Tin tức
Chuyên gia giải đáp: nhiễm biến chủng Omicron bao lâu khỏi?
- 21/12/2021 | Biến thể Omicron là gì? Mức độ lây lan như thế nào?
- 01/07/2022 | Một số thông tin về biến thể phụ BA.4 của Omicron
- 07/01/2022 | Chuyên gia giải đáp: Người nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng gì?
1. So sánh biến chủng Omicron và Delta
Để trả lời cho câu hỏi nhiễm biến chủng Omicron bao lâu khỏi, trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về biến chủng này qua việc tìm hiểu sự giống, khác nhau giữa Omicron và Delta.
Omicron và Delta đều là hai biến chủng của virus SARS-CoV-2, được các nhà khoa học đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp. Từ khởi điểm ở Nam Phi, biến chủng Omicron đã nhanh chóng lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Lúc đầu, nó được gọi là B.1.1.529, sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức gọi là Omicron và đưa vào nhóm “đáng lo ngại”.
Omicron thể hiện sự thay đổi để tăng khả năng thích nghi với cơ thể con người ở việc chúng có tới 32 đột biến trên protein gai trong tổng số khoảng 50 đột biến. Do vậy, khả năng bám dính cũng như phạm vi tiếp xúc với tế bào ở vật chủ của chúng tăng cao.
Khả năng lây lan rất nhanh của Omicron là do những đột biến ở protein gai
Theo các nghiên cứu cũng như thống kê, kể từ khi xuất hiện đến nay, Omicron có khả năng lây lan mạnh hơn so với Delta song chúng ít gây bệnh nặng hơn. Mặc dù vậy, với những người cao tuổi hoặc có bệnh nền hay khả năng miễn dịch kém, bệnh vẫn có thể trở nên nghiêm trọng và cần nhập viện điều trị.
Nếu như các triệu chứng gây ra bởi biến chủng Alpha gần như giống với chủng gốc, gồm ho, chảy nước mũi, đau đầu hoặc đau cơ, sốt… còn có thể mất vị giác, khứu giác thì ở các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, ngoài các biểu hiện thường thấy, người bệnh ít bị mất vị giác hay khứu giác hơn.
2. Nhiễm biến chủng Omicron bao lâu khỏi?
Theo những kết quả nghiên cứu được công bố bởi CDC Mỹ, thời gian ủ bệnh của Omicron chỉ khoảng 3 ngày, ngắn hơn so với các biến chủng trước. Việc nhiễm biến chủng Omicron bao lâu khỏi cần căn cứ vào biểu hiện hay mức độ của bệnh ở mỗi đối tượng trong những hoàn cảnh khác nhau.
Tuy nhiên, khi Omicron xuất hiện, việc tiêm vắc xin đã được triển khai rộng rãi với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống bình thường trở lại nên nhiều nước đã rút ngắn thời gian cách ly tối thiểu xuống còn từ 5 đến 7 ngày.
Người bị nhiễm biến chủng này cũng có nguy cơ gặp phải những triệu chứng của Covid-19 kéo dài và tái phát theo thời gian. Cho đến nay, chưa có căn cứ nào để khẳng định Covid kéo dài ở người nhiễm Omicron ít hơn so với Alpha hoặc Delta.
Dù có thể Omicron không gây bệnh nặng song những di chứng kéo dài vẫn là điều không thể tránh khỏi
Một điều đáng lo ngại nữa là từ khi xuất hiện tới nay, Omicron vẫn liên tục biến đổi sinh ra các biến thể phụ, trong đó biến chủng BA.2 Omicron được gọi là “Omicron tàng hình”.
Sở dĩ biến chủng Omicron BA.2 được gọi là tàng hình bởi vì chúng không mang các đột biến đặc trưng của Omicron. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ trong vòng 2 tháng sau khi xuất hiện, biến chủng này đã được ghi nhận tại 92 quốc gia.
Khả năng lây lan của biến chủng Omicron BA.2 nhanh hơn 1,5 lần so với BA.1 song triệu chứng gần như giống nhau, có thể thêm các dấu hiệu như: chóng mặt, mệt mỏi, ho khan, tăng nhịp tim hoặc tiêu chảy, buồn nôn,… Tuy nhiên, với những người đã được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin, việc bệnh trở nên nặng là điều có khả năng tránh được.
3. Ở Việt Nam có biến chủng Omicron không?
Ngày 28/12/2021, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên là hành khách nhập cảnh từ Anh. Sau đó, biến chủng này đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước và trở thành biến chủng lưu hành chính trong những tháng đầu năm 2022.
Việc xâm nhập và lan rộng của biến chủng Omicron tại các quốc gia trên thế giới là điều tất yếu trong bối cảnh chính sách từng bước bình thường hóa để tạo điều kiện phục hồi cũng như phát triển kinh tế, xã hội do tỷ lệ bao phủ vắc xin tăng cao.
Omicron gây ra rất nhiều thách thức cho ngành Y tế với những biến đổi khôn lường
Tháng 1 năm nay, một biến thể phụ nữa của Omicron xuất hiện tại Nam Phi là BA.5 và cho tới nay, chúng đã xâm nhập vào Việt Nam. Với khả năng lây lan rất nhanh chóng, lại có thể khiến những người từng mắc Omicron hay các biến chủng khác bị nhiễm bệnh lại, BA.5 nhiều khả năng sẽ thay thế các biến chủng hiện tại, tạo ra một làn sóng dịch mới.
Tuy nhiên, một thông tin tích cực là cho đến nay, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, so với Delta, BA.5 không gây ra bệnh nặng hoặc làm tăng thêm số ca tử vong.
4. Vắc xin là yếu tố không thể thay thế trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh
Việc xuất hiện các biến chủng mới là minh chứng cho những biến đổi rất nhanh chóng và khó lường của Covid-19. Mặc dù hiệu quả bảo vệ của vắc xin trước các biến chủng khác nhau có thể giảm song hiệu lực vẫn rất tốt.
Điều này có thể thấy rất rõ trong thực tế tại Việt Nam khi so sánh làn sóng dịch thứ tư với những tháng đầu năm 2022. Vào năm 2021, cùng với số lượng mắc cao, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong cũng lớn trong khi đầu năm nay thì không như vậy. Điều này có được là nhờ vắc xin.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, vai trò của việc tiêm vắc xin cần tiếp tục được chú trọng như một điều kiện cốt yếu để chống lại bệnh tật. Với những người đã hoàn thành các mũi cơ bản, cần tiêm mũi tăng cường nhằm phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh, bệnh trở nặng hoặc tử vong. Các bậc phụ huynh cũng nên thực hiện việc tiêm phòng cho trẻ theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cho tới nay, vắc xin vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ tốt đối với mọi biến chủng của virus
Chúng ta không quá hoang mang trước dịch bệnh song cũng không nên chủ quan. Việc lựa chọn chủng loại, liều lượng của vắc xin để tiến hành tiêm cho các đối tượng khác nhau đã được nghiên cứu kỹ nên người dân hoàn toàn yên tâm khi thực hiện việc tiêm chủng, vì sức khỏe và sự an toàn của chính mình cũng như cộng đồng.
Hy vọng rằng từ những chia sẻ trên, quý vị đã có thể tìm được cho mình câu trả lời về việc nhiễm biến chủng Omicron bao lâu khỏi. Nếu còn băn khoăn cần được giải đáp, quý khách có thể gọi tới số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!