Tin tức

Cấu tạo xương sàng và cách ngăn ngừa bệnh viêm xoang sàng sau

Ngày 11/03/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Xương sàng là một xương nằm trong tổ chức xương đầu sọ, ngăn cách giữa não và khoang mũi. Nó có cấu tạo rất đặc biệt, khối lượng nhẹ và đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc xương mặt. Viêm xoang sàng sau là một trong những bệnh lý dễ gặp phải nhất ở khu vực xương này. Để tìm hiểu chi tiết hơn về giải phẫu xương sàng và cách phòng ngừa viêm xoang sàng sau, mời quý bạn đọc cùng tham khảo một số thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Xương sàng là gì?

Vị trí của xương sàng là nằm ở trung tâm khuôn mặt, chính giữa 2 mắt và ở phía trên hốc mũi. Nó thuộc hệ thống xương sọ góp phần tạo nên cấu trúc ổ mắt và ổ mũi. Khối lượng của xương sàng khá nhẹ do kết cấu của nó giống với bọt biển.

Cùng với khuyết sàng, xương sàng cấu thành nên phần phía trước nền sọ, định hình cấu trúc của ổ mũi và ổ mắt với 3 phần như sau:

  • Mảnh sàng: hay còn gọi là mảnh ngang với bộ phận mào gà ở giữa. Các sợi thần kinh khứu giác sẽ đi qua các lỗ sàng nằm 2 bên mào gà.
  • Mảnh thẳng đứng: có cấu trúc thẳng đứng như tên gọi, nằm vuông góc và bám với mảnh ngang để cấu tạo nên phần trước vách mũi. 
  • Mê đạo sàng: là khối xương nằm ở vị trí 2 bên của mảnh thẳng đứng. Mê đạo sàng có cấu trúc đặc biệt với nhiều hốc nhỏ, rỗng tạo thành hệ thống xoang sàng chứa không khí.

Vị trí của xương sàng là nằm ở trung tâm khuôn mặt, chính giữa 2 mắt và ở phía trên hốc mũi

Vị trí của xương sàng là nằm ở trung tâm khuôn mặt, chính giữa 2 mắt và ở phía trên hốc mũi

Tình trạng viêm xoang sàng sau xảy ra trong trường hợp vi khuẩn tấn công vào các hang xoang và gây nhiễm trùng tại đây. Nguyên nhân gây viêm xoang sàng sau thường là do chấn thương vùng mũi, nhiễm khuẩn hoặc thường xuyên hít phải không khí ô nhiễm. Tại Việt Nam, do đặc điểm của khí hậu nhiệt đới cũng là một trong những yếu tố làm gia tăng các bệnh lý về đường hô hấp. Viêm xoang sàng sau cũng là bệnh phổ biến mà rất nhiều người mắc phải.

2. Viêm xoang sàng sau có biểu hiện như thế nào? 

Khi bị mắc viêm xoang sàng sau, người bệnh thường có những triệu chứng đặc trưng đó là: 

  • Ho, viêm họng: các hốc xoang bị viêm nhiễm sẽ hình thành nên dịch mủ trong mũi. Ở viêm xoang sàng sau, những dịch mủ này sẽ không theo đường mũi để chảy ra ngoài. Thay vào đó chúng sẽ mang theo vi khuẩn, virus chảy xuống cổ họng khiến cho họng bị viêm, gây ra những cơn ho và đau họng. Bệnh nhân sẽ luôn cảm thấy có đờm trong cổ họng và muốn khạc nhổ. Khi bệnh để lâu ngày không điều trị sẽ tiến triển thành dạng viêm họng mạn tính.
  • Đau nhức vùng đầu: một lượng lớn dịch mủ, dịch nhầy tắc nghẽn bên trong nên viêm xoang sàng sau sẽ gây ra các cơn đau nhức ở vùng sau gáy và đỉnh đầu. Đôi khi triệu chứng này cũng bị nhầm sang chứng viêm mũi.
  • Mắt mờ: do nằm giữa 2 mắt nên tình trạng viêm ở xoang sàng sau hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới thị giác. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mắt nhìn mờ hơn. Biến chứng nghiêm trọng nhất trong trường hợp này đó là gầy mù lòa.

Viêm xoang sàng sau có thể gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp, mắt và cả hệ thần kinh trung ương

Viêm xoang sàng sau có thể gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp, mắt và cả hệ thần kinh trung ương

Căn bệnh này có khả năng để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị tốt, ví dụ như áp xe não, viêm màng não, huyết khối xoang hang, viêm tế bào ở quanh hốc mắt. Bởi vì sự nhiễm trùng từ các hốc xương sàng có thể lây lan vào những tổ chức, cơ quan xung quanh nó - đặc biệt là hệ thần kinh trung ương. 

Còn có một nguyên nhân khác gây viêm xoang sàng sau đó là do nhiễm nấm, dễ xảy ra ở những bệnh nhân bị tiểu đường (đường huyết quản lý kém) hay người bị ức chế hoặc suy giảm miễn dịch. Nấm xoang có tốc độ phát triển rất nhanh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

3. Cách phòng ngừa và hạn chế viêm xoang sàng sau tiến triển 

Để phòng ngừa các bệnh lý ở xương sàng nói chung và viêm xoang sàng sau nói riêng, chúng ta có thể thực hiện những giải pháp sau đây:

  • Tiêm vắc xin định kỳ để phòng các bệnh do virus cúm gây ra. 
  • Mỗi khi ra khỏi nhà hãy đeo khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp trên tránh hít phải bụi bẩn.
  • Giữ gìn vệ sinh tay sạch sẽ bằng cách sử dụng xà phòng diệt khuẩn.
  • Cai thuốc lá hoặc hạn chế tiếp xúc với khói thuốc.
  • Giữ ấm vùng tai mũi họng.
  • Tránh xa những tác nhân có thể gây kích ứng hay dị ứng đường hô hấp như lông động vật, phấn hoa, hay những hóa chất độc hại.
  • Nếu đang mắc phải những bệnh có tính chất giảm miễn dịch như ung thư, tiểu đường, HIV thì nên tiến hành kiểm tra định kỳ tai mũi họng nhằm phát hiện sớm nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và có biện pháp điều trị thích hợp nhất.
  • Nếu cơ thể có những biểu hiện bất thường thì hãy đi thăm khám bác sĩ ngay. Đồng thời khi có chỉ định điều trị thì bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn dùng thuốc do bác sĩ tư vấn, không được tự ý điều trị hay áp dụng các phương pháp truyền miệng vì nguy cơ biến chứng do chữa sai cách cũng rất cao.
  • Hạn chế ngoáy mũi, nên thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%). Tránh làm xước niêm mạc mũi trong quá trình vệ sinh vì có thể làm nhiễm khuẩn vị trí vết xước.
  • Có thể xông mũi 2 - 3 lần/tuần bằng nước nóng (60 - 70 độ C). Bạn có thể thêm tinh dầu bạc hà, xả gừng vào nước để tăng hiệu quả điều trị cũng như phòng tránh nguy cơ mắc viêm xoang sàng sau.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho chế độ ăn hàng ngày và thường xuyên luyện tập thể dục. Khi cơ thể được cung cấp các dưỡng chất cần thiết và vận động hợp lý sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và tuần hoàn máu tới mọi cơ quan trong cơ thể, cải thiện triệu chứng của các bệnh lý đường hô hấp và tai mũi họng.

Tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ là một trong những cách bảo vệ cơ thể trước viêm xoang sàng sau

Tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ là một trong những cách bảo vệ cơ thể trước viêm xoang sàng sau

Mong rằng những thông tin do MEDLATEC chia sẻ trong bài viết nêu trên sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về cấu trúc của xương sàng và viêm xoang sàng sau. Căn bệnh này nếu không được điều trị đúng cách từ sớm có thể trở thành dạng mạn tính, việc điều trị lúc này sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt, những biến chứng của viêm xoang sàng sau rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới các hệ cơ quan ngay gần nó như não, mắt và hệ hô hấp.

Do đó, mỗi người nên tự áp dụng cho mình những biện pháp phòng ngừa viêm xoang sàng sau. Nếu gặp phải các triệu chứng nghi ngờ mắc phải căn bệnh này, bạn nên đi khám để điều trị dứt điểm ngay từ sớm. Trong trường hợp bạn vẫn đang băn khoăn về việc lựa chọn địa chỉ y tế uy tín thì có thể đến khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách hàng có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tư vấn và đặt lịch khám ngay hôm nay.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.