Tin tức
Giải đáp thắc mắc: Bệnh viêm gân nguy hiểm như thế nào?
- 18/06/2022 | Thận trọng với những dấu hiệu cảnh báo viêm khớp nhiễm khuẩn cấp tính
- 16/04/2022 | "Tất tần tật" về tình trạng viêm khớp gối tràn dịch
- 09/06/2022 | Viêm khớp thái dương hàm nguy hiểm như thế nào?
- 14/04/2022 | Nhận biết triệu chứng của bệnh viêm khớp cùng chậu
1. Nguyên nhân và triệu chứng viêm gân thường gặp
1.1. Bệnh viêm gân là gì?
- Gân được hình thành bởi các sợi collagen. Chức năng của gân là kết nối cơ và xương khiến cho khớp hoạt động một cách dễ dàng hơn. Tình trạng gân bị viêm hoặc bị tổn thương được gọi là viêm gân. Các vị trí dễ xảy ra viêm gân là những vùng thường xuyên vận động và dễ bị kích ứng, chẳng hạn như vai, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối và gót chân...
Viêm gân do chấn thương khi chơi thể thao
- Bệnh được chia thành 2 dạng là cấp tính và mạn tính:
+ Trường hợp bệnh cấp tính: Xảy ra do những chấn thương bất ngờ, đột ngột, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ được điều trị hiệu quả và nhanh chóng.
+ Trường hợp bệnh mạn tính: Thường xảy ra do quá trình vận động hàng ngày, do chơi thể thao hoặc do tuổi tác. Những bệnh nhân bị viêm gân mạn tính cần điều trị lâu hơn, có thể trong vòng 4 đến 6 tháng.
- Viêm gân không đe dọa đến tính mạng người bệnh và có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan. Nhiều trường hợp do không điều trị dứt điểm và kịp thời có thể dẫn tới đứt gân và giảm khả năng vận động, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh.
1.2. Nguyên nhân gây viêm gân
- Nguyên nhân gây viêm gân cũng rất đa dạng. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
+ Do vận động quá mức dẫn tới chấn thương: Thường gặp ở các vận động viên hoặc những người thường xuyên lao động nặng, có cường độ vận động cao.
+ Thiếu máu nuôi gân do cơ địa hoặc tuổi tác: Thường gặp ở người cao tuổi.
+ Khi cơ thể bị thiếu nước, thiếu chất điện giải cũng có thể khiến cho gân yếu hơn và dễ bị rách/đứt.
+ Khớp bị vẹo do chấn thương hoặc do bẩm sinh khiến cho vị trí gân bị lệch cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới viêm gân.
1.3. Triệu chứng của viêm gân
Dưới đây là một số triệu chứng giúp bạn nhận biết sớm tình trạng viêm gân:
- Đau tại vị trí viêm gân: Cơn đau sẽ xảy ra liên tục khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi vận động. Hơn nữa, những cơn đau này chỉ xảy ra ở một vị trí nhất định, rất ít khi lan xa.
Bệnh nhân bị đau tại vị trí viêm gân
- Mô mềm xung quanh vùng gân bị viêm có hiện tượng sưng đỏ và tụ dịch. Khi bệnh nhân hoạt động thì những cơn đau sẽ càng tăng lên.
- Trong các trường hợp viêm gân do vi khuẩn lậu, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng sốt, phát ban ngoài da hoặc tăng tiết dịch âm đạo hay dương vật.
- Nếu là viêm bao gân vùng mỏm châm quay: Bệnh nhân sẽ bị đau nhức khi cử động hay co duỗi ngón tay
- Với những trường hợp mắc hội chứng đường hầm cổ tay: Các triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải là tình trạng tê bì bàn tay, ngón tay, sưng đỏ và thường xuyên đau buốt ở cổ tay. Chính vì thế, bệnh nhân rất khó khăn khi cử động.
Tuy nhiên, để chẩn đoán bệnh, bác sĩ không chỉ dựa vào những triệu chứng lâm sàng nêu trên mà cần dựa vào kết quả của một số phương pháp siêu âm, chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI.
2. Các phương pháp điều trị viêm gân
Bệnh viêm gân gây đau nhức làm giảm khả năng vận động và chất lượng sống của người bệnh nhưng hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu bệnh nhân được phát hiện và chữa bệnh kịp thời. Ngược lại, nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị, người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng đứt gân.
Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ quyết định điều trị bảo tồn hay điều trị phẫu thuật. Cần kết hợp các phương pháp điều trị mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh:
Giảm đau bằng cách dùng túi chườm
- Trước hết, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi để thư giãn các khớp.
- Với những trường hợp thiếu máu nuôi dẫn đến viêm gân có thể áp dụng một số phương pháp như dùng laser, sóng xung kích tác động vào gân để kích thích mạch máu, từ đó khắc phục được các vấn đề ở điểm bám gân và gân có thể tự sửa chữa tổn thương.
- Với những trường hợp viêm gân do thoái hóa khớp, bệnh nhân cần thực hiện các bài tập phục hồi chức năng.
Khi bị viêm gân, một loại men có thể xuất hiện và gây phá hủy thành phần cấu tạo nên gân chính là collagen. Do đó, những bài tập kéo căng gân sẽ rất hiệu quả trong việc giảm viêm và ngăn ngừa tình trạng phá hủy collagen. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể dùng túi chườm, điện di tại chỗ,… Đây là những phương pháp có thể mang đến hiệu quả nhanh chóng.
- Trong trường hợp, các bài tập vật lý trị liệu không mang lại kết quả khả quan, triệu chứng của bệnh nhân vẫn chưa được cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc điều trị bằng đường uống, tiêm hay bôi ngoài da. Những loại thuốc thường được chỉ định là thuốc giảm đau, chống viêm, giảm sưng.
Nên đi khám sớm nếu có triệu chứng viêm gân
- Nếu viêm gân đã dẫn tới biến chứng đứt gân và những phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả, người bệnh cần được phẫu thuật để khắc phục tổn thương gân.
Để phòng ngừa tình trạng viêm gân nên lưu ý khởi động kỹ trước khi tập luyện hay chơi thể thao. Nếu mắc các bệnh về xương khớp, cần điều trị sớm. Người cao tuổi nên kiểm tra xương khớp định kỳ để phát hiện sớm những vấn đề bất thường và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, nên bổ sung canxi trong chế độ ăn hàng ngày để tăng cường sức khỏe xương khớp.
Để tìm hiểu thêm về bệnh viêm gân hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe xương khớp với chuyên gia Cơ Xương khớp đầu ngành của MEDLATEC như: PGS.TS Nguyễn Mai Hồng, nguyên Trưởng khoa Cơ Xương khớp bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia Cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, cùng nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú của chuyên khoa, quý khách có thể liên hệ đến đường dây nóng 1900 56 56 56, các tổng đài viên sẽ tư vấn trực tiếp cho bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!