Tin tức
Đau xương cụt sau sinh: Tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục đúng cách
- 22/06/2022 | Dấu hiệu của bệnh đau xương cụt cần phải ghi nhớ để biết cách điều trị
- 17/11/2024 | Đau xương cụt là bệnh gì, chẩn đoán bằng cách nào?
- 08/12/2024 | Mẹ bầu bị đau xương cụt khi mang thai: Tìm hiểu nguyên nhân và cách cải thiện an toàn
1. Như thế nào là đau xương cụt
Đau xương cụt là tình trạng khó chịu hoặc đau nhức xảy ra ở vùng xương cụt, nằm cuối cột sống. Cơn đau có thể kéo dài liên tục hoặc xuất hiện khi thực hiện các hoạt động như ngồi, đứng, cúi người hoặc khi đi vệ sinh.
Người bị đau xương cụt thường sẽ trải qua các tình trạng:
- Cảm giác đau nhói hoặc bị đau âm ỉ ở vùng xương cụt.
- Đau có thể chạy dọc xuống dưới mông hoặc đùi.
- Khi ngồi trên bề mặt cứng, cảm giác đau và khó chịu tăng lên.
Bị đau xương cụt sau sinh khiến phụ nữ gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày
2. Nguyên nhân nào khiến phụ nữ sau sinh bị đau ở vùng xương cụt?
2.1. Tổn thương hoặc áp lực trong quá trình sinh nở
Khi sinh con, đặc biệt là sinh thường, xương chậu phải mở rộng tối đa để tạo không gian cho em bé đi qua. Việc này tạo áp lực trực tiếp lên xương cụt và có thể gây tổn thương kéo dài và bị đau xương cụt sau sinh.
Ngoài ra, trong trường hợp sinh khó hoặc thời gian chuyển dạ kéo dài, áp lực lên vùng xương cụt càng lớn. Thậm chí, một số trường hợp, xương cụt bị chấn thương trực tiếp trong quá trình sinh nở do:
- Thai nhi lớn hơn mức bình thường.
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ sinh gây áp lực lớn lên xương chậu và xương cụt.
Những tổn thương này gây viêm mô mềm xung quanh xương cụt hoặc chèn ép dây thần kinh, gây đau đớn ngay sau sinh và kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng sau sinh.
2.2. Sự thay đổi hormone trong thai kỳ
Trong suốt thai kỳ, cơ thể mẹ sản sinh ra hormone relaxin, giúp các khớp và dây chằng trở nên mềm dẻo hơn để hỗ trợ quá trình sinh nở. Tuy nhiên, chính hormone này lại làm suy yếu các mô liên kết quanh xương cụt và làm vùng này dễ bị tổn thương hơn.
Sau sinh, khi lượng hormone relaxin giảm dần, các khớp và dây chằng cần thời gian để trở lại trạng thái bình thường. Quá trình này có thể gây ra sự không ổn định ở xương cụt, khiến phụ nữ sau sinh bị những cơn đau ở vùng xương cụt.
2.3. Tư thế sai trong thai kỳ và sau sinh
Trong thai kỳ, trọng lượng của thai nhi gây áp lực lên vùng lưng dưới và xương cụt, khiến các mẹ bầu phải thay đổi tư thế để giảm đau. Nếu mẹ bầu có hoạt động sai tư thế như ngồi gập người, cúi nhiều hoặc ngồi lâu trên bề mặt cứng rất dễ gây áp lực cho vùng xương cụt.
Sau sinh, tư thế ngồi cho con bú hoặc bế em bé tiếp tục bị sai sẽ khiến tình trạng đau xương cụt trở nên nghiêm trọng hơn. Thường xuyên ngồi sai tư thế hoặc ngồi quá lâu một chỗ dễ khiến cơn đau xương cụt kéo dài.
Ngồi một chỗ quá lâu hoặc thường xuyên sai tư thế rất dễ khiến phụ nữ bị đau xương cụt sau sinh
2.4. Thiếu vận động sau sinh
Nhiều bà mẹ sau sinh hạn chế vận động để nghỉ ngơi, đặc biệt là trong trường hợp sinh mổ hoặc kiêng cữ theo quan niệm truyền thống. Việc ngồi hoặc nằm lâu rất dễ làm giảm lưu thông máu ở vùng xương cụt, gây căng cơ và tăng áp lực lên khu vực này.
Hơn nữa, việc ít vận động còn khiến các cơ và dây chằng quanh xương cụt yếu đi, không thể hỗ trợ tốt cho cột sống nên tình trạng đau xương cụt sau sinh càng kéo dài.
3. Phụ nữ khắc phục đau xương cụt sau sinh bằng cách nào?
3.1. Điều chỉnh tư thế
- Dùng gối hình chữ U hoặc đệm ngồi hỗ trợ giảm áp lực trực tiếp lên vùng xương cụt khi ngồi. Sự hỗ trợ này khiến cho trọng lượng cơ thể được phân bố đều, không dồn áp lực tập trung lên xương cụt.
- Tư thế ngồi thẳng lưng, thả lỏng để vai được thư giãn, người không nghiêng quá nhiều về trước hoặc sau.
- Tránh ngồi lâu một chỗ, sau 30 - 45 phút hãy đứng dậy đi lại để giảm căng cứng cơ.
- Khi bế con hãy gập đầu gối và dùng lực từ cơ chân để nâng thay vì cúi gập lưng để giảm áp lực cho cột sống và xương cụt.
3.2. Thực hiện bài tập nhẹ nhàng
- Bài tập Kegel
+ Tác dụng: Tăng cường cơ sàn chậu, giúp hỗ trợ vùng xương chậu và giảm đau xương cụt.
+ Cách thực hiện: Co thắt các cơ sàn chậu như khi nhịn tiểu, giữ trong 5 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại như vậy mỗi ngày 10 - 15 lần.
- Bài tập kéo giãn cơ
+ Tư thế con mèo - con bò:
Bước 1: Chống tay và đầu gối xuống sàn để tư thế của bạn giống hình dáng một cái bàn bốn chân. Hai đầu gối tách rộng sang hai bên sao cho khoảng cách bằng hông. Nửa dưới của chân bám sát mặt sàn. Vai giữ xa tai, mắt nhìn thẳng ra ngoài để kéo giãn cổ.
Bước 2: Hít một hơi thật sâu. Từ từ hạ bụng xuống, mông hơi nhô lên, đẩy cao phần ức. Mở rộng bả vai, kéo cằm chếch lên, mắt nhìn lên trần nhà, cột sống được giãn ra, lưng hơi võng xuống giống lưng con bò.
Bước 3: Thở ra chầm chậm và uốn cong xương cụt xuống, cuộn sâu người lại, đẩy cao phần lưng giống tư thế con mèo đang cúi ăn, siết chặt bụng. Thả đầu xuống nhẹ nhàng nhưng không chạm cằm vào ngực, mắt hướng về phía rốn. Hít vào, rồi từ từ đưa cơ thể về vị trí cân bằng, tiếp tục với động tác con bò.
Lặp lại toàn bộ bài tập ít nhất 3 lần/phút.
+ Tư thế kéo gối lên ngực:
Đầu tiên, hãy nằm ngửa người trên sàn, chân duỗi thẳng. Tiếp sau đó hãy kéo một bên đầu gối phải lên gần ngực cho đến khi cảm thấy lưng dưới căng nhẹ. Giữ đầu gối phải áp vào ngực trong 30 - 60 giây để toàn bộ chân, lưng và hông dưới được thư giãn sau đó trở về trạng thái ban đầu và đổi chân, làm tương tự với đầu gối bên trái.
Mô phỏng tư thế con mèo - con bò trong bài tập giúp giảm đau xương cụt
3.3. Chườm nóng hoặc lạnh
- Chườm nóng: Sử dụng túi chườm nóng hoặc dùng khăn ấm đặt lên vùng xương cụt 15 - 20 phút. Cách làm này có tác dụng thư giãn cơ, giảm đau xương cụt sau sinh và kích thích tuần hoàn máu.
- Chườm lạnh: Trong trường hợp xương cụt bị sưng hoặc viêm, hãy dùng túi chườm lạnh hoặc quấn đá trong một lớp khăn mỏng rồi chườm vùng xương cụt 10 - 15 phút.
4. Phụ nữ bị đau xương cụt sau sinh bao lâu thì hết?
Cảm giác khó chịu do đau thường khiến phụ nữ đặt ra câu hỏi: liệu đau xương cụt sau sinh bao lâu thì hết. Khoảng thời gian chấm dứt tình trạng này phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra, tình trạng sức khỏe và cách chăm sóc cơ thể của mỗi người. Cơn đau này thường kéo dài khoảng vài tuần hoặc vài tháng sau sinh.
Khi được nghỉ ngơi đúng cách kết hợp thực hiện các bài tập phục hồi, giúp giảm đau hiệu quả và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì tình trạng này sẽ sớm được đẩy lùi.
Nếu cơn đau xương cụt sau sinh không thuyên giảm sau 3 tháng hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hơn như sưng viêm hoặc khó vận động thì tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ để kiểm tra và điều trị. Việc can thiệp kịp thời sẽ giúp tránh biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để được chẩn đoán đúng tình trạng đau xương cụt, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!