Tin tức

Khối u vú có nguy hiểm không và phát hiện như thế nào?

Ngày 14/07/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Khối u vú là vấn đề sức khỏe thường làm các chị em lo lắng. Nhưng liệu khối u vú có thực sự nguy hiểm? Làm thế nào để chúng ta nhận biết và có phương án chữa trị phù hợp? Ở bài viết sau, MEDLATEC sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về các loại khối u vú, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và một số thông tin liên quan khác.

1. Khối u vú là gì? Phân loại các khối u 

Một Khối u vú là tình trạng có vùng mô dày lên hoặc cục u rõ rệt xuất hiện ở vú hoặc vùng nách. Các khối u này có nhiều kích thước, hình dáng và kết cấu khác nhau.

  • Khối u lành tính (không phải ung thư): Thường có cảm giác tròn, nhẵn và dễ di chuyển khi bạn chạm vào.
  • Khối u ác tính (ung thư): Có thể cứng, sần sùi và dính chặt vào những mô nằm ở xung quanh. Chúng cũng có thể làm biến dạng núm vú hoặc thay đổi sắc tố da bề mặt.

Khối u vú được chia làm hai nhóm chính gồm u lành tính và u ác tính

Khối u vú được chia làm hai nhóm chính gồm u lành tính và u ác tính

1.1. Khối u vú lành tính

Không phải mọi khối u ở ngực đều là ung thư. Trên thực tế, đa số các u vú được sinh thiết đều là lành tính, cụ thể như:

  • Thay đổi xơ nang: Đây là tình trạng rất phổ biến, vùng ngực có thể có cục u và đau hơn trước kỳ kinh. Tình trạng thường sẽ không còn sau thời kỳ mãn kinh.
  • U sợi tuyến: Khối u này thường rắn, không đau và dễ di chuyển. Thường gặp ở phụ nữ trẻ.
  • U nhú bên trong ống dẫn sữa: Cục u nhỏ nằm gần núm vú có thể gây nên tình trạng tiết dịch.
  • Nổi cục theo chu kỳ: Trong kỳ kinh nguyệt, vú của bạn có thể nổi cục do nhạy cảm với hormone. Bạn có thể dễ dàng cảm nhận các cục này và chúng thường xuất hiện theo chu kỳ.

1.2. Khối u vú ác tính

Cục u vú ác tính (ung thư) thường cứng, sần sùi và dính chặt vào mô xung quanh. Chúng có thể khiến cho da hoặc núm vú của bệnh nhân bị biến dạng. Nếu khối u ác tính không được phát hiện và chữa trị sớm, các tế bào ung thư sẽ lây lan. 

Khối u ác tính có thể ảnh hưởng đến tính mạng

Khối u ác tính có thể ảnh hưởng đến tính mạng

  • Ung thư giai đoạn đầu: Cục u rất nhỏ, chúng phát triển một cách âm thầm. Tầm soát định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, tỷ lệ chữa khỏi cao hơn.
  • Ung thư tiến triển: Khối u lúc này đã lan rộng ra da, núm vú, hoặc hạch bạch huyết. Việc điều trị khó khăn hơn và tỷ lệ sống thấp hơn.

Vì vậy, nếu bạn phát hiện bất kỳ cục u hoặc thay đổi bất thường nào ở vú, hãy đi khám bác sĩ ngay để được kiểm tra và tư vấn.

2. Nguyên nhân xuất hiện các khối u 

Các khối u ở vú có thể xuất hiện do các yếu tố như: 

2.1. Yếu tố lành tính

  • Nang vú: Các túi mềm, có đầy chất lỏng, thường là u lành tính và hiếm khi phát triển thành ung thư.
  • Áp xe vú: Là cục u chứa mủ do nhiễm trùng, gây đau, sưng, đỏ và có thể tiết dịch. Thường gặp khi cho con bú, nhưng ai cũng có thể bị.
  • U sợi tuyến vú: Một Khối u lành tính, di chuyển được trong mô vú. Kích thước khối u có thể biến đổi theo thời gian.
  • U nhú trong ống dẫn sữa: Khối u có kích thước nhỏ và lành tính bên trong ống dẫn sữa. Đôi khi, sữa mẹ có thể xuất hiện một ít máu. 
  • Hoại tử mỡ: Xuất hiện khi tế những bào mỡ bị viêm và chết do thiếu hụt oxy, tạo thành khối u.
  • U mỡ: Khối u mềm, lành tính dưới da do tế bào mỡ phát triển quá mức, có thể di chuyển nhẹ.

Khối u vú có thể bắt nguồn từ nhiều lý do

Khối u vú có thể bắt nguồn từ nhiều lý do

2.2. Yếu tố ác tính

Do các tế bào xuất hiện các đột biến dẫn tới tăng sinh mất kiểm soát trong mô tuyến vú. Chúng có thể di căn ra toàn bộ vú và đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

3. Biểu hiện nhận biết khối u vú

Để nhận biết các khối u vú, bạn có thể kiểm tra và quan sát những dấu hiệu sau:

3.1. Dấu hiệu của u vú lành tính

  • Kích thước: Chúng thường nhỏ, chỉ khoảng 1 đến 2cm, và không phát triển nhanh.
  • Khả năng di chuyển: Khi bạn sờ hoặc chạm vào, cục u có thể di chuyển.
  • Chúng thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Cảm giác đau tức không thường xuyên, và có thể xuất hiện rõ hơn vào kỳ kinh nguyệt.
  • Tiến triển: U lành tính có khả năng tự biến mất. Hiệu quả khi điều trị cao, có thể chữa khỏi hoàn toàn và không gây ra biến chứng nghiêm trọng.

3.2. Dấu hiệu của u vú ác tính

  • Đau tức và tiết dịch: Ngực có thể đau tức, và bạn có thể thấy hiện tượng tiết dịch bất thường từ núm vú.
  • Thay đổi vùng vú và nách: Vùng vú có thể bị đau, xuất hiện các cục u, hạch ở nách hoặc cổ. Núm vú có thể bị tụt vào bên trong, và màu da vùng vú có thể thay đổi.
  • Kích thước và triệu chứng: Kích thước của khối u tăng lên nhanh chóng, có thể bị viêm và gây đau đớn.
  • Sức khỏe tổng thể: Sức khỏe của người bệnh suy giảm, cân nặng có thể giảm nhanh chóng mà không có nguyên do cụ thể. 

Khối u vú có thể được nhận biết bằng một số biểu hiện bất thường

Khối u vú có thể được nhận biết bằng một số biểu hiện bất thường

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng một số trường hợp u ác tính lại diễn biến rất âm thầm và khó nhận biết qua các dấu hiệu bên ngoài. Vậy nên, chị em nên tập thói quen khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ra những điều bất thường. 

4. Khối u vú có nguy hiểm không? Khi nào nên đến gặp bác sĩ

Các trường hợp như u xơ, u nang tuyến vú, hoặc nổi cục theo chu kỳ kinh nguyệt thường ít có khả năng phát triển thành ung thư. Chúng gần như không tác động xấu đến sức khỏe và có thể không cần can thiệp y tế. Ngược lại, khối u ác tính (ung thư) lại rất nguy hiểm. Ung thư vú xuất hiện khi những tế bào trong khối u phát triển bất thường và mất kiểm soát. Những tế bào này có thể di căn và tấn công các bộ phận khác trong cơ thể. Nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm, các khối u vú ác tính có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Bạn nên nhanh chóng đến viện thăm khám khi nhận thấy điều khác thường ở vú

Bạn nên nhanh chóng đến viện thăm khám khi nhận thấy điều khác thường ở vú

Bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây ở vú:

  • Bạn phát hiện một khối u mới ở vú hoặc vùng nách.
  • Một bên vú có sự thay đổi rõ rệt so với bên còn lại về hình dạng hoặc kích thước.
  • Khối u ở vú không biến mất sau khi chu kỳ kinh nguyệt.
  • Bạn thấy khối u đang phát triển lớn hơn theo thời gian.
  • Vú của bạn bị bầm tím bất thường.
  • Da vú bị đỏ, sần sùi, nhăn nheo.
  • Núm vú có dấu hiệu chảy dịch bất thường hoặc có chảy máu.

Việc thăm khám sớm sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán tốt hơn và đưa ra phương án điều trị thích hợp. 

5. Chẩn đoán và điều trị khối u vú

Một số phương pháp chẩn đoán và chữa trị cho các trường hợp xuất hiện khối u vú có thể kể đến như:

5.1. Chẩn đoán bệnh lý

  • Chụp X-quang tuyến vú (Mammogram): Chụp hình vú từ nhiều góc độ để tìm thay đổi.
  • Siêu âm vú: Để xem hình ảnh bên trong vú, hỗ trợ xác định tính chất của khối u (đặc hay nang).
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) vú: Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn, đánh giá rõ ràng khối u và các tổn thương khó sờ thấy.
  • Sinh thiết vú là cách lấy một mẫu mô nhỏ từ khối u để kiểm tra dưới kính hiển vi. Thông qua đó, bác sĩ có thể xác định được sự hiện diện của những tế bào ung thư (nếu có). Các loại sinh thiết phổ biến gồm: Sinh thiết kim lõi, sinh thiết lập thể, sinh thiết với thiết bị hút chân không chuyên dụng hoặc phẫu thuật sinh thiết. Sau khi lấy mẫu, các mẫu mô này sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. 

5.2. Phương pháp điều trị

Cách điều trị khối u vú sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, và một số u vú có thể tự biến mất. Một số biện pháp điều trị chính như:

  • Chọc hút dịch: Áp dụng cho các trường hợp u nang vú lớn hoặc gây đau, giúp giảm nhẹ triệu chứng.
  • Phẫu thuật lấy bỏ u lành tính: Áp dụng khi u lành tính gây khó chịu hoặc có kích thước lớn.
  • Trong trường hợp, khối u ở vú được xác định là u ác tính sẽ được điều trị bằng một trong các phương pháp sau:
    • Phẫu thuật: Loại bỏ khối u.
    • Hóa trị: Dùng thuốc tiêu diệt tế bào ung thư.
    • Xạ trị: Dùng tia năng lượng cao tại vùng vú giúp tiêu diệt tế bào u.
    • Liệu pháp sinh học hoặc nội tiết: Các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu vào tế bào ung thư hoặc hormone.

Việc điều trị cụ thể sẽ do bác sĩ quyết định dựa trên chẩn đoán và tình trạng sức khỏe của bạn.

Hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về khối u vú, từ các dạng lành tính cho đến những trường hợp cần đặc biệt lưu ý. Việc phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác đóng vai trò then chốt trong việc điều trị hiệu quả. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe, hãy liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ kiểm tra cụ thể hơn. Để đặt lịch khám, Quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ