Tin tức
Giang mai thần kinh: Mức độ nguy hiểm, phương pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả
- 01/09/2023 | Các phương pháp điều trị giang mai và địa chỉ chữa bệnh hiệu quả
- 21/08/2024 | Xét nghiệm giang mai gồm những loại nào?
- 23/11/2024 | Thông tin từ A đến Z về dịch vụ xét nghiệm giang mai miền Tây
1. Như thế nào là giang mai thần kinh?
Giang mai thần kinh là bệnh lý gặp phải khi mắc bệnh giang mai không được điều trị và xảy ra biến chứng. Trong bệnh lý này, vi khuẩn Treponema pallidum xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và gây nên nhiều triệu chứng nguy hiểm. Bệnh gồm các thể sau:
Xoắn khuẩn Treponema pallidum tấn công hệ thần kinh gây nên giang mai thần kinh
1.1. Giang mai thần kinh giai đoạn đầu
1.1.1. Giang mai thần kinh không triệu chứng
Khi bị giang mai thần kinh thể này, người bệnh không xuất hiện triệu chứng nào, xảy ra sau khi bị giang mai từ vài tuần cho đến vài năm sau, cần phân tích dịch não tủy để chẩn đoán.
1.1.2. Giang mai thần kinh màng não
Bệnh xảy ra khi vi khuẩn giang mai gây viêm màng não, khiến người bệnh bị buồn nôn, nôn, đau đầu. Khoảng vài tháng đến vài năm sau khi bị giang mai, người bệnh có thể gặp phải biến chứng này.
1.1.3. Giang mai thần kinh mạch máu não
Đây là tình trạng khuẩn giang mai tấn công động mạch màng não gây viêm, hình thành cục máu đông. Chính cục máu đông này là nguyên nhân gây tắc tĩnh mạch, động mạch, máu không lưu thông được đến mô não, tăng nguy cơ đột quỵ cho người bệnh.
1.2. Giang mai thần kinh giai đoạn sau
1.2.1. Giang mai thần kinh liệt tổng quát
Biến chứng này gặp phải khi viêm màng não mạn tính làm mô não bị phá hủy. Người bị giang mai thần kinh thể liệt tổng quát sẽ có sự thay đổi bất thường về tâm lý và tính cách.
1.2.2. Thể tabes tủy sống
Có thể xếp thể này vào dạng nguy hiểm nhất của giang mai thần kinh bởi người bệnh bị ảnh hưởng về vận động, rối loạn chức năng bàng quang, đau dây thần kinh kéo dài, liệt mắt, rối loạn xúc giác, mất khả năng phối hợp và phản xạ,...
2. Mức độ nguy hiểm của giang mai thần kinh và phương pháp điều trị
2.1. Tính chất nguy hiểm của giang mai thần kinh
Giang mai thần kinh có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh:
- Rối loạn tâm thần và mất trí nhớ
Người bị giang mai thần kinh rất dễ bị suy giảm trí tuệ và khả năng tập trung, mất trí nhớ,... Điều này khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc nhớ lại thông tin hoặc thực hiện các công việc hàng ngày.
- Liệt
Vi khuẩn Treponema pallidum tấn công hệ thần kinh, gây liệt khiến người bệnh không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, cuộc sống bị giảm sút nghiêm trọng.
- Gặp vấn đề về thính giác và thị giác
Giang mai thần kinh có thể làm tổn thương dây thần kinh ở mắt và tai, khiến người bệnh bị mù lòa hoặc mất thính lực.
- Suy giảm chức năng tâm lý
Ngoài những vấn đề thể chất, giang mai thần kinh còn có thể gây ra các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần. Đây chính là gánh nặng tinh thần cho người thân của bệnh nhân.
Bệnh giang mai thần kinh gây giảm khả năng tập trung và sa sút trí nhớ
2.2. Phương pháp điều trị giang mai thần kinh
Giang mai thần kinh cần được điều trị tích cực với các phương pháp sau để giảm thiểu tối đa biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân:
- Dùng thuốc kháng sinh
Penicillin là kháng sinh chính được dùng để điều trị giang mai thần kinh. Thời gian sử dụng thuốc tương đối dài để đảm bảo hiệu quả tiêu diệt hoàn toàn xoắn khuẩn gây bệnh. Việc dùng thuốc kháng sinh điều trị giang mai thần kinh chỉ có tác dụng ngăn ngừa tiến triển biến chứng, không có khả năng khôi phục tổn thương thần kinh đã bị trước đó.
- Điều trị triệu chứng
Bệnh nhân giang mai thần kinh cũng cần được điều trị kiểm soát triệu chứng đau đầu, rối loạn tâm lý, vấn đề về vận động,... Người bệnh có thể sẽ cần tới thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm,...
- Điều trị phục hồi chức năng
Trường hợp giang mai thần kinh gây giảm chức năng vận động, liệt, người bệnh cần được điều trị phục hồi. Bằng việc thực hiện bài tập vật lý trị liệu, liệu pháp ngôn ngữ,... người bệnh sẽ cải thiện dần khả năng giao tiếp và vận động.
3. Phương pháp phòng ngừa tái phát giang mai thần kinh
Sau khi hoàn tất điều trị giang mai thần kinh, người bệnh vẫn cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh và phát hiện sớm nguy cơ xảy ra biến chứng. Nếu không tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ hoặc quan hệ tình dục không an toàn, giang mai thần kinh có thể tái phát.
Để tránh tái phát giang mai thần kinh, sau điều trị, người bệnh cần:
- Thực hiện biện pháp bảo vệ trong quan hệ tình dục.
- Không tiếp xúc với đồ dùng cá nhân hay dịch tiết của bệnh nhân giang mai.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm để tầm soát nguy cơ mắc bệnh, điều trị ngay khi được chẩn đoán để ngăn chặn biến chứng và không lây bệnh cho người khác.
- Nếu nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân giang mai cần đến cơ sở y tế làm xét nghiệm chẩn đoán ngay.
Quan hệ tình dục an toàn giúp tránh nguy cơ tái nhiễm giang mai
Giang mai thần kinh khiến hệ thần kinh của người bệnh phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Để tránh gặp phải biến chứng này, ngay từ giai đoạn mắc bệnh giang mai, người bệnh cần điều trị tích cực theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.
Trường hợp có dấu hiệu của bệnh giang mai, quý khách hàng có thể liên hệ Hotline của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được tư vấn xét nghiệm, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!