Tin tức

Cây sa nhân: đặc điểm, công dụng và bài thuốc chữa bệnh

Ngày 13/02/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Theo Y học cổ truyền, cây sa nhân chuyên được dùng để điều trị những bệnh lý liên quan đến xương khớp, dạ dày và rất tốt cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đến hình dáng và công dụng của loại cây này. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin mô tả chi tiết về cây sa nhân, mời quý bạn đọc cùng theo dõi.

1. Đặc điểm cấu tạo và vùng phân bố của cây sa nhân

Trong từ điển thực vật, cây sa nhân được gọi với tên khoa học là Amomum xanthioides, họ Gừng. Cây sinh sống và phát triển tự nhiên dưới tán lá cây trong rừng, thời điểm thu hoạch là khi quả chín. Đây là một giống thực vật thân thảo, mọc theo khóm và sống lâu năm. Chiều cao trung bình của cây sa nhân là từ 1.5 - 2m. Lá khá dài, ước chừng 25 - 35cm, chiều rộng là 10 - 15cm, nhẵn bóng và có màu xanh đậm ở mặt trên, còn mặt dưới nhạt hơn. Rễ cây có một đặc điểm là mọc theo chiều ngang chứ không ăn sâu dưới đất.

Ở Việt Nam sa nhân được phân thành 16 loại khác nhau nhưng có 3 loại là phổ biến nhất vì cho chất lượng và năng suất cao. Cụ thể: 

  • Sa nhân đỏ (Amomum villosum): màu hoa đặc trưng với 2 vạch vàng và đỏ. Quả của cây màu đỏ hoặc xanh lục, hình cầu, thời điểm tháng 7 - 8 hàng năm là lúc quả chín, có các u nhỏ nằm trong hạt;

  • Sa nhân xanh (Amomum xanthioides): nhận biết qua màu sắc của hoa là màu trắng, điểm xuyết bởi các đốm tím. Quả màu xanh lục, hình trứng và có các gai dầu, bề mặt hạt có u lồi;

  • Sa nhân tím (Amomum longiligulare): hoa màu trắng, phần mép màu vàng và đan xen vạch đỏ tím. Quả của cây hình cầu, nhuộm màu tím nhưng lẫn với các đốm trắng trông rất giống bị mốc, có gân ngoài quả.

Mô phỏng hình thái cây sa nhân

Mô phỏng hình thái cây sa nhân

Tại Việt Nam sa nhân được tìm thấy ở rất nhiều nơi, trải rộng tại nhiều khu vực như từ các vùng núi phía Bắc, cụ thể là huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng cho đến An Giang (vùng Bảy Núi) ở đồng bằng Nam Bộ. Không dừng lại ở đó, sa nhân còn mọc tự nhiên tại các vùng đất cao nguyên, vùng đồ khác như cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang), Tây Nguyên, Mộc Châu (Sơn La), thậm chí là ở những nơi địa hình núi cao hiểm trở cách 1000m so với mực nước biển.

2. Công dụng của cây sa nhân trong điều trị bệnh lý

2.1. Hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh tiêu chảy 

Tiêu chảy là hiện tượng người bệnh đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, thậm chí là có thể kéo dài tới vài ngày. Các triệu chứng đặc trưng của tiêu chảy thường là buồn nôn, sốt, mệt mỏi, khát nước, đau bụng,... Hiện tượng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do bị mắc bệnh về đường ruột, nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm, do dùng thuốc,...

Sa nhân giúp cải thiện chứng ăn uống khó tiêu, hay tình trạng tiêu chảy hiệu quả. Các hoạt chất chứa trong loại dược liệu này có tác dụng ức chế sự sản sinh của các hại khuẩn trong đường ruột, đồng thời bồi bổ, cung cấp năng lượng cho cơ thể.

2.2. Giảm tình trạng đau nhức răng 

Đối với những trường hợp bị sốt, đau nhức răng dai dẳng do sâu răng thì có thể cân nhắc sử dụng sa nhân. Loài cây này chứa nhiều loại vitamin giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, ngăn ngừa các vấn đề khác về răng miệng như viêm lợi hay chảy máu chân răng,...

2.3. Giảm cảm giác nôn nghén cho mẹ bầu 

Chứng nôn nghén khiến không ít mẹ bầu cảm thấy khó chịu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến khẩu vị, sức khỏe và hệ tiêu hóa của các mẹ. Những lúc như vậy mẹ bầu có thể sử dụng sa nhân để giảm cảm giác ốm nghén. Sa nhân là thảo dược tính mát, có vị ngọt, chứa các loại vitamin thiết yếu kích thích hệ tiêu hóa, hạn chế cảm giác đầy hơi, nôn khan, ợ chua,... đem lại cảm giác ngon miệng cho mẹ bầu. 

2.4. Giúp giảm đau do viêm khớp

Viêm khớp hay phong thấp khiến người bệnh phải trả qua không ít đau đớn và khó chịu. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do di truyền, rối loạn miễn dịch hoặc do lối sống, môi trường xung quanh tác động. Nếu không điều trị sớm bệnh sẽ tiến triển nặng và biến chứng nghiêm trọng về khớp. 

Sa nhân được phơi khô để làm thuốc

Sa nhân được phơi khô để làm thuốc

Theo Đông y, trong sa nhân có chứa một loại chất khoáng có khả năng tái tạo dịch khớp và bôi trơn các khớp, từ đó bệnh nhân vận động và di chuyển sẽ dễ dàng hơn, giảm thiểu các cơn đau một cách đáng kể.

2.5. Điều trị viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày có thể khiến bệnh nhân trải qua hàng loạt các triệu chứng khó chịu như ợ chua, buồn nôn, chán ăn, sút cân, đau bụng,...

Trong sa nhân người ta tìm thấy hoạt chất có tác dụng trung hòa axit trong dịch vị dạ dày, cải thiện hệ tiêu hóa và kiểm soát tốt các dấu hiệu của viêm loét dạ dày.

3. Gợi ý các bài thuốc điều chế từ cây sa nhân

3.1. Bài thuốc khắc phục chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón

  • Nguyên liệu: 7g sa nhân, 400g gạo tẻ, táo mèo 14g, 160g cháy cơm, 14g thần khúc, 5g kê nội kim, 15g hạt sen;

  • Chế biến: rửa sạch, sao thơm, tán bột mịn dược liệu rồi bảo quản trong lọ có đậy nắp kín để dùng dần. Dùng khoảng 14g/lần, dùng 2  - 4 lần/ngày với nước ấm. Để dễ uống hơn có thể cho thêm đường.

3.2. Chữa tiêu chảy, viêm loét dạ dày bằng sa nhân 

Điều trị chứng tiêu chảy:

  • Chuẩn bị: sa nhân, can khương, trần bì, vỏ rụt, vỏ quế (mỗi vị 10g), đoạn, sâm bố chính, phá cố, củ mài sa (mỗi vị 15g);

  • Thực hiện: rửa sạch, hong khô cho ráo nước, tán bột mịn và trộn đều các dược liệu này với nhau. Dùng khoảng 25g/ngày, hòa tan hỗn hợp cùng nước ấm để uống.

Chữa viêm loét dạ dày:

  • Nguyên liệu: 1 dạ dày lợn, sa nhân 8g;

  • Chế biến: dạ dày bóp muối, rửa sạch sẽ và đen thái chỉ. Cho dạ dày và sa nhân vào nấu canh. 10 ngày sau lại ăn món này 1 lần, duy trì thói quen này sẽ giúp triệu chứng viêm loét dạ dày thuyên giảm.

3.3. Giảm tình trạng ốm nghén khi mang thai 

  • Chuẩn bị: gạo tẻ 35g, sa nhân 5g đã được sao vàng tán bột;

  • Chế biến: cho gạo và sa nhân vào nước để nấu cháo, vặn lửa nhỏ liu riu từ 10 - 20 phút. Nên dùng cháo vào buổi sáng hoặc buổi tối trước giờ ngủ khi còn ấm nóng để đạt hiệu quả cao.

3.4. Chữa viêm đại tràng mạn tính bằng sa nhân

  • Nguyên liệu: mộc hương và sa nhân đã tán bột (mỗi vị 1g), 3g bột sắn dây, đường cát (nêm nếm tùy ý);

  • Chế biến: bỏ mộc hương, sa nhân cùng bột sắn dây vào nước ấm, sau đó khuấy đều, cho thêm đường đun thành cháo. Ăn hết trong ngày.

Sa nhân được gọi với tên khoa học là Amomum xanthioides, họ Gừng

Sa nhân được gọi với tên khoa học là Amomum xanthioides, họ Gừng

3.5. Dùng sa nhân điều trị bệnh phong tê thấp

Dược liệu cần chuẩn bị: rượu nếp 40 độ (200ml), 12g thân rễ sa nhân. Ngâm sa nhân trong rượu khoảng 30 ngày. Để giảm thiểu các cơn đau nhức, bạn hãy lấy rượu xoa bóp lên chân mỗi ngày.

Như vậy thông qua bài viết trên, chúng ta đã có thêm một số kiến thức hữu ích về cây sa nhân, biết được đặc điểm hình thái, khu vực phân bố và đặc biệt là công dụng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý của loài cây này. Nếu bạn muốn hiểu thêm về sa nhân và muốn dùng nó để chữa bệnh thì nên tham khảo lời khuyên từ bác sĩ Đông y nhằm đảm bảo sa nhân luôn được dùng đúng cách và hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.