Tin tức

Giải phẫu cột sống và những điều cần lưu ý

Ngày 10/04/2023
Cột sống là một trong những bộ phận quan trọng và có cấu tạo phức tạp. Giải phẫu cột sống là cách để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cấu tạo cột sống và một số bệnh lý liên quan đến bộ phận này. Từ đó, chủ động phòng ngừa hoặc phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng. 

1. Giải phẫu cột sống

1.1. Cột sống là gì? Có vai trò như thế nào?

Cột sống chính là bộ phận kết nối giữa các phần khác nhau trong hệ thống xương. Nhờ có cột sống mà chúng ta có thể thực hiện mọi tư thế dễ dàng, chẳng hạn như tư thế đứng thẳng, tư thế vặn mình, uốn cong,… từ đó vận động cơ thể linh hoạt. 

giải phẫu cột sống

Cột sống có cấu tạo phức tạp

Bên cạnh đó, cột sống còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tủy sống, giúp kiểm soát mọi chuyển động của cơ thể. Nếu tủy sống tổn thương thì nhiều hoạt động trong cơ thể sẽ bị dừng lại. 

Do đó, bảo vệ cột sống là vấn đề cần thiết và vô cùng quan trọng giúp chúng ta có cuộc sống khỏe mạnh, vận động linh hoạt. Những chấn thương liên quan đến lưng là nguyên nhân chủ yếu gây ảnh hưởng lớn đến cấu trúc cột sống. 

Bình thường, cột sống của chúng ta có đường cong như hình chữ “s”. Nhờ đó, cơ thể sẽ phân bổ trọng lượng một cách đồng đều và phù hợp nhất, giúp chúng ta duy trì sự khỏe mạnh và chống lại sự căng thẳng. 

1.2. Giải phẫu cột sống

Giải phẫu cột sống sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cấu tạo của cơ quan này. Cụ thể như sau:

- Đốt sống: Là những xương riêng lẻ và xếp chồng lên nhau. Từ đó, tạo thành một đường ống. Trong đường ống này sẽ có chứa các dây thần kinh và tủy sống. Có 33 đốt sống, trong đó đốt sống thấp nhất là xương cùng và xương cụt. Các đốt sống còn lại sẽ có khả năng di chuyển để cơ thể thực hiện mọi chuyển động một cách dễ dàng. 

- Khớp cột sống: Đây là một dạng mô liên kết giúp các đốt sống di chuyển trượt vào nhau, từ đó giúp cho con người có thể dễ dàng vặn, xoay cơ thể một cách linh hoạt. Tuy nhiên, khi những khớp cột sống này bị thoái hóa, bị viêm,… người bệnh sẽ bị đau lưng, đau cổ.

- Đĩa đệm: Là các đệm phẳng và hình tròn. Vị trí của đĩa đệm là nằm giữa các đốt sống cổ. Cấu tạo của đĩa đệm là một nhân nhầy và vòng sợi bao quanh. Hoạt động của đĩa đệm giống như bộ giảm chấn động cột sống. Điều này nghĩa là đĩa đệm phải chịu rất nhiều áp lực. Đó cũng chính là lý do khiến đĩa đệm có nguy cơ thoát vị, mất nước và khiến bệnh nhân gặp phải những cơn đau nghiêm trọng. 

- Tủy sống và dây thần kinh: Có nhiệm vụ truyền tín hiệu từ cơ bắp đến não và ngược lại. Tủy sống chính là một cột dây thần kinh kéo dài từ hộp sọ đến phần lưng dưới. Trong đó, có 31 cặp dây và được phân nhánh qua các lỗ đốt sống. 

- Mô mềm: Bao gồm dây chằng, cơ bắp, gân. Đây cũng là những thành phần quan trọng giúp chúng ta có thể chuyển động linh hoạt và dễ dàng. 

1.3. Cột sống có bao nhiêu đốt?

Cột sống được chia làm 5 đoạn và có 33 đốt sống. Cụ thể như sau:

- Cột sống cổ: Chính là 7 đốt sống đầu tiên trong cột sống. Từ dưới hộp sọ đến trên cột sống ngực. Những đốt sống này thường phải di động nhiều hơn và dễ bị chấn thương, nhất là khi cử động đột ngột với lực mạnh. Ở khu vực này, tình trạng thoái hóa đốt sống cổ C5-C6 là rất phổ biến. 

Hình ảnh 7 đốt sống cổ

Hình ảnh 7 đốt sống cổ

- Cột sống ngực: Chính là 12 đốt sống giữa. Những đốt sống này thường hạn chế chuyển động hơn so với những đốt sống khác vì có những đĩa đệm mỏng và hẹp. Tình trạng thoái hóa đốt sống ngực rất hiếm gặp nhưng là bệnh vô cùng nguy hiểm. 

- Cột sống thắt lưng: Gồm có 5 hoặc 6 đốt sống và chính là những đốt sống thấp nhất. Kích thước của những đốt sống này thường lớn nhất và dây thần kinh tại đây cũng có không gian di chuyển rộng hơn. Những đốt sống này kết nối với xương chậu và phải chịu những áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể, các hoạt động nặng như nâng đỡ đồ vật, xoay người,…. Chấn thương tại đây cũng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến cột sống và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của người bệnh. 

- Xương cùng: Có hình tam giác và vị trí của xương cùng là ở dưới đốt thắt lưng cuối cùng, giữa xương hông và là mặt sau của xương chậu.

- Xương cụt: Nằm ngay dưới xương cùng và còn có thể gọi là đốt sống cụt. Kích thước của xương cụt rất nhỏ nhưng đây là bộ phận có thể hỗ trợ cơ thể rất nhiều ở tư thế ngồi. 

2. Phải làm sao để cột sống luôn khỏe mạnh?

Ngoài vấn đề giải phẫu cột sống, chúng ta cũng cần chủ động tìm hiểu và thực hiện những biện pháp để giúp cho cột sống luôn khỏe mạnh và hạn chế nguy cơ mắc phải các bệnh lý về cột sống gây đau nhức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Làm việc đúng tư thể để tránh đau lưng

Làm việc đúng tư thể để tránh đau lưng

Dưới đây là một số biện pháp bảo vệ cột sống mà bạn có thể áp dụng: 

- Nếu phải làm việc nặng, vận động mạnh, cần phải đeo dây an toàn để bảo vệ cột sống, hạn chế chấn thương cột sống.

- Đảm bảo một không gian sống an toàn bằng cách thường xuyên dọn sạch sẽ hành lang, tránh để đồ vật gây cản trở việc đi lại của mọi thành viên trong gia đình, có thể sử dụng thảm chống trượt, đảm bảo không gian sống luôn có ánh sáng đầy đủ. 

- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá. 

- Để hạn chế áp lực cho cột sống, nên duy trì cân nặng hợp lý. 

- Không nên uống quá nhiều bia rượu. 

- Vận động và làm việc đúng tư thế. 

- Không đứng hoặc ngồi quá lâu. Sau mỗi giờ làm việc, nên thay đổi tư thế, đi lại xung quanh,… để giảm áp lực cho cột sống. 

Tập thể dục để bảo vệ sức khỏe cột sống

Tập thể dục để bảo vệ sức khỏe cột sống

- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D và canxi,…

- Thường xuyên tập thể dục, lựa chọn những bài tập phù hợp với thể trạng sức khỏe. 

- Thăm khám kiểm tra xương thường xuyên để đánh giá nguy cơ loãng xương của cơ thể và từ đó có những biện pháp điều trị kịp thời. 

Để được tìm hiểu thêm về cấu tạo cột sống hoặc có nhu cầu thăm khám, kiểm tra sức khỏe cột sống, mời quý khách hàng liên hệ đến Chuyên khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ