Tin tức

Khi trẻ tiêu chảy nên làm gì để bệnh sớm khỏi?

Ngày 24/10/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Đi ngoài phân lỏng, đi ngoài nhiều lần trong ngày, màu sắc phân bất thường là những dấu hiệu thường gặp khi trẻ bị tiêu chảy. Nếu không được khắc phục sớm, bệnh tiêu chảy sẽ gây mất nước, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí còn có thể gây tử vong. Vậy khi trẻ tiêu chảy nên làm gì để bệnh sớm khỏi. 

1. Những nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ

Virus, vi khuẩn và ký sinh trùng là nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ em. Đặc biệt Rota virus là phổ biến nhất và có khả năng lây lan khiến bùng phát dịch tiêu chảy. Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy ở trẻ đó là: 

- Những trẻ từ 6 đến 11 tháng tuổi, nhất là những trẻ mới bước vào giai đoạn ăn dặm. 

trẻ tiêu chảy nên làm gì

Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao bị tiêu chảy.

- Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ bị tiêu chảy cao hơn những trẻ khỏe mạnh, đủ chất. 

- Trẻ bị suy giảm miễn dịch cũng dễ bị tiêu chảy hơn, chẳng hạn trẻ vừa bị mắc bệnh sởi hoặc những trẻ bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. 

- Thời tiết cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ở Việt Nam, khí hậu nhiệt đới gió mùa chính là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây tiêu chảy phát triển mạnh, đặc biệt là vào mùa mưa, mùa khô lạnh.

- Do mẹ không đảm bảo vệ sinh cho trẻ: Chẳng hạn không vệ sinh bình sữa cho trẻ, cho trẻ ăn dặm không vệ sinh, không đúng cách, mẹ không rửa tay trước khi nấu ăn cho trẻ hoặc sau khi xử lý phân cho trẻ. 

2. Khi trẻ tiêu chảy nên làm gì để bệnh nhanh khỏi?

Trẻ tiêu chảy nên làm gì là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh. Lời khuyên cho cha mẹ đó là hãy trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh tiêu chảy ở trẻ, từ đó có thể xử trí hợp lý khi trẻ bị bệnh. Dưới đây là một số gợi ý về cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy: 

- Với những trường hợp tiêu chảy ở mức độ nhẹ, cha mẹ không nên quá lo lắng. Cách tốt nhất là hãy cho con ăn uống đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất do tiêu chảy. Với chế độ chăm sóc hợp lý, trẻ sẽ có thể sớm hồi phục mà không cần phải dùng đến thuốc. Đối với trường hợp trẻ sơ sinh, mẹ nên bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ bú nhiều hơn. 

Cha mẹ nên đảm bảo dinh dưỡng và cho trẻ uống nhiều nước khi trẻ bị tiêu chảy

Cha mẹ nên đảm bảo dinh dưỡng và cho trẻ uống nhiều nước khi trẻ bị tiêu chảy

- Với những trường hợp trẻ có dấu hiệu mất nước nhẹ, cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội hoặc dung dịch Oresol để giúp cơ thể trẻ bù lại lượng nước đã mất. Lưu ý nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Trong trường hợp nước oresol đã pha nhưng để quá 24 tiếng thì không nên sử dụng. 

- Nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ không thuyên giảm mà ngày càng có xu hướng nghiêm trọng, trẻ quấy khóc nhiều hơn, đi phân lỏng, đôi khi có lẫn máu, trẻ sốt cao, lờ đờ, li bì, môi, miệng khô, khóc không ra nước mắt,… thì mẹ không nên chủ quan mà hãy đưa con đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt. Đối với những trường hợp này, các bác sĩ thường chỉ định cho trẻ uống bù dịch hoặc truyền dịch đường tĩnh mạch để trẻ nhanh chóng được bồi hoàn lượng nước đã mất cho cơ thể.

Cần đưa trẻ đi khám sớm khi có những triệu chứng bất thường

Cần đưa trẻ đi khám sớm khi có những triệu chứng bất thường

- Mẹ lưu ý, không tự ý mua thuốc và điều trị cho con khi không có chỉ định của bác sĩ. Đây là thói quen tai hại, không những không giúp trẻ khỏi bệnh mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.  

- Nhiều cha mẹ đã rất sai lầm khi cho rằng, cần hạn chế cho trẻ uống nước và ăn nhiều chất dinh dưỡng vì sợ trẻ sẽ đi ngoài nhiều hơn. Nhưng đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. 

Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, khi đường ruột của trẻ bị nhiễm độc thì việc đi ngoài nhiều hơn chính là cách cơ thể đang thải độc ra bên ngoài. Dù mẹ không cho trẻ uống nước thì vẫn xảy ra tình trạng tiêu chảy. Trong khi đó, phần ruột chưa bị vi khuẩn gây tổn thương vẫn hoạt động và hấp thu nước cũng như chất dinh dưỡng hiệu quả. Vì những lý do trên, mẹ nên bổ sung nước và các chất dinh dưỡng cho trẻ để phòng ngừa tình trạng kiệt sức do mất nước và phòng chống suy dinh dưỡng do bị tiêu chảy. 

3. Gợi ý một số phương pháp giúp phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ

Không chỉ thắc mắc trẻ tiêu chảy nên làm gì mà vấn đề phòng ngừa bệnh cũng được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ mà bố mẹ có thể tham khảo: 

- Đảm bảo vệ sinh cho trẻ: Mẹ nên thường xuyên rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi trẻ đi vệ sinh, hạn chế để trẻ hình thành thói quen mút tay,… để có thể phòng ngừa sự lây truyền của các loại virus, vi khuẩn gây tiêu chảy. Đối với những trẻ con nhỏ, mẹ nên rửa tay trước khi cho trẻ bú, rửa sạch bình sữa, núm vú và cần rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến đồ ăn cho trẻ và sau khi cho trẻ đi vệ sinh. 

Không nên cho trẻ hình thành thói quen mút tay để tránh bị lây nhiễm khuẩn bệnh

Không nên cho trẻ hình thành thói quen mút tay để tránh bị lây nhiễm khuẩn bệnh

- Thường xuyên vệ sinh không gian vui chơi của trẻ, đặc biệt là những loại đồ chơi, dụng cụ, bề mặt mà trẻ thường xuyên tiếp xúc. 

- Giữ phòng tắm cho trẻ luôn sạch sẽ.

- Nên sử dụng nguồn nước sạch, tránh cho con uống nước từ nguồn nước bị ô nhiễm. 

- Lựa chọn những thực phẩm an toàn, sạch để chế biến cho trẻ. Trước khi nấu cần cần chú ý rửa rau, thịt thật sạch, rửa dụng cụ nấu ăn, bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. 

- Cần cho trẻ ăn chín uống sôi để hạn chế vi khuẩn tấn công vào cơ thể trẻ. 

- Nên để khu ăn uống cách xa với khu chăn nuôi, ăn uống của động vật trong gia đình. 

- Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh. Việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi cũng chính là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ. 

Nếu vẫn còn thắc mắc về việc trẻ tiêu chảy nên làm gì hoặc băn khoăn về một số vấn đề sức khỏe của trẻ, mẹ có thể liên hệ đến Tổng đài 1900 56 56 56 để được các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ