Tin tức

Chuyên gia tư vấn cách dùng thuốc tiền đình

Ngày 10/04/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đi đứng chao đảo, buồn nôn,... là những triệu chứng điển hình của tình trạng rối loạn tiền đình. Hội chứng này có nguy cơ tái phát cao và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và công việc hàng ngày của người bệnh. Bài viết sau sẽ giới thiệu đến bạn đọc các loại thuốc tiền đình được bác sĩ khuyên dùng nhiều nhất hiện nay và cách sử dụng thuốc đúng cách.

1. Khái niệm rối loạn tiền đình

Nhiệm vụ chính của hệ thống tiền đình đó là giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái thăng bằng cho dù trải qua bất kỳ vận động nào, ví dụ như cúi người, quay người, di chuyển,... Các động tác này do nhóm thần kinh trong não điều khiển. 

Hội chứng rối loạn tiền đình có thể khiến người bệnh gặp phải các dấu hiệu như chóng mặt, buồn nôn và nôn, mất thăng bằng, đi đứng không vững, muốn ngã, mệt xỉu, yếu, mắt mờ, kém tập trung. Trường hợp bị nặng thì ngay cả khi nằm nghỉ đầu óc vẫn bị quay cuồng và ói mửa. 

Hệ thống tiền đình

Hệ thống tiền đình

Lứa tuổi nào cũng có thể bị rối loạn tiền đình nhưng bệnh xuất hiện nhiều nhất ở người trưởng thành. Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc hội chứng này sẽ càng lớn. Sau đây là những đối tượng dễ bị rối loạn tiền đình nhất:

  • Bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ nghiêm trọng khiến động mạch đốt sống bị chèn ép dẫn tới thiếu máu cung cấp cho não bộ  (gồm các vùng như tiểu não, thân não,...);

  • Người phải làm việc ở những nơi ồn ào, chịu áp lực lớn trong cuộc sống và công việc. Đặc biệt là người thường xuyên làm việc trong không gian kín, ngồi lâu một chỗ, ít vận động, di chuyển;

  • Người làm việc trong văn phòng, thường xuyên tiếp xúc với máy tính và dành nhiều giờ đồng hồ ngồi dưới máy lạnh.

2. Nhóm các thuốc tiền đình thường được bác sĩ chỉ định

Rối loạn tiền đình không phải bệnh lý mà là một dạng hội chứng, do đó không có thuốc đặc hiệu để điều trị. Cách duy nhất là tìm hiểu nguyên nhân gây nên hội chứng này. 

Khi người bệnh gặp phải các triệu chứng như ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng trong vận động và di chuyển nghi  ngờ bị rối loạn tiền đình thì hãy đi khám để tìm hiểu căn nguyên. Thời gian phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị sẽ càng cao. 

Nếu bệnh nhân bị chóng mặt cấp tính thì cần phải khắc phục tình trạng này. Mặc dù các cơn chóng mặt có thể tự qua đi nhưng điều này sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, sợ hãi và không thể tiếp tục sinh hoạt được. Việc dùng các thuốc tiền đình phải tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Phụ thuộc vào triệu chứng và mức độ bệnh của từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê loại thuốc tiền đình phù hợp nhất, cụ thể như sau:

Thuốc kháng histamin:

Bao gồm các loại là: dimenhydrinate, Promethazine, scopolamine,... có tác dụng giúp giảm nhanh các biểu hiện như buồn nôn, chóng mặt nhưng sẽ khiến bệnh nhân buồn ngủ ngây ngất. Trong đó thuốc kháng Histamin thế hệ 1 là Cinnarizin được dùng nhiều trong các trường hợp bị ù tai, chóng mặt, choáng váng do rối loạn tiền đình hoặc phòng ngừa say xe,... Tuy nhiên thuốc lại có tác dụng phụ là gây rối loạn tiêu hóa hoặc buồn ngủ nên được khuyên dùng sau khi ăn no, sử dụng tại nhà.

Nhóm thuốc ức chế canxi:

Điển hình là thuốc Flunarizin giúp ngăn ngừa và cải thiện triệu chứng chóng mặt ở những người bị rối loạn tiền đình. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng cải thiện thiểu năng tuần hoàn não, giảm chứng đau nửa đầu. Khi dùng thuốc cần lưu ý về tác dụng phụ là gây buồn ngủ, tăng nguy cơ trầm cảm, tác động đến hệ tiêu hóa, thần kinh và làm nghiêm trọng thêm triệu chứng của bệnh Parkinson. 

Việc dùng các thuốc tiền đình phải tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ

Việc dùng các thuốc tiền đình phải tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ

Thuốc giúp kiểm soát tình trạng buồn nôn, chóng mặt:

Đại diện cho nhóm thuốc này là Acetyl leucin giúp khắc phục chứng đau đầu, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên trước khi dùng thuốc bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng vì Acetyl leucin có khả năng tương tác với các thuốc khác.

Nhóm thuốc tiền đình benzodiazepines:

Đây là các thuốc an thần có tác dụng trấn tĩnh, giảm cảm giác lo lắng cho bệnh nhân. Tuy nhiên thuốc này không nên dùng trong lâu dài vì có thể dẫn tới nguy cơ lệ thuộc thuốc. 

Ngoài các thuốc tiền đình nêu trên, trong quá trình điều trị bệnh nhân có thể được kê thêm các thuốc hỗ trợ tuần hoàn não như piracetam, ginkor giloba,... 

Tuy rằng nhiều khi chóng mặt chỉ xảy ra thoáng qua và không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu biểu hiện này xuất hiện kèm theo các triệu chứng bất thường sau thì bạn cần đi khám để được điều trị càng sớm càng tốt:

  • Chóng mặt kèm đau đầu không khỏi;

  • Mắt mờ, nhìn sự vật không rõ ràng, nhìn đôi, thậm chí là mất thị lực;

  • Thính giác suy giảm;

  • Khó nói chuyện;

  • Mất định hướng về không gian, thời gian;

  • Lảo đảo, dù đứng hay ngồi cũng muốn ngã;

  • Nhịp tim bất thường, đau tức ngực.

Những biểu hiện trên có thể là cảnh báo ngầm rằng bệnh nhân đang mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng như đột quỵ não, u não, bệnh về tim mạch, bệnh Parkinson,...

Phương pháp nội khoa thường sẽ được vận dụng trong những trường hợp bị rối loạn tiền đình và các thuốc tiền đình phải được do bác sĩ chỉ định, giám sát sử dụng. Bệnh nhân không được tự mua thuốc về dùng, dùng theo đơn của người khác và không tự ý đổi loại thuốc, tùy chỉnh liều lượng mà chưa có hướng dẫn từ bác sĩ. 

3. Các cách giúp phòng tránh triệu chứng tiền đình kịch phát

Nhằm phòng ngừa nguy cơ gặp phải các cơn chóng mặt cấp tính do rối loạn tiền đình, người bệnh nên áp dụng các phương pháp sau:

  • Không ngồi quá lâu, liên tục ở một tư thế, một vị trí, đặc biệt là ngồi trước máy tính. Ngoài ra cần hạn chế các tư thế dễ dẫn đến chóng mặt như ngồi xuống hay đứng lên quá nhanh, không đọc sách báo, chơi điện thoại khi đang ngồi trên xe, tránh leo trèo lên những vị trí cao, tránh lo âu, căng thẳng quá độ và nếu bị chóng mặt thì nên ngồi xuống hoặc nằm nghỉ;

  • Không nên uống đồ uống có cồn, trà đặc hay cà phê vì sẽ dẫn tới tình trạng lợi tiểu, mất nước, ù tai, tăng huyết áp. Đặc biệt bạn nên tránh sử dụng các thực phẩm có thành phần acid amin tyramine như gan gà, sữa chua, rượu vang đỏ, phô mai, cam quýt, thịt xông khói, chuối, các loại hạt,...;

  • Không nên chế biến món ăn quá mặn  hoặc quá ngọt vì những gia vị này có thể làm mất cân đối thể tích dịch trong cơ thể, làm tăng hoặc giảm áp lực tai trong dẫn tới các cơn chóng mặt cấp;

  • Tránh sử dụng các loại thuốc làm nghiêm trọng thêm tình trạng rối loạn tiền đình, ví dụ như thuốc nhóm steroids có thể làm rối loạn điện giải, Aspirin gây ù tai;

  • Bỏ hút thuốc lá: trong thuốc lá chứa rất nhiều hóa chất độc hại và một trong những tác hại mà sản phẩm này gây ra đó là biến chứng xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp và giảm lượng máu vận chuyển đến tai trong.

Để tránh bị tiền đình, bạn không nên ngồi làm việc quá lâu ở một tư thế

Để tránh bị tiền đình, bạn không nên ngồi làm việc quá lâu ở một tư thế

Mong rằng với các thông tin nêu trên bạn đã có thêm một số kiến thức cơ bản về hội chứng rối loạn tiền đình cũng như các loại thuốc để điều trị hội chứng này. Nếu bạn đang gặp phải các biểu hiện nghi ngờ bị rối loạn tiền đình, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị ngay từ sớm.

Chuyên khoa Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ đáng tin cậy bạn có thể tham khảo đăng ký thăm khám. Chuyên khoa quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu sẽ giúp bạn chẩn đoán và tư vấn phương pháp phù hợp trong điều trị hội chứng tiền đình. Bạn hãy liên hệ ngay qua hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên hỗ trợ đặt lịch khám ngay hôm nay!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ