Tin tức
Chấn thương đốt sống cổ: Nhận diện và xử trí đúng cách
- 12/05/2023 | Đau đốt sống cổ - Dấu hiệu bệnh lý xương khớp không thể bỏ qua
- 12/12/2024 | Thoái hóa đốt sống cổ chèn dây thần kinh nào và cách khắc phục bệnh hiệu quả
- 29/05/2025 | Bị thoái hóa đốt sống cổ uống thuốc gì giúp giảm đau hiệu quả?
1. Thế nào là chấn thương đốt sống cổ?
Đốt sống cổ là phần trên cùng của cột sống, gồm 7 đốt sống ký hiệu từ C1 đến C7. Đây là khu vực dễ bị tổn thương do phải nâng đỡ đầu và dễ chịu tác động từ các va chạm hoặc tai nạn.
Chấn thương đốt sống cổ xảy ra khi có tác động mạnh hoặc chuyển động bất thường làm tổn thương xương, dây chằng hoặc tủy sống ở vùng cổ. Những tai nạn thường gặp gây chấn thương đốt sống cổ bao gồm: té ngã, tai nạn khi tham gia giao thông, tai nạn lao động, chấn thương thể thao,...
Hình ảnh mô phỏng đốt sống cổ
2. Dấu hiệu nhận diện chấn thương đốt sống cổ
Chấn thương đốt sống cổ thường khiến người bệnh xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Cứng và đau cổ dữ dội:
Khi bị chấn thương đốt sống cổ, người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng cứng cổ, không thể quay đầu như bình thường, đau dữ dội ở vùng cổ, nhất là khi cố gắng cử động.
- Tê hoặc yếu tay, chân:
Nếu tủy sống bị tổn thương, người bệnh có thể bị tê, yếu hoặc mất cảm giác ở tay và chân. Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến liệt tứ chi.
- Mất kiểm soát tiểu tiện, đại tiện:
Khi tủy sống bị chèn ép nghiêm trọng, người bệnh có thể mất khả năng kiểm soát bàng quang hoặc ruột, gây tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ.
- Khó thở:
Đốt sống cổ ở vị trí cao (C1 - C3) nếu bị tổn thương có thể ảnh hưởng đến cơ hô hấp, gây khó thở, thở yếu hoặc thậm chí ngừng thở.
- Các dấu hiệu khác:
- Đầu nghiêng lệch bất thường sau chấn thương.
- Cảm giác nóng rát hoặc như kiến bò ở tay chân.
- Sốc, mệt mỏi, chóng mặt, tụt huyết áp.
3. Xử trí ban đầu khi nghi ngờ chấn thương đốt sống cổ
Thao tác xử trí ban đầu khi nghi ngờ bị chấn thương vùng cổ có ảnh hưởng lớn đối với quá trình hồi phục sau này. Do đó, người bệnh cần được:
- Dừng mọi hoạt động vùng đầu - cổ, không di chuyển người bị nạn nếu nghi ngờ có chấn thương đốt sống cổ, trừ khi có nguy cơ đe dọa tính mạng (cháy nổ, ngạt, đuối nước,…).
- Gọi cấp cứu 115.
- Cố định vùng cổ bằng gối, khăn quấn hoặc nẹp để giữ yên vùng cổ trong thời gian chờ cấp cứu.
- Quan sát, nếu phát hiện người bị nạn có dấu hiệu khó thở, ngừng thở, cần thực hiện hô hấp nhân tạo (nếu có kiến thức) hoặc giữ cho đường thở của họ được thông thoáng.
- Đưa người bị nạn đến cơ sở y tế bằng xe cứu thương có nhân viên y tế đi kèm càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ làm tổn thương thêm tủy sống.
Sơ cứu đúng cách giúp người bị chấn thương đốt sống cổ, giúp giảm nguy cơ gặp biến chứng
4. Vì sao cần cấp cứu và điều trị kịp thời chấn thương đốt sống cổ?
Bệnh nhân bị chấn thương đốt sống cổ cần được điều trị ngay để tránh xảy ra biến chứng:
- Rối loạn hô hấp đe dọa đến tính mạng.
- Liệt vĩnh viễn tứ chi do tủy sống bị chèn ép không được xử lý kịp thời.
- Suy giảm chức năng vận động khiến người bệnh mất khả năng tự chăm sóc, di chuyển, tăng gánh nặng tâm lý, áp lực tài chính cho bệnh nhân và gia đình.
- Cổ bị lệch vĩnh viễn do không cố định và điều trị đúng cách, ảnh hưởng thẩm mỹ và khả năng vận động.
5. Chẩn đoán và điều trị chấn thương đốt sống cổ
5.1. Chẩn đoán
- Khám lâm sàng:
Bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ chấn thương đốt sống cổ sẽ được bác sĩ thăm khám, kiểm tra các dấu hiệu ban đầu như:
- Tư thế đầu và cổ sau chấn thương có nghiêng lệch bất thường không.
- Mức độ đau khi sờ nắn cổ hoặc cử động nhẹ.
- Kiểm tra cảm giác và vận động ở tay chân.
- Nhận biết các triệu chứng nghi ngờ tổn thương tủy sống như: tê bì, yếu chi, mất cảm giác, liệt,...
Nếu có nghi ngờ tổn thương cột sống cổ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ nẹp cố định cổ ngay lập tức để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng.
- Chẩn đoán cận lâm sàng:
Người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các biện pháp kiểm tra sau:
- Chụp X-quang: Phát hiện các trường hợp gãy xương, trật khớp, lệch đốt sống, không đánh giá được tổn thương phần mềm hoặc tủy sống.
- Chụp CT-Scanner: Nếu nghi ngờ có gãy xương nhỏ, chấn thương nghiêm trọng hoặc cần phẫu thuật.
- Chụp MRI: Khi nghi ngờ có tổn thương tủy sống, dây chằng, đĩa đệm, giúp bác sĩ đánh giá mức độ nguy hiểm của chấn thương đốt sống cổ.
Người bệnh chụp CT-Scanner chẩn đoán chấn thương đốt sống cổ
5.2. Điều trị
Tùy vào mức độ tổn thương đốt sống mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị như:
- Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật):
Với chấn thương nhẹ hoặc trung bình, không tổn thương nghiêm trọng đến tủy sống, bác sĩ sẽ cân nhắc các phương pháp điều trị bảo tồn như:
- Nẹp cổ giữ cố cố định đốt sống cổ, giúp quá trình lành xương diễn ra tự nhiên.
- Nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường, tránh xoay đầu hoặc vận động mạnh. Khi nằm phải giữ cổ thẳng bằng gối hỗ trợ chuyên dụng.
- Dùng thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm không steroid nhằm giảm sưng nề, đau nhức và hỗ trợ phục hồi mô.
- Vật lý trị liệu sau giai đoạn cố định cổ để tăng độ linh hoạt của cổ và phục hồi chức năng vận động
- Phẫu thuật:
Phẫu thuật được thực hiện với các trường hợp chấn thương đốt sống cổ nặng, có dấu hiệu chèn ép tủy sống hoặc gãy đốt sống.
Sau điều trị, người bệnh cần tái khám định kỳ theo lịch của bác sĩ để thực hiện các kiểm tra, đánh giá tiến triển lành xương. Người bệnh cũng sẽ được bác sĩ hướng dẫn chế độ tập luyện và dùng thuốc phù hợp với tiến trình phục hồi.
Chấn thương đốt sống cổ là tình trạng y khoa nghiêm trọng cần được xử lý khẩn cấp và đúng cách. Nếu gặp phải chấn thương vùng đầu cổ và có dấu hiệu đau cổ, tê chân tay, cổ cứng không xoay được, yếu cơ,... quý khách hàng có thể liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được cấp cứu kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
