Tin tức

Cho trẻ sơ sinh uống nước có được không? Khi nào cần thiết?

Ngày 13/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, nhất là với những người lần đầu làm cha mẹ, không ít người sẽ đặt ra câu hỏi: Có cần cho trẻ sơ sinh uống nước không. Xoay quanh thắc mắc ấy, MEDLATEC xin chia sẻ một vài thông tin để các bậc cha mẹ có thêm kiến thức trong việc chăm sóc trẻ nhỏ.

1. Cho trẻ sơ sinh uống nước: Cần thiết hay không?

Nước là yếu tố thiết yếu giúp cơ thể duy trì các hoạt động sống như tuần hoàn máu, tiêu hóa và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa rất nhạy cảm và nguồn dinh dưỡng chính của trẻ ở giai đoạn đầu đời là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Không cần thiết cho trẻ sơ sinh uống nước trước 6 tháng tuổi vì:

- Nước từ sữa mẹ đã đủ cho cơ thể trẻ

Sữa mẹ không chỉ đầy đủ dưỡng chất mà còn cung cấp đủ lượng nước cần cho cơ thể trẻ. Sữa mẹ có hơn 80% là nước, giúp trẻ sơ sinh duy trì đủ độ ẩm mà không cần uống thêm nước. Điều này cũng giúp trẻ tránh khỏi tình trạng dư thừa nước, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

- Thận và hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu

Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn trong giai đoạn chưa phát triển hoàn thiện. Việc cho trẻ sơ sinh uống nước rất dễ gây ra những vấn đề như đầy bụng, khó tiêu, nôn trớ,... Trẻ uống nước càng sớm thì thận càng phải làm việc quá sức để xử lý lượng nước này và dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe.

Trước thời điểm 6 tháng tuổi cha mẹ không cần cho trẻ sơ sinh uống nước

Trước thời điểm 6 tháng tuổi cha mẹ không cần cho trẻ sơ sinh uống nước 

2. Cho trẻ sơ sinh uống nước quá sớm tiềm ẩn rủi ro gì?

Có không ít bậc phụ huynh nghĩ rằng việc cho trẻ sơ sinh uống nước sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn, giúp làm sạch miệng cho trẻ. Tuy nhiên, việc làm này có thể gây nên nhiều hệ lụy:

2.1. Nguy cơ mất cân bằng điện giải

Thận của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh nên khi uống nhiều nước mà thận không lọc hết có thể gây nên hiện tượng ngộ độc nước. Lượng nước dư thừa tồn đọng trong cơ thể làm loãng nồng độ natri trong máu, gây mất cân bằng điện giải với một số triệu chứng nguy hiểm như buồn nôn, sưng phù, co giật, nôn, hôn mê, thậm chí tử vong.

2.2. Nguy cơ thiếu dinh dưỡng

Việc cho trẻ sơ sinh uống nước có thể làm thay đổi cảm giác thèm sữa của trẻ. Sữa mẹ có đầy đủ protein, vitamin, khoáng chất và chất béo cần cho trí não và thể chất của trẻ. Trong khi đó, nước lại không cung cấp bất kỳ dưỡng chất nào, và nếu trẻ uống quá nhiều nước sẽ cảm thấy no và không muốn bú sữa.

Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình bú sữa tự nhiên, vừa giảm kích thích tiết sữa mẹ vừa dễ khiến cơ thể trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng trong những tháng đầu đời. Thiếu hụt dinh dưỡng lâu dài có thể gây suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ miễn dịch.

2.3. Rối loạn tiêu hóa

Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và rất nhạy cảm nên việc cho trẻ uống nước có thể gây ra sự rối loạn trong quá trình tiêu hóa. Hơn nữa, việc cho trẻ sơ sinh uống nước quá sớm có thể làm dạ dày của trẻ phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa nước, khiến trẻ dễ bị đầy hơi, khó tiêu và khó chịu.

Rối loạn tiêu hóa dễ khiến trẻ bị đau bụng, quấy khóc, kém hấp thụ dinh dưỡng từ sữa mẹ.

3. Khi nào mới cần cho trẻ sơ sinh uống nước?

3.1. Độ tuổi bắt đầu ăn dặm

Khi được 6 tháng tuổi, trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, nhu cầu về nước tăng lên. Lúc này, các bậc cha mẹ có thể bắt đầu cho trẻ uống nước, nhưng với lượng ít và cần uống từ từ. Tuy nhiên, cha mẹ không dùng nước thay sữa mẹ hay sữa công thức mà chỉ cần cho trẻ uống nước để bổ sung.

Trẻ trong độ tuổi ăn dặm có thể bắt đầu uống nước cùng bữa ăn

Trẻ trong độ tuổi ăn dặm có thể bắt đầu uống nước cùng bữa ăn

3.2. Khi trẻ bị mất nước

Nếu trẻ bị sốt cao, tiêu chảy hoặc nôn mửa, cha mẹ có thể cho con uống một ít nước để bù đắp lại lượng nước đã mất. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định lượng nước cần thiết cho bé.

4. Lưu ý khi chọn nước cho trẻ sơ sinh uống

4.1. Nước đun sôi để nguội

Nước đun sôi để nguội là loại nước an toàn và dễ tiếp cận nhất cho trẻ sơ sinh. Nước đun sôi để nguội sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong nước, an toàn hơn cho sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ đã bắt đầu ăn dặm, bạn có thể cho trẻ uống nước đun sôi để nguội trong các bữa ăn.

4.2. Không uống nước ngọt hay nước có đường

Không nên cho trẻ sơ sinh uống nước có đường, nước ngọt hay các loại nước có chứa chất tạo ngọt nhân tạo. Đây là các loại nước này dễ khiến trẻ gặp phải các vấn đề sức khỏe trong tương lai và dễ ảnh hưởng đến răng miệng của trẻ.

4.3. Đảm bảo vệ sinh khi trẻ sơ sinh uống nước

Khi cho trẻ sơ sinh uống nước, cha mẹ cần đảm bảo tất cả các dụng cụ sử dụng như bình nước, ly, muỗng phải được vệ sinh sạch sẽ. Việc này sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ nhiễm khuẩn.

4.4. Tạo thói quen uống nước lành mạnh

Trẻ càng lớn càng cần được tạo thói quen uống nước đúng cách, khuyến khích trẻ uống nước trong các bữa ăn và sau khi chơi đùa. Điều này giúp trẻ hình thành thói quen uống nước tốt để giúp cơ thể khỏe mạnh.

Hình thành thói quen uống nước đúng cách tốt cho sự phát triển của trẻ

Hình thành thói quen uống nước đúng cách tốt cho sự phát triển của trẻ

Như vậy, cho trẻ sơ sinh uống nước là việc không cần thiết nếu trẻ chưa đủ 6 tháng tuổi hoặc không ở trong tình trạng mất nước do vấn đề sức khỏe. Sau 6 tháng tuổi, trẻ có thể bắt đầu uống nước nhưng chỉ với lượng nhỏ, uống từng chút và không thay thế sữa. Nước uống cho trẻ cần đảm bảo vệ sinh và không nên chứa đường để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe, cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Nhi - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ