Tin tức
Hướng dẫn chi tiết một số bài tập chữa đau xương cụt tại nhà
- 18/11/2024 | Đau xương cụt là bệnh gì, chẩn đoán bằng cách nào?
- 09/12/2024 | Mẹ bầu bị đau xương cụt khi mang thai: Tìm hiểu nguyên nhân và cách cải thiện an toàn
- 11/12/2024 | Đau xương cụt sau sinh: Tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục đúng cách
1. Nguyên nhân và các dấu hiệu thường gặp ở người bị đau xương cụt
1.1. Đau xương cụt do nguyên nhân nào?
Đau xương cụt thường xuất hiện trong các trường hợp:
- Chấn thương vật lý
+ Té ngã trực tiếp vào vùng mông hoặc lưng dưới.
+ Tai nạn khi tham gia giao thông hoặc chấn thương trong quá trình sinh hoạt.
- Ngồi thời gian dài trên bề mặt cứng hoặc thường xuyên trong tư thế ngồi không đúng.
- Thai kỳ và sự gia tăng trọng lượng thai nhi tạo áp lực lớn lên vùng xương chậu và xương cụt.
- Áp lực mạnh từ quá trình sinh nở khiến xương cụt bị tổn thương gây đau xương cụt sau sinh.
- Thoái hóa xương hoặc viêm khớp.
Tư thế ngã có thể gây chấn thương và đau xương cụt
1.2. Dấu hiệu thường gặp ở người bị đau xương cụt
Khi bị đau xương cụt, người bệnh thường có các dấu hiệu:
- Cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói ở vùng cuối cột sống, nhất là khi ngồi hoặc đứng dậy.
- Cảm giác gia tăng nếu tư thế có sự thay đổi đột ngột.
- Khó chịu, khó vận động vùng hông khi cúi người, nằm ngửa hoặc thực hiện động tác xoay hông.
- Đau lan sang vùng mông, đùi hoặc xương chậu.
2. Lợi ích từ việc thực hiện bài tập chữa đau xương cụt
2.1. Giảm đau tự nhiên, hạn chế sử dụng thuốc
Bài tập nếu được thực hiện đúng sẽ có tác dụng thư giãn cơ, cải thiện tuần hoàn máu và giảm căng thẳng cho vùng xương cụt. Nhờ vậy mà người bệnh sẽ giảm được cảm giác đau và hạn chế sử dụng thuốc giảm đau để từ đó giảm các tác dụng không mong muốn mà thuốc giảm đau mang lại.
2.2. Cải thiện khả năng vận động
Khi xương cụt bị đau, các cơ xung quanh cũng cứng và yếu hơn. Thực hiện bài tập chữa đau xương cụt giúp tăng cường sức mạnh cho cơ lưng dưới, cơ mông và hông, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động hàng ngày.
2.3. Kiểm soát sự tái diễn đau xương cụt
Thực hiện thường xuyên bài tập hỗ trợ giảm đau xương cụt giúp duy trì sự linh hoạt và sức khỏe của vùng cột sống. Đây chính là yếu tố giúp kiểm soát tái phát cơn đau ở vùng xương cụt, nhất là ở những người thường xuyên ngồi lâu hoặc ít vận động.
2.4. Cải thiện tư thế để giảm áp lực tại xương cụt
Bài tập không chỉ giúp giảm đau mà còn điều chỉnh tư thế đúng để tránh gây áp lực lớn lên xương cụt.
3. Cách thực hiện một số bài tập chữa đau xương cụt tại nhà
3.1. Bài tập giãn cơ lưng
Đây là bài tập chữa đau xương cụt bằng cách kéo giãn cơ vùng lưng và hông, giảm áp lực lên xương cụt và cải thiện lưu thông máu.
- Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa trên sàn nhà.
+ Co hai chân lại, đặt bàn chân xuống sàn.
+ Từ từ kéo cả hai đầu gối lên phía ngực bằng hai tay để cảm nhận được sự căng cơ ở vùng lưng dưới.
+ Giữ tư thế trong 15 - 20 giây rồi từ từ thả lỏng.
+ Lặp lại động tác 3 - 4 lần.
- Lưu ý:
+ Không dùng lực quá mạnh để kéo đầu gối.
+ Nếu quá trình tập có cảm giác đau, hãy dừng lại và chuyển qua bài tập khác.
Minh họa bài tập chữa đau xương cụt bằng cách kéo giãn cơ lưng
3.2. Bài tập kéo dãn hông
Động tác kéo dãn hông hỗ trợ giải phóng áp lực ở vùng chậu và xương cụt, giúp giảm đau nhức hiệu quả.
- Cách thực hiện:
+ Ngồi trên sàn, duỗi thẳng hai chân thật thoải mái.
+ Co một chân lại, đặt bàn chân ngang lên đùi chân còn lại sao cho đầu gối hướng ra ngoài.
+ Dùng tay nhẹ nhàng kéo đầu gối co chân về phía ngực, lưng giữ thẳng.
+ Giữ nguyên 20 - 30 giây, sau đó đổi bên và làm lại bài tập 3 lần.
- Lưu ý:
+ Trong quá trình tập hãy cảm nhận sự kéo giãn tự nhiên ở hông, không cố ép quá mức.
+ Nếu không thể đặt bàn chân lên đùi, hãy đặt chân lên sàn rồi thực hiện động tác kéo một cách nhẹ nhàng.
3.3. Bài tập Child's Pose kéo giãn cơ thắt lưng
Bài tập chữa đau xương cụt này có tác dụng thư giãn và kéo giãn cơ vùng thắt lưng, giảm căng thẳng cho vùng xương cụt.
- Cách thực hiện:
+ Quỳ trên sàn, mông ngồi lên gót chân.
+ Duỗi tay về phía trước, hạ thấp ngực xuống gần sàn. Cố gắng cảm nhận cơ vùng lưng dưới và hông được kéo giãn.
+ Giữ nguyên 20 - 30 giây sau đó tiến hành lại bài tập 3 - 4 lần.
- Lưu ý:
+ Hít thở đều trong quá trình thực hiện bài tập.
+ Nếu không thể trong tư thế mông ngồi lên gót chân, hãy đặt gối giữa đùi và chân để thực hiện bài tập dễ dàng hơn.
3.4. Bài tập gập người
Khi thực hiện động tác gập người, cơ lưng dưới được kéo giãn, độ linh hoạt của cột sống được cải thiện, áp lực lên xương cụt được giảm thiểu.
- Cách thực hiện:
+ Ngồi thẳng lưng trên sàn, duỗi thẳng hai chân về trước.
+ Hít vào, đưa tay lên cao và kéo dài cột sống.
+ Thở ra, gập người từ từ về phía trước, cố gắng để tay chạm vào các ngón chân.
+ Giữ tư thế này 15 - 20 giây và tiến hành lại bài tập 3 lần.
- Lưu ý:
+ Trong quá trình thực hiện không cần ép buộc phải chạm vào ngón chân nếu chưa thấy thoải mái.
+ Cố gắng tập trung để kéo giãn cơ lưng một cách nhẹ nhàng mà không gây áp lực quá mạnh.
Người bị đau xương cụt thường xuyên nên được khám và đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa
4. Một số điều cần chú ý khi chữa đau xương cụt tại nhà bằng bài tập hỗ trợ
- Không ép cơ thể quá mức. Nếu cảm thấy đau hay khó chịu khi thực hiện bài tập, hãy ngừng ngay lập tức.
- Nên thực hiện các bài tập chữa đau xương cụt tối thiểu 3 - 4 lần/tuần và cần tập trên bề mặt phẳng, không có vật cản dễ gây chấn thương.
- Ngoài tập luyện, có thể kết hợp với việc chườm nóng hoặc massage để giảm đau.
Nếu bạn đã thử áp dụng bài tập chữa đau xương cụt mà không thấy cải thiện hoặc có tình trạng sau thì người bệnh cần khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá và có biện pháp phục hồi tốt nhất.
- Đau trên 2 tuần.
- Đau lan xuống vùng chân hoặc kèm cảm giác tê bì.
- Vận động gặp khó khăn.
Để được chẩn đoán đúng nguyên nhân đau xương cụt và có biện pháp xử trí kịp thời, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!