Tin tức

U vú ở nữ giới: Nguyên nhân hình thành và cách thức chẩn đoán

Ngày 12/05/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
U vú là bệnh lý dễ gặp ở phụ nữ, nhất là người trong độ tuổi sinh sản. Tìm hiểu về nguyên nhân và các phương pháp chẩn đoán chính xác tính chất lành - ác tính của khối u sẽ giúp nữ giới biết cách phòng ngừa nguy cơ, chủ động bảo vệ sức khỏe. Bài viết sau sẽ giới thiệu về vấn đề này để bạn có thêm thông tin tham khảo.

1. U vú gồm những loại nào?

U vú là khối mô phát triển bất thường trong tuyến vú hoặc mô quanh vú. Khối u khác nhau về kích thước, hình thành ở một hoặc nhiều vị trí khác nhau bên trong vú. U vú được chia thành 2 nhóm chính:

- U vú lành tính: 

Đây là các dạng u mỡ, u xơ, u nhú, một vài loại u nang, không lan ra các mô xung quanh, ít ảnh hưởng đến sức khỏe và thường không chuyển thành ung thư. Khi sờ vào khối u vú lành tính thường thấy di chuyển nhẹ, không dính vào núm vú hoặc da.

- U vú ác tính:

Khối u này hình thành do sự tăng sinh mất kiểm soát của tế bào, có thể xâm lấn và di căn, nguy hiểm đến sự sống. Đặc điểm của khối u vú ác tính là độ rắn chắc, cố định, thường kèm với thay đổi bất thường như chảy dịch vàng hoặc hồng ở núm vú, núm vú tụt sâu vào trong, da vú bị lõm,... 

Hình ảnh mô phỏng các đặc điểm bất thường ở bệnh u vú ác tính

Hình ảnh mô phỏng các đặc điểm bất thường ở bệnh u vú ác tính

2. Nguyên nhân khiến u vú hình thành

Hầu hết các trường hợp xuất hiện Khối u vú thường liên quan đến các yếu tố như:

2.1. Di truyền

Một số trường hợp bị u vú có liên quan đến đột biến gen di truyền như BRCA1, BRCA2. Những người mang đột biến này có nguy cơ phát triển u vú ác tính cao gấp nhiều lần bình thường. Vì thế, những gia đình đã có mẹ, chị hoặc em gái mắc ung thư vú cần lưu tâm tầm soát.

2.2. Rối loạn hormone

Sự mất cân bằng, tăng nồng độ estrogen ở phụ nữ làm tăng nguy cơ hình thành khối u vú. Nguyên nhân gây nên rối loạn hormone này thường là do:

- Sử dụng thuốc hormone sau mãn kinh.

- Rối loạn kinh nguyệt.

- Béo phì khiến mô mỡ sản sinh estrogen, làm tăng kích thích tuyến vú.

Những yếu tố này làm tăng nguy cơ hình thành khối u vú, đặc biệt là u vú ác tính.

2.3. Lối sống và môi trường

Thói quen sinh hoạt vận động ít, hút thuốc và uống bia rượu nhiều, ăn uống thiếu rau xanh, ăn nhiều chất béo bão hòa,... hoặc tiếp xúc nhiều với phóng xạ, hóa chất công nghiệp,... đều góp phần tạo ra gốc tự do, gây đột biến ADN và hình thành khối u vú.

2.4. Các yếu tố khác

- Tuổi tác: Nguy cơ u vú tăng dần theo tuổi, cao nhất ở tuổi mãn kinh và sau mãn kinh.

- Tiền sử bệnh lý vú: Viêm vú mạn tính, xơ nang vú, u nhú ống bên trong.

- Sinh nở và cho con bú: Phụ nữ chưa từng sinh con hoặc sinh con sau 35 tuổi có nguy cơ cao hơn đối với u vú.

Gen di truyền làm tăng nguy cơ dẫn đến sự xuất hiện của khối u vú

Gen di truyền làm tăng nguy cơ dẫn đến sự xuất hiện của khối u vú

3. Các yếu tố giúp đánh giá mức độ nguy hiểm của u vú

Không phải mọi trường hợp bị u vú đều gây nên biến chứng nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm của u vú được đánh giá dựa trên:

- Kích thước khối u: Khối càng lớn, nguy cơ lan rộng càng cao. U nhỏ (< 2 cm) có tiên lượng tốt hơn.

- Tính chất mô học: Kết quả sinh thiết mô xác định mức độ biệt hóa tế bào và chỉ số tăng sinh. Mức độ biệt hóa kém hoặc chỉ số tăng sinh cao thường nguy hiểm hơn.

- Di căn hạch: Xác định qua siêu âm và chọc hút hạch nách. Nếu tế bào ung thư đã di căn hạch nách, khả năng di căn xa tăng cao, tỷ lệ sống giảm.

- Yếu tố cá nhân: Tuổi tác, tiền sử gia đình có người bị ung thư vú, tình trạng sức khỏe cũng ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm và lựa chọn phương pháp điều trị bệnh.

4. Các phương pháp thực hiện trong quá trình chẩn đoán u vú

4.1. Tự khám vú tại nhà 

Để phát hiện sớm các bất thường ở vú, nữ giới có thể tự khám vú tại nhà sau khi sạch kinh 2 - 5 ngày, khi ngực không căng. Trước khi thực hiện thao tác tự khám vú, bạn hãy chuẩn bị một chiếc gương lớn, một chiếc khăn mềm để lau da sau khi khám và dầu massage để bôi lên da, giúp tay dễ dàng thao tác.

Các bước thực hiện quá trình tự khám vú như sau:

- Bước 1: Đứng thẳng trước gương, hai tay buông thõng theo hai bên sau đó đưa hai tay ra sau gáy hoặc đưa lên cao quá đầu rồi quan sát vùng ngực xem có hiện tượng lõm da, thay đổi màu da vùng vú không, có hiện tượng núm vú đỏ hay tụt vào trong không.

- Bước 2: Đưa hai tay chống lên hông, siết chặt cơ ngực rồi quan sát xem có bất thường nào không.

- Bước 3: Dùng mặt dưới của 3 đầu ngón tay giữa di chuyển theo vòng tròn với đường kính bằng chiều ngang của ba ngón tay rồi tiếp tục di chuyển ngón tay từ trên xuống dưới. Động tác này cần được thực hiện lần lượt theo 3 áp lực: áp lực nhẹ để kiểm tra lớp mô gần bề mặt, áp lực trung bình để kiểm tra mô sâu hơn và áp lực mạnh để cảm nhận các mô sâu gần phía xương sườn. Trong quá trình di chuyển ngón tay cần theo dõi để phát hiện khối u.

Mô phỏng thao tác tự khám tại nhà để phát hiện bất thường tuyến vú

Mô phỏng thao tác tự khám tại nhà để phát hiện bất thường tuyến vú 

4.2. Siêu âm vú

Sóng siêu âm có thể phát hiện cấu trúc mô mềm vùng vú, phân biệt được nang dịch và khối đặc, phù hợp để thực hiện ở bệnh nhân có mô vú dày. Phương pháp này được bác sĩ sử dụng đầu tiên khi khám khối u cho phụ nữ dưới 40 tuổi.

4.3. Chụp nhũ ảnh

Đây là phương pháp chụp X-quang vú hai chiều, có thể phát hiện khối u có kích thước nhỏ và tình trạng vôi hóa vú. Kết quả chụp nhũ ảnh cùng với siêu âm sẽ giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán bệnh.

4.4. Chụp MRI vú

Hình ảnh chụp MRI cho phép bác sĩ quan sát chi tiết mô vú để phát hiện tổn thương đa ổ, đánh giá mức độ lan rộng của khối u. Tuy nhiên, đây là phương pháp có chi phí cao và có thể cho kết quả dương tính giả nên chỉ thường được chỉ định cho người nguy cơ cao hoặc kết quả chẩn đoán ban đầu chưa rõ ràng.

4.5. Sinh thiết 

Để xác định chính xác khối u vú có tính chất lành tính hay ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết bằng cách chọc hút kim nhỏ hoặc sinh thiết kim lõi để lấy tế bào khối u gửi đến phòng xét nghiệm. 

Tuy không phải trường hợp mắc u vú nào cũng nguy hiểm nhưng nếu đã có dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của khối u thì người bệnh cần được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa. 

Để quá trình này diễn ra nhanh chóng, nhận kết quả chính xác, quý khách hàng có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Từ khoá: U vú Khối u

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ