Tin tức
Chẩn đoán nhiễm trùng khớp háng nhân tạo và phương pháp điều trị
- 08/09/2022 | Những phương pháp điều trị viêm khớp háng hiệu quả nhất hiện nay
- 09/08/2024 | Phẫu thuật thay khớp háng có phức tạp không?
- 01/12/2023 | Khớp giả: nguyên nhân hình thành và phương pháp điều trị
1. Những thông tin cơ bản về nhiễm trùng khớp háng nhân tạo
1.1. Như thế nào là nhiễm trùng khớp háng nhân tạo?
Nhiễm trùng khớp háng nhân tạo là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào khớp háng nhân tạo mới được thay thế, khiến khớp và mô quanh khớp bị viêm và tổn thương. Đây là tình trạng rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh và thậm chí dẫn đến nguy cơ phải tháo bỏ khớp háng nhân tạo.
Nhiễm trùng khớp háng nhân tạo thường có các triệu chứng rõ ràng:
- Đau nhức kéo dài khớp háng mới thay, dùng thuốc giảm đau gần như không có tác dụng.
- Sưng và đỏ quanh khu vực phẫu thuật kèm theo cảm giác nóng rát ở khớp.
- Vết mổ có dịch mủ hoặc mùi hôi.
- Sốt cao, mệt mỏi.
Đau nhức khớp háng kéo dài sau phẫu thuật có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng
1.2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng khớp háng nhân tạo
Một số nguyên nhân chính dẫn đến nhiễm trùng khớp háng nhân tạo bao gồm:
- Không đảm bảo vô khuẩn trong phẫu thuật: Trong quá trình phẫu thuật, nếu môi trường không được tiệt trùng kỹ lưỡng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp nhân tạo.
- Nhiễm trùng sau phẫu thuật: Nếu không chăm sóc vết thương đúng cách sau phẫu thuật có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng.
- Yếu tố cơ địa: Những người có hệ miễn dịch yếu hoặc có các bệnh mãn tính như tiểu đường có nguy cơ cao bị nhiễm trùng sau phẫu thuật.
1.3. Phân loại nhiễm trùng khớp háng nhân tạo
Theo phân loại của Fitzgeral, nhiễm trùng khớp háng nhân tạo gồm các giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Nhiễm khuẩn cấp
Có thể chảy dịch tiết dịch mủ ở vết mổ, sưng nề vết mổ, sốt.
- Giai đoạn 2: Nhiễm khuẩn sâu
Vết thương có dấu hiệu liền bình thường nhưng khớp háng đau. Nếu không phát hiện và điều trị ngay sẽ bị viêm rò ổ khớp.
- Giai đoạn 3: Nhiễm khuẩn muộn trong máu
Thời gian đầu sau mổ, người bệnh không đau khớp nhưng sau đó dần dần có biểu hiện đau khớp háng. Kết quả xét nghiệm cho thấy tăng bạch cầu, CRP và máu lắng.
2. Phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng khớp háng nhân tạo
Chẩn đoán nhiễm trùng khớp háng nhân tạo được dựa trên kết quả của thăm khám triệu chứng lâm sàng và kiểm tra cận lâm sàng:
2.1. Chẩn đoán triệu chứng lâm sàng
- Giai đoạn 1
Chỉ cần dựa trên các triệu chứng lâm sàng như đã phân loại ở trên có thể chẩn đoán được nhiễm trùng khớp háng nhân tạo.
- Giai đoạn 2 và 3
Chẩn đoán nhiễm trùng khớp háng nhân tạo sẽ trở nên đơn giản nếu xuất hiện viêm rò vết mổ. Điều đáng nói là biểu hiện bên ngoài vết mổ lành, không có dịch tiết nhưng bên trong lại có viêm. Lúc này, bác sĩ sẽ quan sát:
+ Đau ở một số vị trí thuộc khớp háng như dọc đùi, nếp bẹn. Người bệnh có cảm giác đau sâu tận trong xương, có thể âm ỉ ngay cả khi nghỉ ngơi, đau liên tục, đau tăng lên khi đi lại và vào buổi đêm. Trường hợp này dùng thuốc kháng viêm giảm đau rất ít, thậm chí không hết đau.
+ Gai rét, sốt nhẹ.
Thăm khám, đánh giá triệu chứng lâm sàng là một phần của quá trình chẩn đoán nhiễm trùng khớp háng nhân tạo
2.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Người bệnh sẽ được chỉ định các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán nhiễm trùng khớp háng nhân tạo:
- Xét nghiệm công thức máu: Kết quả cho thấy bạch cầu đa nhân, tăng bạch cầu.
- Xét nghiệm máu lắng: > 30mm/giờ đầu.
- Xét nghiệm CRP-Hs: >10 mg/l.
- Chọc dò dịch khớp háng cấy khuẩn: Phát hiện vi khuẩn gây bệnh và đếm số lượng bạch cầu đa nhân > 400 tế bào/mm3.
- Chụp X-quang: Nhìn thấy ổ tiêu xương, đường thấu quang quanh khớp nhân tạo, phản ứng dày màng xương,...
Ngoài những phương pháp trên đây thì chẩn đoán nhiễm trùng khớp háng còn có thể dựa trên chất đồng vị phóng xạ để đánh dấu. Tuy nhiên đây là phương pháp có chi phí cao nên ít phổ biến.
3. Phương pháp điều trị nhiễm trùng khớp háng nhân tạo
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng đã được đánh giá trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp:
3.1. Điều trị kháng sinh
Điều trị kháng sinh là bước đầu tiên và cơ bản nhất để ngăn chặn nhiễm trùng và giảm sự phát triển của vi khuẩn.
- Kháng sinh tĩnh mạch
Tiêm kháng sinh tĩnh mạch liên tục trong 2 - 6 tuần để kiểm soát tốt tình trạng nhiễm trùng. Loại kháng sinh được kê đơn sẽ được bác sĩ quyết định dựa trên kết quả kháng sinh đồ trước đó.
- Kháng sinh đường uống
Sau khi nhiễm trùng được kiểm soát, bệnh nhân sẽ chuyển sang dùng kháng sinh đường uống để duy trì hiệu quả điều trị. Thời gian dùng kháng sinh tùy thuộc vào khả năng hồi phục và hiện trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Kháng sinh là phương pháp điều trị phổ biến và không xâm lấn, nhưng thường chỉ hiệu quả khi nhiễm trùng chưa quá nghiêm trọng hoặc được phát hiện sớm.
3.2. Phẫu thuật xử lý khớp háng
Khi điều trị kháng sinh không hiệu quả với nhiễm trùng hoặc bệnh ở giai đoạn nặng, phẫu thuật giúp loại bỏ ổ nhiễm trùng hoặc thay thế khớp háng nhân tạo:
3.2.1. Phẫu thuật làm sạch và bảo tồn khớp háng
Áp dụng cho những trường hợp nhiễm trùng ở giai đoạn sớm. Bác sĩ sẽ phẫu thuật mở khớp háng để làm sạch mô nhiễm trùng, loại bỏ các ổ viêm và làm sạch bề mặt khớp nhân tạo. Khớp háng nhân tạo vẫn được giữ lại nếu tình trạng nhiễm trùng chưa lan rộng.
3.2.2. Phẫu thuật thay thế khớp háng nhân tạo
Trong trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc khớp háng nhân tạo đã bị tổn thương, bác sĩ có thể quyết định thay thế toàn bộ khớp háng:
- Giai đoạn 1: Loại bỏ khớp háng đã nhiễm trùng sau đó thay thế bằng thiết bị tạm thời chứa kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
- Giai đoạn 2: Sau khi chắc chắn nhiễm trùng đã được loại bỏ hoàn toàn, bác sĩ sẽ tiến hành thay thế khớp háng nhân tạo mới. Phương pháp này giúp đảm bảo rằng tình trạng nhiễm trùng không còn tái phát sau phẫu thuật.
Phẫu thuật thay thế khớp háng nhân tạo là phương pháp triệt để nhưng đi kèm với những rủi ro cao hơn và đòi hỏi quá trình phục hồi lâu dài.
Khớp háng nhân tạo bị nhiễm trùng nặng cần phẫu thuật thay khớp háng mới
3.3. Chọc hút dịch khớp định kỳ
Bệnh nhân nhiễm trùng mức độ nhẹ hoặc điều kiện sức khỏe không đáp ứng với phẫu thuật thường được bác sĩ chọc hút dịch khớp định kỳ. Phương pháp này giúp giảm áp lực do dịch viêm tích tụ, giảm đau và giảm các triệu chứng viêm. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ tạm thời, không loại bỏ được toàn bộ nhiễm trùng.
3.4. Vật lý trị liệu
Khi các phương pháp điều trị đã kiểm soát được nhiễm trùng, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện vật lý trị liệu để tăng khả năng hồi phục chức năng khớp. Vật lý trị liệu cũng giúp giảm đau và giúp khớp linh hoạt hơn, cải thiện vận động để người bệnh sớm hoạt động được như bình thường.
Chẩn đoán nhiễm trùng khớp háng nhân tạo và điều trị ở giai đoạn sớm rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Việc nhận biết sớm các triệu chứng nghi ngờ để đến cơ sở y tế kiểm tra ngay sẽ giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng nguy hiểm do nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp háng.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám bệnh lý Cơ xương khớp cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ đặt lịch qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!