Tin tức
Dày thành túi mật là do đâu? Triệu chứng bệnh ra sao?
- 01/09/2023 | Sỏi bùn túi mật có chữa được không? Có nguy hiểm không?
- 19/02/2025 | Những cách trị sỏi túi mật tại nhà có hiệu quả và đảm bảo an toàn hay không?
- 20/02/2025 | Tuổi thọ của người cắt túi mật và lời khuyên từ bác sĩ điều trị
- 03/03/2025 | Thực đơn hàng ngày cho người cắt túi mật cần những gì để bệnh nhân nhanh hồi phục?
- 17/03/2025 | Sỏi túi mật có tự hết không? Làm sao để kiểm soát bệnh?
1. Nguyên nhân gây dày thành túi mật
Dày thành túi mật là tình trạng thành túi mật dày hơn 3mm, thường được nhận biết qua kết quả chẩn đoán hình ảnh. Tình trạng thành túi mật tăng kích thước thường là do một số nguyên nhân sau:
- Viêm túi mật cấp: Người bệnh mắc viêm túi mật cấp thường có biểu hiện dày thành túi mật trên kết quả chẩn đoán hình ảnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng kèm theo như túi mật căng, ứ dịch, sỏi mật, đau tại vị trí túi mật, quanh túi mật có hiện tượng nhiễm mỡ hay tích tụ dịch,...
Hiện tượng thành túi mật dày lên có thể do nhiều nguyên nhân gây ra.
- Viêm túi mật không do sỏi: Tình trạng này thường xảy ra ở những người thường xuyên nhịn ăn, uống thuốc sai cách gây ứ mật. Kết quả chẩn đoán cho thấy kích thước thành túi mật tăng lên nhưng không có sỏi, có thể có hoặc không có bùn túi mật. Viêm túi mật không do sỏi cũng thường gặp ở một số trường hợp bệnh nhân phải điều trị tích cực tại phòng cấp cứu ICU, người bị đa chấn thương, bị bỏng nặng hay nhiễm trùng huyết,...
- Viêm túi mật mạn tính: Những trường hợp viêm bán cấp hay viêm cấp tính tái diễn nhiều lần có thể dẫn đến viêm túi mật mạn tính. Người mắc phải bệnh này thường có triệu chứng dày thành túi mật.
- Viêm túi mật u hạt vàng: Ngoài biểu hiện dày thành túi mật, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng kèm theo khác như dấu hiệu của áp xe hoặc điểm viêm u hạt vàng. Đây là thể viêm mạn tính nặng, có thể nhầm lẫn với bệnh ung thư trên kết quả chẩn đoán hình ảnh.
- Ung thư biểu mô túi mật: Kết quả chẩn đoán hình ảnh của người bệnh cho thấy rất nhiều bất thường, chẳng hạn như những khối polyp trong lòng túi mật, dày thành túi mật,...
- U cơ tuyến: Biểu hiện bệnh thường gặp nhất là tình phì đại lớp cơ trong thành túi mật. Những bệnh nhân có u cơ tuyến túi mật kèm theo sỏi hoặc polyp cần được điều trị và theo dõi sức khỏe định kỳ.
- Một số bệnh lý ngoài túi mật: Dày thành túi mật không chỉ cảnh báo bệnh lý túi mật mà nó có thể xuất phát từ những nguyên nhân ngoài túi mật như xơ gan, viêm gan, viêm tụy, suy tim phải xung huyết, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, AIDS,...
2. Dấu hiệu thành túi mật dày
Thành túi mật dày thường được phát hiện qua những phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể được cảnh báo qua một số triệu chứng bất thường. Dưới đây là một số triệu chứng mà người bị tăng kích thước thành túi mật cũng có thể gặp phải:
- Đau bụng trên phía bên phải.
Người bệnh nên cảnh giác với những cơn đau bụng phía trên bên phải.
- Sốt.
- Vàng da, vàng mắt.
- Thường xuyên buồn nôn.
Bạn không nên chủ quan với tình trạng tăng kích thước thành túi mật vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rất nhiều loại bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như viêm túi mật cấp, xơ gan, ung thư túi mật,... Khi phát hiện bệnh, bạn cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị và phòng ngừa biến chứng bệnh.
3. Chẩn đoán và điều trị bệnh
Ngoài thăm khám triệu chứng, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số phương pháp chẩn đoán bệnh như sau:
- Siêu âm: Bệnh nhân nằm ngửa hoặc nghiêng bên trái. Sau đó, bác sĩ dùng đầu dò siêu âm đường cong và phương pháp quét dưới sườn. Đây là phương pháp đo trên mặt cắt trục dài của túi mật. Do có những quai ruột lân cận, sỏi mật hay sỏi mật nhiều lớp nên việc đo thành túi mật sau thường ít chính xác hơn. Chính vì thế, bác sĩ thường đo thành trước túi mật để có thể nhận được kết quả đo chính xác nhất.
- Chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang: Đây cũng là phương pháp khá phổ biến trong chẩn đoán bệnh dày thành túi mật. Trước khi thực hiện siêu âm, bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào đường tĩnh mạch nhằm mục đích tăng độ tương phản giữa thành túi mật mỏng với viền dày thêm và các mô lân cận. Người bệnh cần lưu ý thực hiện theo đúng hướng dẫn của kỹ thuật viên để có thể đạt được kết quả chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
- Chụp MRI: Chỉ định trong trường hợp nghi ngờ ung thư hoặc cần phân biệt với tổn thương ác tính, hoặc kết quả chụp CT, siêu âm không rõ.
Sau khi đã chẩn đoán được tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp tùy thuộc vào nguyên nhân. Trong đó, các phương pháp điều trị bệnh phổ biến có thể kể đến như sau:
- Phẫu thuật.
- Dùng thuốc kháng sinh, các loại thuốc làm tan sỏi mật, các loại thuốc giảm đau, nếu người bệnh bị viêm túi mật cần phẫu thuật để cắt bỏ túi mật.
4. Làm sao để phòng ngừa tình trạng dày thành túi mật?
Tình trạng dày thành túi mật là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để phòng tránh tăng kích thước thành túi mật, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Điều chỉnh chế độ ăn: Đây là nguyên tắc quan trọng giúp bạn bảo vệ sức khỏe, phòng tránh nhiều bệnh lý nguy hiểm. Cụ thể:
+ Bạn nên ăn nhiều trái cây, ăn các loại rau quả tươi, thịt nạc, thịt gia cầm, các loại ngũ cốc nguyên hạt,...
+ Không nên ăn những thực phẩm có chứa chất béo bão hòa hay các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế.
+ Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Thường xuyên tập thể dục: Đây là thói quen tốt, giúp bạn bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ hoạt động cho hệ tiêu hóa.
Tập luyện thể dục cũng là một cách cải thiện vấn đề về đường tiêu hóa rất hiệu quả
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nếu thừa cân, bạn cần giảm cân khoa học, không nên giảm cân cấp tốc để tránh gây ra những hậu quả khó lường, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra tình trạng dày thành túi mật và những dấu hiệu giúp nhận biết bệnh sớm. Nếu cần giải đáp thêm những thắc mắc liên quan đến căn bệnh này hoặc có nhu cầu đặt lịch khám sớm tại Chuyên khoa Tiêu hóa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
