Tin tức

Góc tư vấn: Trào ngược dạ dày nên ăn gì để mau khỏi bệnh?

Ngày 06/05/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Số lượng người bị trào ngược dạ dày ngày càng tăng. Tuy không nghiêm trọng như những bệnh nan y nhưng nếu các biểu hiện của trào ngược dạ dày bị bỏ qua thì rất nguy hiểm. Một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chứng trào ngược dạ dày đó là chế độ ăn uống và nghỉ ngơi. Vậy bị trào ngược dạ dày nên ăn gì? Quý bạn đọc hãy tham khảo qua bài viết dưới đây nhé!

1. Khái niệm và biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản

1.1. Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng dịch vị dạ dày hoặc thức ăn từ dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Nguyên nhân có thể là do rối loạn chức năng cơ vòng thực quản (bộ phận chịu trách nhiệm đóng lại khi thức ăn đi xuống dạ dày, ngăn không cho chúng bị trào ngược lên trên); do bệnh lý khác gây nên; hoặc do thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh,…

1.2. Các triệu chứng thường gặp của bệnh

  •  Biểu hiện rõ nhất đó là các cơn ợ: ợ nóng, ợ chua, ợ hơi: các dấu hiệu này thường xảy ra khi bệnh nhân ăn no, khi đầy bụng, khó tiêu, uống nước hoặc thậm chí khi nằm ngủ vào ban đêm;

  • Bệnh nhân cảm giác buồn nôn: kèm theo chứng ợ xuất hiện thường xuyên, người bệnh có thể hay có cảm giác buồn nôn, dễ bị nôn, khi ăn có thể bị nghẹn;

Buồn nôn do trào ngược dạ dày khiến người bệnh vô cùng khó chịu và gặp không ít phiền toái

Buồn nôn do trào ngược dạ dày khiến người bệnh vô cùng khó chịu và gặp không ít phiền toái

  • Ho, khàn giọng: nguyên nhân là do axit dạ dày khi bị trào ngược tiếp xúc với dây thanh quản, khiến dây này bị sưng, lâu ngày người bệnh sẽ bị ho;

  • Bị khó nuốt: do lượng axit dịch vị thường xuyên trào ngược lên trên, tiếp xúc với thực quản khiến cho niêm mạc của bộ phận này bị sưng tấy, khiến cho bệnh nhân dễ bị khó nuốt, nghẹn và có cảm giác vướng ở cổ;

  • Ngoài ra, người bệnh có thể cảm giác mất ngon miệng, chán ăn, đắng miệng. Nguyên đắng miệng có thể là vì thần kinh dạ dày bị rối loạn, van môn vị mở quá mức khiến dịch mật bị trào ra.

2. Trào ngược dạ dày thực quản có thể là biểu hiện của những bệnh gì? 

Trào ngược dạ dày cũng là một trong số những triệu chứng của các bệnh phải kể đến như sau:

  • Tiền ung thư thực quản và Ung thư thực quản: Ở giai đoạn tiền ung thư thực quản (hay còn gọi là Barrett thực quản) xuất hiện tình trạng biến đổi màu sắc của các tế bào lót tại vùng thấp thực quản do tiếp xúc quá nhiều lần với axit trong dịch vị dạ dày. Tiếp theo, đến giai đoạn nặng hơn là giai đoạn ung thư thực quản. Khi đó bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng như trớ, khi nuốt bị nghẹn, đau tức ngực, đau dai dẳng, ho khạc nhiều, khả năng nhiễm trùng cao. Sau thời gian dài người bệnh có dấu hiệu gầy yếu, sụt cân nhanh, suy dinh dưỡng, da khô sạm, nhiều nếp nhăn.

  • Hẹp thực quản: viêm lâu ngày sẽ làm thực quản bị xơ hoá, dẫn đến co rút, làm hẹp thực quản.

Nguyên nhân khiến người bệnh bị hẹp thực quản có thể là do bị trào ngược dạ dày lâu ngày

Nguyên nhân khiến người bệnh bị hẹp thực quản có thể là do bị trào ngược dạ dày lâu ngày

  • Viêm loét thực quản: niêm mạc thực quản bị tổn thương do axit trong dịch vị dạ dày trào lên thực quản thường xuyên, dẫn đến viêm loét khu vực này. Viêm, loét thực quản sẽ khiến cho người bệnh gặp các vấn đề như đau ngực, khó nuốt, nuốt đau, mất cảm giác thèm ăn, nôn mửa,…

  • Khi bị trào ngược dạ dày, dịch axit cũng rất có thể trào lên đường hô hấp gây nên các hiện tượng như viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản. Người bệnh bị ho, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Một số trường hợp bị dày dây thanh quản trong cổ họng dẫn tới bị khàn tiếng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp các trường hợp như bị viêm tai, mòn răng, viêm tuyến giáp.

3. Phương pháp cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản

Khi đi khám, người bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn cụ thể việc áp dụng những phương pháp nhằm kiểm soát được các triệu chứng của trào ngược dạ dày. Ví dụ như:

  • Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm gây kích thích tăng axit trong dạ dày: nước có ga, những loại hoa quả chứa hàm lượng axit cao (cam, dứa, bưởi, chanh,…), sôcôla, đồ ăn nhiều ớt, cay, nóng,…

  • Thay vào đó, bệnh nhân nên ăn những thực phẩm lành tính, có khả năng trung hoà axit: bánh mì, bột yến mạch,… những thực phẩm này có tác dụng thấm hút dịch axit, hạn chế các cơn co thắt thực quản nếu dịch axit trào ngược lên;

  • Không nên uống nhiều rượu bia, chất có cồn, chất kích thích, cà phê, thuốc lá;

  • Không nên để bụng quá đói hoặc ăn quá no đều không tốt cho dạ dày. Ngoài ra người bệnh cũng cần chú ý đến thói quen sinh hoạt hàng ngày như: không nên cúi gập người trong thời gian quá lâu; ăn uống đúng giờ, không nên ăn tối quá muộn; không nằm ngay sau khi ăn và trong lúc ăn không nên uống quá nhiều nước.

4. Bị trào ngược dạ dày nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm được khuyến khích sử dụng cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì, đó là:

  • Nghệ, mật ong: đây không chỉ là những gia vị nấu ăn mà còn rất tốt cho dạ dày khi sử dụng hỗn hợp này hàng ngày với nước ấm;

  •  Đậu, đỗ: Các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu Hà Lan có hàm lượng amino acid và chất xơ cao rất tốt cho những người bị trào ngược dạ dày thực quản;

  • Bột yến mạch, bánh mì; như đã đề cập ở trên, loại thực phẩm tinh bột này giúp làm giảm lượng axit có trong dạ dày, người bệnh có thể sử dụng để hạn chế các tổn thương cho thực quản khi bị trào ngược dạ dày;

  • Sữa chua: loại đồ ăn này rất phổ biến, rất dễ ăn và giúp thức ăn được tiêu hoá nhanh hơn, có lợi cho hệ tiêu hoá. Tuy nhiên người bệnh không nên ăn sữa chua khi bụng đang đói; 

  •  Các loại đạm dễ tiêu hóa: thịt ngan, thịt thăn, lưỡi heo.

Trào ngược dạ dày nên ăn gì bánh mì

Bánh mì được cho là thức ăn tốt cho người thường xuyên bị trào ngược dạ dày

Đối với những trường hợp bị trào ngược dạ dày thực quản nhẹ thì việc điều chỉnh chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt khoa học có thể giúp bệnh được cải thiện. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngay cả khi đã tích cực điều chỉnh chế  độ ăn nhưng không khỏi bệnh, lúc này cần có sự can thiệp của thuốc hoặc phẫu thuật. Tốt nhất người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn phương án điều trị phù hợp và hiệu quả. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh lý khác, bạn có thể liên hệ qua tổng đài 1900565656 của BVĐK MEDLATEC để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa ngay hôm nay!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.