Tin tức
Chóng mặt nên uống gì để bớt choáng váng và thấy dễ chịu?
- 22/11/2021 | Chóng mặt, đau đầu buồn nôn kéo dài là bị bệnh gì? Có chữa được không?
- 06/10/2022 | Hoa mắt chóng mặt có phải bệnh không? Khắc phục như thế nào?
- 10/02/2023 | Nhìn máy tính bị chóng mặt: nguyên nhân và cách khắc phục
1. Tại sao bị chóng mặt?
1.1. Như thế nào là chóng mặt?
Chóng mặt là thuật ngữ miêu tả về hiện tượng cơ thể rơi vào trạng thái lâng lâng, choáng váng, mất thăng bằng, đi đứng không như bình thường. Một số người bị chóng mặt còn đi kèm cảm giác buồn nôn, nặng hơn có thể bị ngất xỉu.
Chóng mặt là trạng thái lâng lâng, choáng váng, mất thăng bằng rất khó chịu
Khi gặp tình trạng này cơ thể cần được nghỉ ngơi và có biện pháp chăm sóc đúng. Đại đa số trường hợp bị chóng mặt đều tự khỏi sau khi đã được nghỉ ngơi mà không cần dùng đến thuốc hay biện pháp can thiệp y tế nào.
1.2. Nguyên nhân nào gây ra chóng mặt?
Trước khi tìm hiểu chóng mặt nên uống gì thì cần biết về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Các trường hợp bị chóng mặt chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như:
- Bị mất nước: nếu uống không đủ nước hay thời tiết nắng nóng quá gây mất nước thì dễ bị choáng và chóng mặt.
- Dùng thuốc gặp phản ứng phụ: có một số loại thuốc khi sử dụng gây nên tác dụng phụ là hạ đường huyết dẫn đến tình trạng chóng mặt, choáng váng.
- Tụt huyết áp đột ngột: thay đổi tư thế đột ngột từ ngồi sang đứng dễ khiến một số người bị tụt huyết áp nên bị xây xẩm mặt mày, choáng và chóng mặt như muốn ngất xỉu.
- Hạ đường huyết: giảm lượng đường trong máu sẽ khiến cơ thể kích hoạt cơ chế tự bảo vệ nên tìm mọi cách để ít sử dụng năng lượng nhất nên gặp triệu chứng chóng mặt.
2. Khi bị chóng mặt nên uống gì?
Khi bị chóng mặt việc đầu tiên cần làm là cúi người về phía trước, kẹp đầu vào hai đầu gối để máu lưu thông lên não hoặc nằm xuống nghỉ ngơi tại chỗ cho đến khi thấy khỏe hơn mới từ từ đứng lên.
Nếu muốn tìm hiểu chóng mặt nên uống gì thì bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:
2.1. Uống nước gừng hoặc trà gừng
Gừng có tính ấm, vị cay nên có thể cải thiện cảm giác chóng mặt, buồn nôn, giúp cơ thể cảm thấy tỉnh táo hơn. Vì thế khi bị chóng mặt bạn có thể pha một cốc trà gừng hoặc uống nước gừng để cảm thấy dễ chịu, làm ấm người, dần dần sẽ đỡ chóng mặt. Cách giảm chóng mặt này không nên sử dụng với người bị tiểu đường.
Nước gừng là gợi ý đầu tiên khi chưa biết chóng mặt nên uống gì
2.2. Uống nước chanh
Có nhiều vitamin C trong quả chanh là nguồn năng lượng để cơ thể thêm tỉnh táo. Do đó, khi chưa biết chóng mặt nên uống gì thì bạn có thể pha một cốc nước chanh đường để uống. Hương thơm từ vỏ chanh cũng sẽ giúp bạn thư giãn tâm trí và có được cảm giác sảng khoái hơn.
2.3. Uống nước mật ong
Trong mật ong có rất nhiều khoáng chất như canxi, sắt, magie,... và vitamin nên sẽ là nguồn cung cấp dưỡng chất tốt cho cơ thể. Uống mật ong có thể giảm chóng mặt và giúp cơ thể có thêm nguồn năng lượng.
Vì vậy, thêm một gợi ý cho vấn đề chóng mặt nên uống gì là pha mật ong với nước chanh để uống. Thức uống này vừa giúp bạn giảm được tình trạng choáng váng vừa đem lại cảm giác thư giãn, dễ chịu.
Nước mật ong có thể cải thiện hiệu quả triệu chứng chóng mặt
2.4. Uống nước đường
Đường có thể ngăn ngừa mệt mỏi, kiệt sức. Mặt khác, uống nước đường còn được cơ thể hấp thụ nhanh chóng và được cung cấp nhiệt nhanh hơn các loại nước khác. Vì thế mà việc uống nước đường sẽ giúp cải thiện tình trạng chóng mặt, hoa mắt,... giúp sức lực được hồi phục.
2.5. Uống nước lọc
Nước chiếm 83% thành phần máu nên bị thiếu nước sẽ khiến cho máu vận chuyển lên não kém từ đó sinh ra tình trạng chóng mặt, đau đầu. Vì thế, chóng mặt nên uống gì không nên bỏ qua việc bổ sung thêm nước để đưa cơ thể thoát khỏi tình trạng mất nước.
Việc tăng cường nước khi bị chóng mặt còn giúp cơ thể tránh được tình trạng mất cân bằng dịch để máu lưu thông tốt hơn. Để phòng ngừa chóng mặt do thiếu nước, trung bình mỗi ngày cơ thể cần được cung cấp đủ 2 lít nước.
Bị chóng mặt kéo dài cần khám bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp xử trí phù hợp
2.6. Lưu ý
Tuy nhiên, những phương pháp trên chỉ là cách xử lý tạm thời. Chóng mặt do rất nhiều nguyên nhân gây ra, nên việc điều trị chóng mặt theo nguyên nhân sẽ hiệu quả hơn. Các trường hợp chóng mặt sau cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Chóng mặt kèm đau đầu dữ dội.
- Chóng mặt kèm nhìn đôi.
- Hoa mắt chóng mặt kèm theo sốt.
- Chóng mặt kèm theo nôn ói không cầm được.
- Chóng mặt kèm yếu liệt chi hay liệt mặt.
- Chóng mặt hoa mắt kèm rối loạn cảm giác.
- Chóng mặt kèm đau ngực.
- Chóng mặt hoa mắt kéo dài trên 30 phút ở người già trên 60 tuổi kèm theo yếu tố nguy cơ đột quỵ như: tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch đi kèm.
- Bị chấn thương đầu trước đó.
- Trẻ con hay phụ nữ mang thai.
Để phòng ngừa tình trạng chóng mặt, tốt nhất nên tránh căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, vận động vừa phải,... Người hay bị chóng mặt nên thường xuyên tập luyện bài tập vùng cổ gáy, vùng đầu để cải thiện lưu thông máu, phòng ngừa chóng mặt.
Nếu đã tìm cách cải thiện tình trạng chóng mặt tại nhà mà không hiệu quả, tốt nhất bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này và được điều trị đúng hướng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!