Tin tức

Chia sẻ cách nuôi trẻ sơ sinh giúp các cặp vợ chồng trẻ

Ngày 18/01/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Chăm sóc trẻ sơ sinh là điều mà các bậc phụ huynh luôn phải học hỏi, đặc biệt là những cặp vợ chồng mới có em bé lần đầu. Nếu có kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, trẻ sẽ có cơ hội phát triển toàn diện. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số cách nuôi trẻ sơ sinh chi tiết để cha mẹ tham khảo thêm.

1. Một số đặc điểm thường thấy ở trẻ sơ sinh

Để nắm được cách nuôi trẻ sơ sinh hiệu quả, trước tiên cha mẹ nên biết một số đặc điểm của bé trong giai đoạn này.

1.1. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Trong 3 tháng đầu đời, bé dành phần lớn thời gian để ngủ. Trung bình các em bé sẽ ngủ khoảng 17 - 20 tiếng đồng hồ/ngày. Để bé ngủ ngon và sâu giấc hơn, cha mẹ nên sắp xếp không gian phòng ngủ yên tĩnh, ánh sáng vừa đủ và cho con mặc trang phục thoải mái.

Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian để ngủ

Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian để ngủ

1.2. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh chưa biết nói, các bé sẽ dùng tiếng khóc để giao tiếp với bố mẹ. Thông thường, trẻ sẽ cất tiếng khóc khi cảm thấy đói hoặc khát, khi khó chịu vì quần áo dày, vì tư thế nằm,… Khi thấy bé khóc, cha mẹ cần kiểm tra tìm nguyên nhân vì sao bé khóc. 

Đặc biệt, khóc cũng giúp bé rèn luyện hô hấp cực kỳ tốt, giúp phổi tăng về kích thước, kích thích hoạt động của các cơ. Trẻ sơ sinh khóc thường có một số động tác đi kèm, ví dụ như đập chân, tay…

Ban đầu cha mẹ sẽ cảm thấy lo lắng, lúng túng vì trẻ khóc nhiều, trong tình huống này, người mẹ nên giữ bình tĩnh dỗ dành con. Sau một thời gian chăm sóc, chúng ta sẽ hiểu tiếng khóc của trẻ đang muốn thể hiện cảm xúc gì.

Trẻ thường dùng tiếng khóc để thể hiện cảm xúc

Trẻ thường dùng tiếng khóc để thể hiện cảm xúc

1.3. Hoạt động tiêu hoá của trẻ sơ sinh

Bác sĩ cho biết các bé bú mẹ thường nhanh đói hơn so với bé không bú sữa mẹ, chính vì thế người mẹ cần chú ý để cho con bú kịp thời. Đối với trường hợp trẻ bú bình, cha mẹ nên chú ý theo dõi các biểu hiện của con khi con bú bình. 

Trẻ sơ sinh thường có biểu hiện nôn trớ sau khi ăn no, nguyên nhân là do hệ tiêu hoá còn non nớt, chưa hoàn thiện. Để hạn chế tình trạng nôn trớ xảy ra, người mẹ nên chủ động chia nhỏ bữa bú trong một ngày. Cụ thể, khi trẻ bú mẹ, chúng ta sẽ rút ngắn thời gian con ti mẹ; khi trẻ bú bình, chúng ta dễ dàng kiểm soát lượng sữa con ăn. Mỗi lần mẹ chỉ cần cho bé ăn từ 30 - 45 ml sữa, mỗi cữ cách nhau khoảng 1 - 2 tiếng tùy vào nhu cầu của trẻ.

Sau khi cho trẻ bú xong không nên cho trẻ nằm ngay mà lên bế trẻ và thực hiện thao tác vỗ lưng ợ hơi sau bú sẽ giúp bé tống được các khí đang bị kẹt trong dạ dày ra ngoài, bé sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, giảm tình trạng nôn trớ sau bú.

1.4. Một số đặc điểm khác

Ngoài ra, một số đặc điểm nhỏ ở trẻ sơ sinh có thể kể đến như: mũi của trẻ khá nhạy cảm, hay chảy nước mũi và hắt hơi… Tình trạng này xảy ra do bé chưa kịp thích nghi với môi trường sống mới, mũi trở nên nhạy cảm hơn.

Khi bé chơi ngoan, tăng cân đều thì đồng nghĩa con đang phát triển khoẻ mạnh, cha mẹ không cần lo lắng nhiều. Ngược lại, nếu bé có một số dấu hiệu như: hay đổ mồ hôi trộm, thường xuyên lăn lộn trong lúc ngủ, rụng tóc, tăng cân chậm, chúng ta cần lưu ý. Nhiều khả năng cơ thể trẻ sơ sinh đang thiếu vitamin D.

Đây là một số đặc điểm nổi bật nhất ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên nắm được để không cảm thấy bỡ ngỡ trong quá trình chăm sóc. Đồng thời, chúng ta sẽ có cách nuôi trẻ sơ sinh an toàn, hiệu quả nhất, giúp bé phát triển toàn diện.

2. Chia sẻ cách nuôi trẻ sơ sinh chi tiết

Dựa vào những đặc điểm trên, cha mẹ sẽ có kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ sơ sinh phù hợp nhất.

2.1. Cho bé bú đúng cách

Khi học cách nuôi trẻ sơ sinh, các bà mẹ nên tìm hiểu kinh nghiệm cho con bú đúng cách. Trong thời gian này, dinh dưỡng nuôi dưỡng cơ thể bé chủ yếu từ sữa mẹ, chúng ta hãy cố gắng cho con bú sữa mẹ tới 1 tuổi để có thể phát triển khỏe mạnh và toàn diện.

Cha mẹ nên học cách nuôi trẻ sơ sinh

Cha mẹ nên học cách nuôi trẻ sơ sinh

Vậy cho con bú như thế nào là đúng cách? Như đã phân tích ở trên, bà mẹ nên chia nhỏ nhiều bữa bú trong ngày để hạn chế tình trạng nôn trớ hoặc ọc sữa. Nếu chẳng may con bị ọc sữa hoặc nôn trớ, cha mẹ cần xử lý kịp thời, tránh nguy hiểm tới sức khoẻ của bé.

Sau khi cho trẻ bú, chúng ta không nên để bé nằm ngay lập tức, thay vào đó hãy bế trẻ đứng trong 15 - 20 phút, kết hợp vỗ nhẹ vào lưng của con.

Để đảm bảo sữa mẹ cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ, bà mẹ cũng cần duy trì chế độ ăn uống khoa học, đủ chất. Đồng thời, chị em hãy cố gắng bổ sung đủ nước cho cơ thể.

2.2. Vệ sinh cho bé

Trong những tháng đầu đời, trẻ rất dễ bị nhiễm trùng qua đường rốn nếu không được chăm sóc đúng cách. Hàng ngày, cha mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh vùng rốn cho bé, thói quen này nên thực hiện sau khi tắm cho con xong. Ngoài ra, các bạn đừng quên lau khô rốn mỗi lần vệ sinh, không tự ý bôi thuốc hay bất cứ thứ gì lên vùng rốn của bé khi bác sĩ chưa đồng ý.

Trong quá trình học cách nuôi trẻ sơ sinh, cha mẹ nên quan tâm tìm hiểu cách tắm cho bé. Tốt nhất chúng ta nên tắm cho con trong phòng kín, ấm áp, sử dụng sữa tắm gội dành riêng cho trẻ nhỏ và nhớ lau khô người cho bé trước khi mặc quần áo. Lưu ý, do sức khoẻ của bé còn yếu, cha mẹ không nên tắm cho con quá lâu phòng trường hợp cảm lạnh.

Khi tắm cho trẻ sơ sinh cần lưu ý một vài vấn đề

Khi tắm cho trẻ sơ sinh cần lưu ý một vài vấn đề

Rất nhiều người tin theo lời truyền miệng, dùng các loại lá để pha nước tắm cho em bé. Tuy nhiên, sử dụng lá bừa bãi, không đảm bảo chất lượng có thể khiến bé bị dị ứng viêm da. Đó là lý do vì sao chúng ta nên cân nhắc khi dùng lá để pha nước tắm cho trẻ nhỏ.

2.3. Giữ ấm cho trẻ đúng cách

Giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách là điều cực kỳ quan trọng. Khi thân nhiệt giảm, virus, vi khuẩn cũng như các tác nhân gây hại khác có cơ hội tấn công và đe dọa tới sức khoẻ của bé. Tốt nhất, người mẹ nên nằm gần bé, kiểm tra thân nhiệt thường xuyên để kịp thời xử lý khi phát hiện bất thường.

Vậy khi quấn tã cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý điều gì? Một số bạn cho rằng quấn tã chặt sẽ giúp bé ngủ ngon giấc, hạn chế tình trạng quấy khóc. Song, các chuyên gia không khuyến khích điều này, bởi vì thói quen quấn tã quá chặt có thể dẫn đến nguy cơ chân của trẻ sơ sinh lệch trục, đồng thời gây cảm giác khó chịu.

Ngoài ra, cha mẹ chỉ nên dùng mũ che thóp cho bé mỗi khi ra ngoài hoặc vào buổi tối. Tuy vậy, chúng ta không nên cho con đội mũ liên tục để tránh tiết nhiều mồ hôi, gây cảm giác ngứa ngáy. Thậm chí đội mũ cho trẻ liên tục còn là nguyên nhân làm tăng thân nhiệt, trẻ có thể bị sốt.

Có nên đội mũ cho trẻ liên tục không là thắc mắc của nhiều phụ huynh

Có nên đội mũ cho trẻ liên tục không là thắc mắc của nhiều phụ huynh

Hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ giúp các cặp vợ chồng biết cách nuôi trẻ sơ sinh, giúp bé phát triển toàn diện. Cha mẹ hãy cố gắng học hỏi hàng ngày để chăm sóc con tốt nhất nhé. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.