Tin tức
Lẹo mắt có lây không? Giải đáp chi tiết từ bác sĩ
- 12/10/2022 | Trẻ bị lẹo mắt: Nguyên nhân, cách chữa trị và phòng ngừa
- 16/01/2023 | Lẹo mắt - nguyên nhân - triệu chứng và biện pháp điều trị
- 14/04/2023 | Lẹo mắt có tự khỏi không - Cách phòng tránh
- 09/06/2023 | Bật mí cách trị lẹo mắt nhanh nhất trong 1 đêm bạn nên biết
- 01/07/2023 | Chích lẹo mắt có đau không? Tự làm tại nhà được không?
- 26/05/2025 | Lẹo mắt có lây không? Giải đáp chi tiết từ bác sĩ
1. Lẹo mắt là gì?
Lẹo mắt là một dạng nhiễm trùng mắt cấp tính ở tuyến bã nhờn quanh lông mi, thường do vi khuẩn Staphylococcus (tụ cầu khuẩn) gây ra. Về triệu chứng của bệnh, đặc trưng bởi sự xuất hiện của nốt đỏ sưng đau ở bờ mi mắt, có thể có mủ và gây cộm, chảy nước mắt nhẹ. Dựa vào đặc điểm về vị trí và tính chất, lẹo mắt được phân thành 2 dạng chính là lẹo trong và lẹo ngoài. Cụ thể:
- Lẹo ngoài: Xuất hiện ở bên ngoài mí mắt, gần chân lông mi. Về triệu chứng, bao gồm: đau, cộm, sưng vùng nhỏ, thường ít ảnh hưởng đến thị lực.
- Lẹo trong: Xuất hiện ở mặt trong mí mắt, thường sưng to và đau hơn.
Với đa số trường hợp bị lẹo mắt, thường tự lành sau một vài ngày. Số ít trường hợp khác có thể bị tái phát hoặc để lại biến chứng nếu không chăm sóc đúng cách.
Lẹo mắt có hai loại chính là lẹo ngoài và lẹo trong
2. Lẹo mắt có lây không?
Lẹo mắt có lây không? Câu trả lời là có. Lẹo mắt có thể lây lan qua tiếp xúc gián tiếp, nhưng mức độ không cao như các bệnh truyền nhiễm thông thường. vi khuẩn tụ cầu có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua:
- Dùng chung khăn mặt, kính mắt, đồ trang điểm với người bị lẹo mắt.
- Chạm tay vào mắt bị lẹo rồi tiếp xúc với người khác mà không rửa tay.
- Vệ sinh cá nhân kém, môi trường sống không sạch sẽ.
Thực tế, không phải ai tiếp xúc với người bị lẹo cũng bị lây bệnh. Mức độ lây lẹo còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như: tình trạng miễn dịch của người tiếp xúc, loại lẹo và mức độ viêm nhiễm. Lẹo dễ lây trong trường hợp vùng da của người tiếp xúc bị tổn thương hoặc vệ sinh mắt không đúng cách.
3. Ai có nguy cơ bị lẹo mắt?
Dưới đây là một số nhóm đối tượng dễ bị lẹo mắt, bao gồm:
- Trẻ nhỏ: Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và hay dụi mắt bằng tay bẩn, nguy cơ bị lẹo mắt sẽ cao hơn các nhóm tuổi khác.
- Người cao tuổi hoặc người có sức đề kháng yếu.
- Người bị rối loạn tuyến bã nhờn quanh mi mắt.
- Người dùng kính áp tròng thường xuyên và không vệ sinh mắt đúng cách.
- Người thường xuyên dùng mỹ phẩm mắt và không vệ sinh kỹ.
- Người có bệnh nền về da như viêm bờ mi, viêm da tiết bã,...
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Lẹo mắt là tình trạng nhiều người gặp phải, thường tự khỏi sau 3 - 7 ngày, nếu chăm sóc đúng cách. Trường hợp lẹo mắt kéo dài và xuất hiện một trong những triệu chứng dưới đây, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn hướng điều trị phù hợp. Cụ thể:
- Nốt lẹo sưng to, đau dữ dội, đau không giảm sau nhiều ngày tái phát bệnh.
- Thị lực bị ảnh hưởng, mắt mờ và chảy mủ nhiều.
- Lẹo tái phát nhiều lần trong thời gian ngắn.
- Mắt xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng lan rộng như: sưng lan lên vùng mí trên và mí dưới; đỏ lan, sốt nhẹ,...
Lưu ý, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc kháng sinh uống khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Điều đó có thể làm tăng tính trầm trọng của bệnh và rất khó để hồi phục. Hơn hết, ngay khi xuất hiện những triệu chứng kể trên, hãy đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể về hướng điều trị và cách chăm sóc.
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nốt lẹo sưng to kèm cơn đau dữ dội
5. Cách phòng bệnh lẹo mắt
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh lẹo mắt bằng một số cách như sau:
- Giữ vệ sinh mắt sạch sẽ: Rửa mặt hàng ngày, tẩy trang kỹ vùng mắt là những bước vệ sinh quan trọng, giúp ngăn ngừa nguy cơ vi khuẩn xâm nhập và gây nên tình trạng lẹo mắt.
- Tránh dụi mắt bằng tay bẩn: Không sờ hoặc dụi mắt khi tay chưa được làm sạch. Nên rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn trước khi chạm vào mắt, đeo kính áp tròng hoặc dùng thuốc nhỏ mắt.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Tuyệt đối không dùng chung đồ dùng cá nhân như: khăn mặt, kính râm, gối ngủ và đồ trang điểm với người khác, vì nó sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lẹo mắt.
- Bảo quản và thay mới đồ trang điểm: Không dùng mỹ phẩm mắt đã quá hạn sử dụng và nên thay đồ makeup (phấn mắt, cọ trang điểm, mascara,...) sau 3 - 6 tháng dùng để ngăn ngừa nguy cơ vi khuẩn xâm nhập và gây lẹo mắt, đặc biệt là nếu bạn là người có cơ địa dễ bị viêm.
- Dinh dưỡng cân bằng: Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh với đầy đủ dưỡng chất như đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất, sẽ giúp bạn có cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng chống lại bệnh tật. Ngoài ra, bạn cần chú ý bổ sung vitamin A, C, E và kẽm, giúp đôi mắt luôn khỏe mạnh và ngăn vi khuẩn xâm nhập.
- Khám mắt định kỳ: Nếu bạn thường xuyên bị lẹo hoặc viêm mí mắt, hãy đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa Mắt để được kiểm tra kỹ hơn.
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin sẽ giúp cải thiện sức khỏe cho mắt
Bài viết trên đây đã giải đáp chi tiết cho câu hỏi lẹo mắt có lây không. Lẹo mắt có thể lây lan qua tiếp xúc gián tiếp khi: dùng chung khăn mặt, kính râm, gối nằm, đồ trang điểm với người bị lẹo mắt; vệ sinh mắt kém, môi trường sống không sạch sẽ. Để phòng tránh bệnh lẹo mắt, bạn cần lưu ý: vệ sinh mắt sạch sẽ, tránh dụi mắt bằng tay bẩn, không dùng chung đồ cá nhân, chế độ dinh dưỡng cân bằng và thăm khám sức khỏe mắt định kỳ.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc liên quan hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe mắt, có thể liên hệ Tổng đài MEDLATEC 1900 56 56 56 để được giải đáp nhanh chóng và đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa Mắt.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
