Tin tức
Lao phổi - Tất tần tật những thông tin y khoa cần biết
- 01/07/2023 | Các loại xét nghiệm phổi giúp chẩn đoán bệnh lao phổi
- 01/11/2023 | Chế độ dinh dưỡng người bị lao phổi không nên bỏ qua
- 01/07/2023 | Lao phổi giai đoạn cuối: Điều trị và chế độ chăm sóc sức khỏe
- 01/12/2023 | Giải đáp thắc mắc: Bệnh lao phổi có chữa được không?
- 13/08/2024 | Tư vấn: Lao phổi giai đoạn cuối biểu hiện như thế nào?
1. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh lao phổi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi năm có khoảng 9 triệu người mắc bệnh lao phổi nhưng có khoảng 3 triệu người không được phát hiện và điều trị. Vậy nguyên nhân gây bệnh là do đâu? Biểu hiện như thế nào?
Nguyên nhân gây bệnh
Thủ phạm gây ra căn bệnh lao phổi nguy hiểm là vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis. Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ có thể trú ngụ, sinh sôi, phát triển trong các cơ quan như hạch bạch huyết, tai, tuyến thượng thận, não, xương khớp,… Trong đó phổ biến nhất, chiếm đến 85% các trường hợp là tại phổi. Loài vi khuẩn này nếu tấn công cơ quan nào thì cơ quan đó sẽ bị mắc bệnh lao.
M.Tuberculosis có thể xâm nhập, trú ngụ, sinh sôi tại phổi và gây bệnh lao
Vi khuẩn lao có thể tồn tại được ở cả môi trường acid hay bazơ, bị tiêu hủy ở 1000 độ C trong 5 phút và vô hoạt dưới ánh nắng mặt trời. Trong dịch đờm, vi khuẩn có thể sống trong nhiều tuần. Khi bệnh nhân lao ho, hắt hơi, nói chuyện hay khạc nhổ,… vi khuẩn được bài tiết ra ngoài. Nếu người khỏe mạnh vô tình tiếp xúc với những nguồn mang vi khuẩn này sẽ bị nhiễm bệnh.
Triệu chứng
Khi vi khuẩn tấn công vào phổi và gây bệnh lao, cơ thể sẽ xuất hiện những triệu chứng sau:
● Cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải mọi lúc, kể cả khi nghỉ ngơi, chán ăn, ăn không ngon, sụt cân nhanh không xác định nguyên nhân.
● Hầu hết bệnh nhân đều có biểu hiện sốt nhẹ và kéo dài, thường xảy ra vào chiều tối hoặc ban đêm. Một số có hiện tượng sốt cao, rét run, nóng lạnh thất thường.
● Ra nhiều mồ hôi trộm trong lúc ngủ vào ban đêm.
● Đau tức ngực, thỉnh thoảng xuất hiện tình trạng khó thở, hơi thở nông.
● Ho khan hoặc có đờm, đôi khi ra máu, kéo dài dai dẳng. Những trường hợp ho kéo dài trên 2 tháng đều cần phải làm xét nghiệm sàng lọc lao phổi.
Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh còn có thể gặp những tình trạng khác như thiếu máu, da xanh xao, chóng mặt, buồn nôn, nôn, nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt, vô kinh,… Nếu thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ bệnh thì tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, xác định chính xác tình trạng và áp dụng biện pháp điều trị hiệu quả.
Người bị lao phổi có thể xuất hiện tình trạng ho ra máu
2. Chẩn đoán lao phổi
Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các kiểm tra khác nhau để chẩn đoán lao phổi và từ đó đưa ra biện pháp điều trị thích hợp. Một số phương pháp chẩn đoán, tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn lao trong phổi cũng như xác định mức độ bệnh lý phổ biến hiện nay là:
Chụp X - quang phổi
Chụp X - quang giúp xác định được tình trạng tổn thương, thâm nhiễm của vi khuẩn tại phổi. Các hình ảnh tổn thương điển hình trong lao phổi thường gặp trên X-quang như: nốt mờ, đám mờ, xơ hang, đám tổn thương hình nụ trên cành,.... Ngoài ra, để theo dõi và đánh giá khả năng đáp ứng với liệu pháp điều trị, bác sĩ cũng chỉ định bệnh nhân chụp X - quang phổi.
Xét nghiệm Xpert MTB/RIF
Đây là xét nghiệm sinh học phân tử được chỉ định để chẩn đoán lao đồng thời xác định tình trạng kháng thuốc Rifampicin. Phương pháp này được thực hiện đơn giản với độ chính xác cao, thời gian trả kết quả nhanh chóng.
Nhuộm soi đờm tìm AFB (Acid Fast Bacillus Test)
Bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật nhuộm soi Ziehl - Neelsen trên kính hiển vi nhằm tìm kiếm sự tồn tại của vi khuẩn M.Tuberculosis. Mẫu bệnh phẩm sẽ là dịch đờm hoặc dịch dạ dày, phế quản.
● Nếu một trong hai mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính thì có thể bệnh nhân đã mắc lao, cần phối hợp thêm các triệu chứng lâm sàng, X-quang và các xét nghiệm đặc hiệu về lao khác để chẩn đoán xác định.
● Trường hợp cả 2 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính thì cần làm kháng sinh đồ và theo dõi triệu chứng sau đó xét nghiệm lại. Nếu các mẫu đờm sau âm tính thì cần phối hợp sử dụng các phương pháp xét nghiệm khác để tầm tìm vi khuẩn lao.
Nuôi cấy vi khuẩn lao
Nuôi cấy trong môi trường thạch ở phòng thí nghiệm là phương pháp truyền thống tìm kiếm sự tồn tại của vi khuẩn lao. Phương pháp đòi hỏi những yêu cầu về máy móc, thiết bị y tế để đáp ứng điều kiện nuôi cấy nghiêm ngặt đồng thời tốn nhiều thời gian, khoảng 3 - 4 tuần mới xác định được kết quả và quy trình phức tạp. Hiện nay, phương pháp MGIT-BACTEC có thể giúp giảm bớt thời gian chờ đợi xuống còn 2 tuần.
Ngoài những phương pháp trên, bệnh nhân còn có thể thực hiện các kiểm tra khác như xét nghiệm máu, phản ứng Tuberculin,… tùy từng trường hợp để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về bệnh.
Nuôi cấy phân lập trong môi trường thạch để tìm kiếm vi khuẩn lao
3. Phòng bệnh lao phổi bằng cách nào?
Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh lao, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
● Đeo khẩu trang thường xuyên mỗi khi ra ngoài, đặc biệt là khi đến những nơi công cộng, đông người.
● Nếu phát hiện bệnh nhân bị lao thì hạn chế tiếp xúc, tuyệt đối không sử dụng các vật dụng cá nhân.
● Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hình thành lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất và cân đối, tập thể dục đều đặn, không sử dụng các chất kích thích. Hạn chế đến những nơi có nhiều khói thuốc lá, bụi bẩn, môi trường ô nhiễm,… Nếu do tính chất công việc thì nên có đồ bảo hộ để bảo vệ cơ thể.
● Người nhiễm khuẩn lao cần phải có ý thực tự cách ly bản thân với những người xung quanh, khi hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc với người khác phải đeo khẩu trang, không khạc nhổ bừa bãi, giấy ăn, khẩu trang sau khi dùng phải bỏ đúng nơi quy định hoặc tiêu hủy đúng cách.
● Trẻ ngay sau khi sinh được các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm phòng lao để bảo vệ sức khỏe.
Chuyên gia khuyến cáo nên tiêm phòng lao phổi cho trẻ ngay sau khi sinh
Thăm khám sức khỏe định kỳ là cách giúp bạn phát hiện sớm sự tổn tại của vi khuẩn lao kể cả khi chúng còn đang trong thời gian ủ bệnh và cơ thể chưa xuất hiện triệu chứng. Nếu bạn chưa biết nên thăm khám, chẩn đoán và điều trị lao phổi ở địa chỉ nào thì hãy liên hệ ngay với các bác sĩ chuyên khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC theo số hotline 1900 565656 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!