Tin tức

Đau dây thần kinh vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 04/07/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Đau dây thần kinh vai gáy không phải là tình trạng hiếm gặp và ai cũng có thể mắc phải trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu triệu chứng này diễn ra thường xuyên, kéo dài thì có thể gây teo cơ, rối loạn cảm giác cùng những biến chứng nghiêm trọng khác. Những phân tích dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đau dây thần kinh vai gáy cùng các biện pháp khắc phục hiện tượng này.

1. Những triệu chứng cảnh báo đau dây thần kinh vai gáy

Cơn đau dây thần kinh vai gáy có thể bắt đầu từ vùng cổ, vai gáy lan xuống bả vai, cánh tay cho đến các ngón tay theo dọc đường đi của dây thần kinh. Cơn đau này thường có đặc điểm là âm ỉ, tê bì và nhức mỏi, làm suy giảm khả năng vận động của người bệnh. Sau đây là những dấu hiệu nhận biết tình trạng đau dây thần kinh vai gáy:

  • Cơn đau xuất hiện đột ngột, nhiều nhất là vào buổi sáng khi bệnh nhân mới ngủ dậy;
  • Cơn đau sẽ tăng nặng khi bệnh nhân vận động vùng cổ;
  • Vùng vai có cảm giác bị kim châm do tình trạng chèn ép dây thần kinh gây ra;
  • Tê yếu vùng cánh tay khi cố nâng đỡ đồ vật;
  • Các biểu hiện khác: giảm tuần hoàn máu não gây chóng mặt, hoa mắt, ù tai,...

Cơn đau dây thần kinh vai gáy có thể bắt đầu từ vùng cổ, vai gáy lan xuống bả vai

Cơn đau dây thần kinh vai gáy có thể bắt đầu từ vùng cổ, vai gáy lan xuống bả vai

2. Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau dây thần kinh vai gáy, trong số đó chủ yếu là các tình trạng bệnh lý tại vùng cổ vai gáy hoặc chấn thương ở vị trí này, cụ thể đó là:

  • Thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm cổ: khi tác động một lực mạnh vào đĩa đệm cổ thì bộ phận này sẽ gặp tổn thương làm thoát vị nhân nhầy đĩa đệm ra bên ngoài và chèn vào dây thần kinh bên cạnh. Ngoài ra do quy luật lão hóa của cơ thể, các xương đốt sống cổ sẽ bị bào mòn và suy yếu dần, khi các đốt sống xích lại gần nhau sẽ xảy ra tình trạng cọ xát và tác động đến dây thần kinh vai gáy;
  • Gai xương cổ: các gai xương hình thành trên đốt sống cổ có thể chèn vào dây thần kinh dẫn đến triệu chứng đau nhức;
  • Thoái hóa đốt sống cổ: điều này làm hẹp lỗ liên hợp và hạn chế chức năng vận động của cột sống cổ, gây chèn ép vào dây thần kinh nên dẫn đến các cơn đau dây thần kinh vai gáy, thậm chí lan cả xuống cánh tay và bàn tay;
  • Chấn thương cấp tính: do tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc khi tập luyện thể dục, thể thao gây thoát vị đĩa đệm, gián tiếp hình thành các cơn đau dây thần kinh tại vị trí cổ vai gáy;
  • Các nguyên nhân khác: do tuổi tác, vặn cổ đột ngột, ngồi sai tư thế hoặc ngồi ở một chỗ quá lâu, mang vác vật nặng lâu ngày,...

Dây thần kinh bị chèn ép sẽ hình thành nên cơn đau cổ vai gáy

Dây thần kinh bị chèn ép sẽ hình thành nên cơn đau cổ vai gáy

3. Các biến chứng nguy hiểm của đau dây thần kinh vai gáy

Như vậy nguyên nhân chính gây ra cơn đau nhức ở cổ vai gáy thường là do các bệnh về xương khớp (thoát vị đĩa đệm, thoái hóa hay cong vẹo cột sống cổ,...). Nếu không được điều trị sớm các bệnh lý này có thể gây ra các biến chứng, di chứng nghiêm trọng không thể phục hồi, ví dụ như thoát vị đĩa đệm không điều trị có thể làm xuất hiện các tổn thương dây thần kinh vùng cánh tay, gây tê tay, tê chân, rối loạn cảm giác (không cảm nhận được nóng - lạnh), nặng hơn là tàn phế, bại liệt,...

Do vậy nếu nhận thấy vùng cổ vai gáy xuất hiện bất kỳ vấn đề nào dưới đây thì người bệnh nên đi kiểm tra sớm:

  • Dùng thuốc giảm đau nhưng không đáp ứng;
  • Triệu chứng đau cổ vai gáy kéo dài trên 1 tuần nhưng không thuyên giảm, kèm với đó là biểu hiện sốt, ù tai, hoa mắt, chóng mặt;
  • Cơn đau xảy ra ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi.

4. Một số cách điều trị đau dây thần kinh vai gáy

Để giảm thiểu các triệu chứng của đau dây thần kinh vai gáy, người bệnh có thể cân nhắc các biện pháp như sau:

4.1. Biện pháp không dùng thuốc

  • Dùng gối ngủ được thiết kế đặc biệt dành cho người gặp các vấn đề về xương khớp giúp giảm thiểu áp lực ở vị trí cổ vai gáy;
  • Chườm lạnh ở vùng xương bả vai và vùng cổ ngay từ khi xuất hiện cơn đau, sau đó có thể áp dụng chườm ấm;
  • Vận động kết hợp các bài tập cổ một cách nhẹ nhàng để cải thiện chức năng vận động vùng cổ;
  • Massage giúp giảm căng cơ, tăng lưu thông đến vùng bị viêm và giảm thiểu các cơn đau dây thần kinh vai gáy;
  • Không ngồi một chỗ quá lâu, điều chỉnh tư thế cơ thể khi ngồi, nằm và đi đứng.

Vận động kết hợp các bài tập cổ nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện chức năng vận động vùng cổ

Vận động kết hợp các bài tập cổ nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện chức năng vận động vùng cổ

4.2. Dùng thuốc điều trị

Để giảm triệu chứng đau, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm như corticosteroid, naproxen hay ibuprofen vùng các thuốc giãn cơ. Việc dùng thuốc chỉ có tác dụng tạm thời và có thể tái phát cơn đau. Ngoài ra bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc mà nên tham khảo tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để tránh gặp phải các tác dụng không mong muốn.

4.3. Các phương pháp khác

  • Vật lý trị liệu: bao gồm siêu âm trị liệu, nhiệt trị liệu, hỗ trợ tập vận động giúp giảm đau và cải thiện vận động cổ vai gáy;
  • Xoa bóp bấm huyệt: bệnh nhân nên lựa chọn địa chỉ xoa bóp bấm huyệt được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn, kỹ thuật bài bản để không làm ảnh hưởng tới chức năng và cấu trúc xương;
  • Phẫu thuật: nếu bệnh nhân không đáp ứng các biện pháp nêu trên thì có thể áp dụng các phương pháp phẫu thuật để giải phóng dây thần kinh bị chèn ép. Tuy nhiên phẫu thuật cũng tiềm ẩn một số nguy cơ và rủi ro, có thể để lại di chứng, thời gian phục hồi lâu nên cần có sự tham vấn kỹ lưỡng từ bác sĩ;
  • Trị liệu thần kinh cột sống: đây là phương pháp nắn chỉnh lại cấu trúc cột sống để giúp những vị trí bị sai lệch sẽ trở lại bình thường. Cơn đau sẽ được cải thiện và loại bỏ dứt điểm. Phương pháp này còn có tên gọi là Chiropractic với tỷ lệ thành công cao, ít di chứng, an toàn và không cần điều trị bằng thuốc.

Tình trạng đau dây thần kinh vai gáy gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và đau đớn cho bệnh nhân. Nếu không điều trị có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới khả năng vận động của cơ thể. Do đó khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ đau dây thần kinh vai gáy thì người bệnh nên đi khám và trị liệu từ sớm để không gặp phải các biến chứng của tình trạng này. Nếu bạn có nhu cầu thăm khám và đặt lịch tư vấn, hãy liên hệ ngay qua hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, tổng đài viên sẽ hỗ trợ bạn 24/7.

Từ khoá: đau dây thần kinh

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.