Tin tức
Khám phá những bài thuốc hay từ cây bạc thau
- 01/01/2024 | Cây xạ đen có mấy loại, công dụng là gì?
- 01/01/2024 | Cây nhọ nồi có tác dụng gì, sử dụng như thế nào?
- 01/12/2023 | Cây bọ mắm: đặc điểm dược liệu và công dụng chữa bệnh
- 01/01/2024 | Cây mắt mèo và những công dụng chữa bệnh ít người biết đến
- 01/01/2024 | Cây phèn trắng được dùng để chữa bệnh gì?
1. Sơ lược cây bạc thau
Cây bạc thau thuộc họ Bìm bìm với nhiều tên gọi khác nhau như bạc sau, thảo bạc, bạch hoa đằng,…
Đặc điểm tự nhiên
Cây bạc thau là loài dây leo, thường bò và quấn trên giàn với chiều dài hàng mét (15 - 20m). Thân và cành cây có lông trắng mịn. Lá cây mọc so le, hình bầu dục, đầu lá nhọn, cuống lá hình tim phủ đầy lông, mặt trên lá nhẵn, mặt dưới lá có lông mịn. Lá dài khoảng 5 - 11cm, rộng khoảng 3 - 8cm.
Giống như thân, cành và lá, hoa cây bạc thau cũng có lông mịn. Hoa màu trắng, thường mọc thành cụm ở đầu cành. Quả bạc thau hình cầu, chín mọng và có màu đỏ. Mùa đơm hoa kết quả của bạc thau khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 nhưng cũng có thể là quanh năm.
Cây bạc thau thuộc họ Bìm bìm, dạng dây leo, rất ưa ẩm, được tìm thấy nhiều nơi
Phân bố sinh thái
Trên thế giới, cây bạc thau có tới 40 loài khác nhau, chủ yếu phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Còn tại Việt Nam, cây mọc nhiều ở các vùng núi hoang sơ có độ cao dưới 1000m và vùng trung du, đồng bằng. Đặc biệt là ở vùng trung du Bắc Bộ, cây bạc thau mọc nhiều trên thân cây gỗ, cây bụi hay thậm chí là bụi tre, lùm bụi.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận cây bạc thau được sử dụng để chữa bệnh là đoạn thân mang lá dài từ 30 - 50cm. Có thể thu hái bộ phận này quanh năm, sau khi thu hái về thì rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô, sấy khô ở nhiệt độ 50 - 60 độ C rồi bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát và sử dụng dần.
Công dụng chữa bệnh
Cây bạc thau vị hơi chua và đắng nhạt, tính mát, không độc. Cây có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu và điều kinh. Ngoài ra, cây còn được dùng để chữa ho ở trẻ em, trị mụn nhọt, ngứa lở, mỏi chân tay, viêm thận thủy thũng,…
Lá cây bạc thau sử dụng để chữa nhiều bệnh, có thể dùng tươi hoặc khô
2. Những bài thuốc hay từ cây bạc thau
Cây bạc thau có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác để chữa những bệnh lý sau.
Trị rong kinh
Lá cây bạc thau sau khi thu hoạch về thì ngâm rửa với nước muối và dùng tươi, không cần phơi khô. Cụ thể, cho một nắm lá đã rửa sạch vào cối và giã nát. Tiếp đến, cho nước sôi để nguội vào, khuấy đều và lọc lấy nước uống. Còn phần bã sẽ đắp vào đỉnh đầu. Mỗi ngày uống 1 thang và uống đến khi thấy tình trạng rong kinh, rong huyết thuyên giảm.
Trị mụn nhọt
Cũng với cách làm tương tự, đó là rửa sạch lá bạc thau với nước muối rồi đem đi giã nát, nhưng bạn sẽ lấy cả phần nước lẫn phần bã sau khi giã để đắp trực tiếp lên chỗ mụn nhọt, sưng tấy rồi để thuốc khô tự nhiên. Lưu ý trước khi đắp, nên vệ sinh vùng da sạch sẽ. Mỗi ngày thực hiện 1 - 2 lần và liên tục trong 5 ngày, tình trạng sẽ thuyên giảm.
Đắp lá cây bạc thau tươi để giảm tình trạng sưng viêm do mụn nhọt, ghẻ lở
Trị ghẻ lở
Trẻ em bị ghẻ lở hay nổi rôm sảy có thể tắm nước lá bạc thau để cải thiện tình trạng. Cách làm như sau: Rửa lá bạc thau với nước muối rồi đem đi đun với 3 lít nước. Khi nước sôi và chuyển màu thì tắt bếp, đem đi pha với nước lạnh rồi tắm cho trẻ. Mỗi ngày tắm 1 lần và tắm liên tục trong 5 - 7 ngày.
Giúp thông tiểu
Thân và lá cây bạc thau thu hoạch về, sơ chế và phơi khô. Khi sử dụng thì lấy 15g dược liệu cho vào tách, đổ thêm 300ml nước sôi vào và chờ trong 20 phút. Sau đó rót lấy nước uống như uống trà, giúp thanh nhiệt, giải độc và lợi tiểu.
Trị bạch đới
Chuẩn bị lá bạc thau và lá mò, mỗi thứ khoảng 30 - 40g, rửa sạch với nước muối rồi đem đi sắc với 1 lít nước. Đến khi lượng nước còn khoảng 400ml thì tắt bếp, chắt lấy nước và uống khi còn ấm. Mỗi ngày uống 1 thang, mỗi thang chia làm 2 - 3 lần.
Trị ho
Cây bạc thau còn có tác dụng trị ho, đặc biệt là ho ở trẻ em. Chuẩn bị 20 - 30g bạc thau, 5 - 10g bạc hà, 15 - 20g bướm bạc rồi cho vào nồi và đun với 1 lít nước. Đến khi thấy nước còn khoảng 400ml thì chắt lấy nước và uống, chia làm 2 - 3 lần/ ngày. Bài thuốc này có tác dụng trị ho khan, ho có đờm do cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan,…
Trẻ em bị ho có thể uống lá cây bạc thau để cải thiện tình trạng
3. Lưu ý khi sử dụng cây bạc thau chữa bệnh
Bạn cần sơ chế cây bạc thau cẩn thận trước khi dùng, nhất là khi sử dụng nguyên liệu tươi để sắc lấy nước uống hoặc đắp trực tiếp lên vết sưng tấy, mụn nhọt. Tốt nhất là ngâm rửa với nước muối nhiều lần để loại bỏ triệt để bụi bẩn, vi khuẩn tồn đọng, tích tụ trong bộ phận của cây. Còn đối với dược liệu khô thì nên bảo quản đúng cách để dược liệu không bị nấm mốc và biến chất, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi sử dụng.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý đền liều lượng. Nếu là sắc để lấy nước uống thì nên dùng 6 - 20g/ ngày đối với dược liệu khô và 20 - 40g/ ngày đối với dược liệu tươi. Còn để dùng ngoài da thì nên dùng dược liệu tươi và không kể liều lượng. Hoặc cẩn thận hơn, bạn có thể tham khảo liều dùng từ thầy thuốc, bác sĩ.
Tác dụng của cây bạc thau nhanh hay chậm có thể phụ thuộc vào tình trạng bệnh và cơ địa của mỗi người, nhưng nhìn chung là bạn cần kiên trì, không nôn nóng vì chữa bệnh bằng dược liệu đòi hỏi sự lâu dài. Và trong quá trình sử dụng, nếu cảm nhận cơ thể có bất thường thì nên dừng ngay và đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Trên đây là chia sẻ những bài thuốc hay từ cây bạc thau. Tuy nhiên, thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, trước khi áp dụng bất kỳ bài thuốc nào từ cây bạc thau, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ Đông y để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Để được tư vấn sức khỏe, hoặc có nhu cầu đặt lịch khám trước tại MEDLATEC, bạn có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!