Tin tức

Đau chấn thủy là bệnh lý gì? Có chữa được không?

Ngày 10/01/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Đau chấn thủy hay đau vùng thượng vị là tình trạng xảy ra khá phổ biến khiến người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu. Tuy rằng không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng triệu chứng này làm cản trở công việc và sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt đây còn có thể là một tín hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn khác.

1. Nguyên nhân đau chấn thủy là do đâu?

Đau chấn thủy là cách gọi dân gian được dùng để chỉ cơn đau ở vùng thượng vị (vị trí dưới xương ức và ở trên rốn). Đau chấn thủy có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn, nhiều khi đó không chỉ đơn thuần là một cơn đau mà còn có thể là biểu hiện của một bệnh lý.

Đau chấn thủy thường xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:

1.1. Nguyên nhân bệnh lý

Một số bệnh lý thuộc hệ tiêu hóa có thể là nguyên nhân gây đau chấn thủy. cụ thể như sau:

Bệnh về thực quản:

  • U thực quản: đó có thể là khối u lành tính hoặc ác tính nhưng đều có biểu hiện chung là gây đau vùng thượng vị kèm những triệu chứng khó chịu khác khi nuốt thức ăn;

  • Viêm thực quản: thường thì đây chính là kết quả sau một thời gian bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản;

  • Thoát vị gián đoạn: hay gặp ở bệnh nhân ngoài 50 tuổi, khi ấy người bệnh có các triệu chứng như hơi thở có mùi, khó nuốt, ăn hay bị nghẹn,...

Bệnh về dạ dày:

  • Viêm loét dạ dày: là khi  niêm mạc dạ dày gặp tổn thương gây ra các ổ viêm loét dẫn tới những biểu hiện như tức rát, đau chấn thủy, mệt mỏi, buồn nôn, nônn, sụt cân, đi ngoài phân đen. Đặc biệt biểu hiện đau chấn thủy sẽ càng gia tăng khi về đêm, khi bạn đói bụng;

  • Thủng dạ dày: đau vùng chấn thủy như có dao đâm, bụng cứng, choáng váng, không thể chịu đựng được;

  • Trào ngược dạ dày thực quản: khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản, bệnh nhân không chỉ có biểu hiện khó tiêu, ợ chua, ho liên tục mà còn bị đau vùng thượng vị;

  • Ung thư dạ dày: là bệnh lý ác tính nguy hiểm, diễn tiến trong âm thầm, ít triệu chứng nên khó phát hiện trên lâm sàng. Thông thường biểu hiện của bệnh thường dễ bị nhầm sang các bệnh khác về đường tiêu hóa, ví dụ như chán ăn, đau chấn thủy, đi ngoài phân đen, đầy bụng khi ăn,... 

Nguyên nhân gây đau chấn thủy có thể là do bệnh nhân gặp vấn đề về dạ dày

Nguyên nhân gây đau chấn thủy có thể là do bệnh nhân gặp vấn đề về dạ dày

Viêm ruột thừa: 

Ruột thừa là bộ phận có nguy cơ viêm nhiễm cao, nếu không kịp thời xử lý có thể gây đau, vỡ ruột thừa, nghiêm trọng nhất là tử vong. Mới đầu cơn đau sẽ là từ vùng rốn lan lên vùng thượng vị. Lúc này bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu để sớm được phẫu thuật.

Bệnh đại tràng:

Nếu bị viêm đại tràng cấp và mạn tính, bệnh nhân không chỉ bị đau chấn thủy mà còn bị chướng bụng, đầy hơi, rối loạn đại tiện (đại tiện phân không đều, lúc lỏng, lúc táo.

Các bệnh về gan mật:

Đằng sau những cơn đau chấn thủy có thể là dấu hiệu của những bệnh ở gan mật như:

  • Sỏi mật, viêm túi mật, sỏi đường dẫn mật,... sẽ khiến bệnh nhân bị đau dữ dội vùng bên phải dạ dày, đau vùng chấn thủy, kèm theo triệu chứng đầy hơi, nôn, vàng da, sốt cao, phân màu đất sét. bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị.

  • Viêm gan, áp xe gan;

  • Giun chui ống mật.

Các bệnh lý khác:

Bệnh về tụy, tiểu đường, bệnh mạch vành, ho nhiều, suy tim nặng, trẻ em nhiễm giun sán,... cũng có thể gây ra các cơn đau vùng thượng vị.

1.2. Nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân bệnh lý nêu trên, đau chấn thủy còn xuất phát từ những lý do sau:

  • Ăn quá nhiều: khi lượng thức ăn được nạp quá nhiều vào cơ thể trong thời gian ngắn sẽ khiến dạ dày bị giãn rộng, từ đó chèn ép vào các cơ quan quanh nó. Ngoài ra ăn quá nhiều còn gây trào ngược axit dạ dày gây khó tiêu, đau chấn thủy;

  • Tác dụng phụ của thuốc: một số thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là đau chấn thủy, ảnh hưởng đến chức năng gan và dạ dày, ví dụ như aspirin (thuốc giảm đau), thuốc chống viêm giảm đau không steroid (Naproxen, Ibuprofen,...);

  • Mang bầu bị đau chấn thủy: do thai nhi phát triển ngày càng lớn trong bụng mẹ sẽ chèn ép vào vùng thượng vị. Ngoài ra nội tiết tố thay đổi trong quá trình mang thai cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Cơn đau chấn thủy trong trường hợp này thường nhẹ, tuy nhiên nếu mẹ bầu bị đau chấn thủy dữ dội thì cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân;

  • Ngộ độc thực phẩm cấp tính: khi bạn ăn pahir thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản, thức ăn kém vệ sinh có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính. Lúc này cơn đau vùng thượng vị sẽ mang tính chất đau quằn quại, khiến bệnh nhân buồn nôn, nôn, đổ nhiều mồ hôi, khô miệng, tiêu chảy,...

Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng thường xuyên gặp phải triệu chứng đau chấn thủy

Phụ nữ mang thai cũng là đối tượng thường xuyên gặp phải triệu chứng đau chấn thủy

Đau chấn thủy có thể tự khỏi hoặc sẽ kéo dài, thậm chí biểu hiện còn nghiêm trọng hơn. Nếu người bệnh có những triệu chứng dưới đây thì hãy đi khám ngay:

  • Đau chấn thủy dữ dội, khó thở;

  • Phân lẫn máu hoặc có màu đen;

  • Tức ngực;

  • Sốt;

  • Cơn đau có thể kèm theo chảy máu âm đạo trong trường hợp người bệnh đang mang thai.

2. Đau chấn thủy có thể được khắc phục bằng cách nào?

Tương tự như những triệu chứng bệnh lý khác, điều trị đau chấn thủy cũng cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nếu cơn đau xuất hiện khi ăn uống thì bạn nên thay đổi thực đơn, chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Còn trong trường hợp đau chấn thủy do tác dụng phụ của thuốc thì bạn hãy thông báo cho bác sĩ để cân nhắc đổi loại thuốc phù hợp hơn hoặc dùng kết hợp với thuốc điều trị triệu chứng này.

Đối với cơn đau chấn thủy là do bệnh lý thì cần tập trung kiểm soát tốt bệnh lý nền với phác đồ điều trị riêng. 

Sau đây là một số phương pháp giúp hạn chế cơn đau chấn thủy cho người bệnh: 

2.1. Chườm giảm đau

Để xoa dịu cơn đau, bệnh nhân có thể thực hiện phương pháp chườm ấm bằng cách đặt túi chườm hoặc chai nước ấm lên vùng thượng vị. Ngoài ra tăm nước ấm cũng có tác dụng làm dịu  bớt cơn đau.

2.2. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh 

Chế độ ăn cũng đóng một vai trò quan trọng đối với những người đang bị đau chấn thủy:

  • Hãy chia ra thành nhiều bữa nhỏ;

  • Ăn thức ăn mềm, dạng lỏng sẽ giúp tiêu hóa dễ dàng hơn;

  • Nếu bị nôn nhiều hãy nhớ bổ sung đủ nước, uống thành từng ngụm nhỏ. Đó có thể là nước lọc hoặc nước khoáng. Không nên uống trà, cà phê, bia rượu hay nước ngọt có gas. Nước hoa quả rất tốt nhưng nếu bạn đang bị đau chấn thủy do bệnh về dạ dày thì không nên uống;

  • Nên kiêng những món cay nóng, thức ăn khó tiêu gây đầy hơi. 

Hãy chia ra thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm bớt triệu chứng đau chấn thủy

Hãy chia ra thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm bớt triệu chứng đau chấn thủy

2.3. Thuốc điều trị đau chấn thủy

Tùy từng trường hợp và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Các thuốc điều trị đau chấn thủy có thể là:

  • Thuốc chống nôn;

  • Thuốc giảm đau;

  • Thuốc giảm tiết axit dạ dày;

  • Thuốc giảm đau thượng vị kèm tiêu chảy.

Có thể nói đau chấn thủy là tình trạng phổ biến nhưng tuyệt đối không nên coi thường, nhất là khi hiện tượng này diễn ra thường xuyên kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác. Vì vậy để biết rõ được nguyên nhân của đau chấn thủy, tốt nhất bạn nên đi khám tại Chuyên khoa Tiêu hóa của các cơ sở y tế hoặc bệnh viện.  

Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên lựa chọn địa chỉ khám nào uy tín, chất lượng, hãy liên hệ đặt lịch khám tại Chuyên khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC ngay hôm nay theo tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.