy cơ sinh non là rất cao thì có thể sẽ được bác sĩ cân nhắc tiêm mũi trưởng thành phổi. Đây là loại  thuốc giúp phổi phát triển nhanh hơn và bổ sung chất hoạt động bề mặt kịp thời giúp phòng tránh nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.

Để được tư vấn trực tiếp và chi tiết hơn về các vấn đề bệnh lý và sử dụng dịch vụ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, quý khách hàng hãy gọi tới hotline 1900 56 56 56, tổng đài viên luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.