Tin tức
Hóa trị và những ưu - nhược điểm khi ứng dụng điều trị ung thư
- 23/02/2022 | Chuyên gia giải đáp: Thời điểm tốt nhất để bắt đầu hóa trị là khi nào?
- 27/02/2022 | Tác dụng phụ của việc hóa trị là gì? Cách khắc phục ra sao?
- 27/09/2022 | Có thể kết hợp xạ trị và hóa trị trong điều trị ung thư không?
- 18/08/2022 | Giải đáp từ A-Z về liệu pháp hóa trị trong điều trị ung thư
- 19/04/2023 | Hóa trị và những điều cần lưu ý
1. Hóa trị là gì và mục tiêu
Một vài thông tin cơ bản về liệu pháp hóa trị và mục đích điều trị như sau:
1.1. Hóa trị là gì?
Hóa trị là liệu pháp sử dụng thuốc để phá hủy tế bào ung thư, đồng thời, ngăn chặn sự phát triển, phân chia cũng như khả năng xâm lấn của những tế bào ung thư ác tính trong cơ thể.
Hóa trị là một biện pháp được sử dụng trong điều trị bệnh ung thư
1.2. Mục tiêu của hóa trị
- Chữa trị tận gốc ung thư: Ở một số trường hợp, phương pháp này có thể triệt tiêu được các tế bào ung thư trong cơ thể. Những khối u ác tính sẽ biến mất hoàn toàn và không tái phát. Tuy nhiên, mục tiêu này thường rất khó khăn để có thể đạt được.
- Kiểm soát tình trạng bệnh lý: Đa phần mục tiêu của việc hóa trị là kiểm soát sự tiến triển của ung thư. Hóa chất được sử dụng sẽ giúp các khối u nhỏ dần và ngăn ngừa chúng phát triển, lây lan sang các cơ quan khác.
- Làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh: Khi ung thư bước vào giai đoạn cuối, các tế bào ác tính đã không thể kiểm soát và xâm lấn sang nhiều bộ phận khác. Mục tiêu chính của hóa trị lúc này là làm giảm các triệu chứng và giúp người bệnh nhân thấy dễ chịu hơn.
2. Những đối tượng có thể áp dụng hóa trị và không áp dụng hóa trị
Liệu pháp hóa trị có thể thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp hóa trị với xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp sinh học để làm tăng hiệu quả điều trị, tùy từng trường hợp.
Với những phác đồ kết hợp, hóa trị sẽ được áp dụng để thu nhỏ khối u trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc xạ trị. Hoặc liệu pháp này cũng có thể được chỉ định để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể sau khi bệnh nhân thực hiện những phương pháp khác.
Tuy nhiên, thực tế, không phải người bệnh nào cũng có thể áp dụng hóa trị vào điều ung thư, cụ thể:
- Người có thể trạng yếu.
- Người không có khả năng đáp ứng liệu pháp.
- Phụ nữ đang mang bầu.
- Người bị rối loạn đông máu, suy tim, suy thận,...
Hóa trị được chỉ định cho người có khả năng đáp ứng liệu pháp điều trị
3. Các phương pháp hóa trị
Tùy thuộc vào từng trường hợp, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định phương pháp hóa trị phù hợp nhất. Theo đó, liệu pháp thường được thực hiện theo những cách thức sau:
3.1. Đường uống
Một vài loại thuốc được sử dụng trong điều trị có thể ở dạng viên hoặc dạng lỏng. Thuốc uống sẽ được cơ thể hấp thu ở dạ dày, các dịch tiêu hóa sẽ phá vỡ lớp màng ngoài và kích thích thuốc phát huy tác dụng.
3.2. Tiêm dưới da
Một số loại thuốc tồn tại ở dạng sinh học sẽ được đưa vào trong cơ thể của người bệnh bằng phương pháp tiêm dưới da (không đi sâu vào bên trong cơ). Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp có số lượng tiểu cầu thấp vì có thể hạn chế được tình trạng chảy máu so với việc tiêm bắp.
3.3. Truyền tĩnh mạch
Phương pháp này có thể thực hiện trong khoảng vài phút cho đến vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, cũng có một vài loại thuốc phải sử dụng liên tiếp nhiều ngày cho đến nhiều tuần để đạt được hiệu quả như mong muốn.
3.4. Tiêm bắp
Một chiếc kim có kích thước lớn hơn so với kim tiêm dưới da được sử dụng để tiêm bắp. Phương pháp hóa trị này sẽ giúp thuốc thấm vào trong các tổ chức cơ. Đối với việc tiêm bắp, cơ thể sẽ hấp thụ thuốc chậm hơn so với hình thức tiêm dưới da và truyền tĩnh mạch.
Hóa trị có nhiều cách khác nhau
3.5. Hóa trị nội động mạch
Động mạch là những mạch máu chính chịu trách nhiệm đưa máu từ tim đi nuôi dưỡng những bộ phận khác trong cơ thể. Thuốc sẽ được tiêm trực tiếp vào trong động mạch của người bệnh để vận chuyển đến những khu vực có khối u.
3.6. Những cách thức khác
Một vài phương án hóa trị khác có thể được áp dụng gồm:
- Màng bụng: Thuốc sẽ được đưa vào trong khoang màng bụng, ở xung quanh những cơ quan nội tạng ở trong ổ bụng nhưng sẽ không vào dạ dày hoặc các cơ quan khác.
- Bàng quang: Thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị ung thư bàng quang sau khi đã tiến hành cắt bỏ khối u.
- Màng phổi: Thuốc sẽ được đưa vào trực tiếp ở màng phổi và khoang giữa phổi để kiểm soát màng dịch phổi nhằm ngăn chặn tình trạng dịch quá nhiều gây chèn ép và khiến bệnh nhân khó thở.
- Hóa trị tại chỗ: Người bệnh có thể dùng dạng kem bôi và sử dụng trực tiếp lên những vùng da bị tổn thương. Phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân bị ung thư da.
4. Tác dụng phụ
Hóa trị là một hình thức chữa trị bệnh ung thư toàn thân. Vì vậy, liệu pháp này không chỉ tiêu diệt những tế bào ung thư mà chúng còn có những tác động không tốt đối với những tế bào khỏe mạnh khác. Từ đó, có thể gây ra một số tác dụng phụ tùy theo thể trạng, tình trạng bệnh của từng người:
Bệnh nhân có thể bị rụng tóc do tác dụng phụ của hóa trị mang lại
- Bị rụng tóc, sạm da.
- Suy giảm số lượng hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu.
- Cảm giác chán ăn, buồn nôn và nôn.
- Người bệnh có thể bị tiêu chảy.
- Niêm mạc miệng bị loét.
5. Lưu ý khi hóa trị và cách chăm sóc người thực hiện hóa trị
Một vài lưu ý khi thực hiện hóa trị mà bệnh nhân cần nắm:
- Bệnh nhân cần phải tuân thủ theo đúng kế hoạch và phác đồ điều trị mà bác sĩ chỉ định. Đặc biệt, người bệnh cần đáp ứng khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa từng đợt hóa trị để cơ thể có khả năng sản sinh ra những tế bào mới và thay thế cho những tế bào đã bị tổn thương dưới tác động của hóa chất.
- Bệnh nhân không cần phải kiêng khem bất cứ loại thực phẩm nào. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp tăng sức đề kháng và hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Bên cạnh những lưu ý trên, việc chăm sóc người bệnh cũng cần phải đảm bảo những điều sau:
- Thường xuyên động viên và khích lệ về mặt tinh thần để người bệnh có động lực chiến đấu lại với ung thư.
- Khi điều trị, người bệnh rất dễ bị chán ăn và mệt mỏi. Vì vậy, gia đình cần phải chú ý đến thực đơn hàng ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể. Bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để bệnh nhân có thể dễ dàng tiêu hóa.
- Bệnh nhân cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo môi trường sống thông thoáng để tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng.
Bệnh nhân hóa ung thư cần giữ tinh thần thoải mái và được chăm sóc tốt hơn
Trên đây là những thông tin về hóa trị được ứng dụng để điều trị ung thư. Có thể thấy, việc điều trị ung thư rất tốn thời gian, công sức và chi phí. Do đó, xây dựng thói quen bảo vệ sức khỏe là điều cần thiết. Đặc biệt, thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát, sàng lọc nguy cơ ung thư tại cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC là cách giúp bạn có thể phòng ngừa được bệnh lý này và kiểm soát bệnh ngay từ sớm (nếu có). Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!