Tin tức

Một số biện pháp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà

Ngày 16/08/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, căn bệnh có thể lây nhiễm cho bất cứ ai, bất kể ở độ tuổi nào và có thể khiến chính bạn hay người thân của bạn nhiễm bệnh. Vì vậy, việc tìm hiểu và trang bị sẵn kiến thức về các biện pháp chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý tốt, sẵn sàng bảo vệ sức khỏe của mình cùng những người thân yêu.

1. Tóm lược thông tin về COVID-19

Đây là một loại virus gây nhiễm khuẩn đường hô hấp, gồm có 7 chủng loại, 2 trong số đó từng gây ra dịch bệnh lớn trong quá khứ chính là MERS - CoV và SARS - CoV. Loại virus chúng ta đang đối mặt hiện nay có tên là là SARS-CoV-2 . Nó đã khiến hàng triệu người trên thế giới nhiễm và tử vong, trong đó bao gồm có Việt Nam.

Nên chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà như thế nào trước tình hình phức tạp của dịch bệnh hiện nay?

Nên chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà như thế nào trước tình hình phức tạp của dịch bệnh hiện nay?

Loại virus này có khả năng lây truyền trong không khí, chúng theo các giọt bắn xuất phát từ người bệnh đến người lành. Nếu bạn có sự tiếp xúc gần với người bệnh, hoặc chạm, bắt tay với người bệnh rất có khả năng sẽ bị nhiễm. Ngoài ra chúng có thể bám trên các vật dụng người bệnh từng chạm phải (như tay nắm cửa, nút bấm, lan can cầu thang,…), vô tình người lành chạm phải cũng có thể nhiễm bệnh. 

Hình ảnh minh họa triệu chứng mắc bệnh do virus COVID-19 gây ra, gồm có ho, khó thở, đau đầu, mất khứu giác và sốt cao (trên 37,5 độ C)

Hình ảnh minh họa triệu chứng mắc bệnh do virus COVID-19 gây ra, gồm có ho, khó thở, đau đầu, mất khứu giác và sốt cao (trên 37,5 độ C)

2. Nên chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà như thế nào?

Chuẩn bị không gian nơi ở

  • Không gian nơi ở cho người bệnh cần được đảm bảo sạch sẽ, tách biệt khỏi các thành viên trong gia đình để tránh lây nhiễm cho người thân. Nếu có thể, người bệnh nên sống trong phòng tách biệt và dùng nhà vệ sinh riêng. Trong trường hợp ngược lại, hãy đánh dấu không gian riêng cho người bệnh cách xa những người khác tối thiểu 2m.

  • Khử khuẩn nơi ở và đồ dùng cá nhân cho bệnh nhân thường xuyên làm sạch riêng với dung dịch sát khuẩn. Nên để người bệnh tự làm nếu triệu chứng chưa quá nặng nề. Trong trường hợp cần sự giúp đỡ, người chăm sóc cần trang bị đầy đủ các vật dụng phòng hộ (găng tay, khẩu trang, ủng, áo bảo hộ,…).

  • Có đầy đủ các vật dụng đáp ứng những nhu thiết yếu cơ bản thức ăn, nước uống, đèn điện, thùng rác riêng,… để giúp người bệnh có thể sinh hoạt bình thường. Các thành viên trong gia đình cũng không nên sử dụng lại các vật dụng của người bệnh.

  • Giúp phòng thông thoáng bằng cách mở cửa sổ trong khoảng 10 phút, cách nhau khoảng 1 - 2 tiếng/lần.

Theo dõi các dấu hiệu sức khỏe

  • Hãy gọi ngay vào đường dây nóng địa phương khi phát hiện người thân trong gia đình mắc phải các triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác,…).

  • Tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe.

  • Chuẩn bị một số thiết bị và vật dụng cần thiết trong việc chăm sóc người bệnh (như nhiệt kế, máy đo nhiệt độ, thiết bị test nhanh,…).

  • Kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày. Luôn nhớ rửa tay và rửa nhiệt kế sau khi sử dụng với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

  • Cho đến nay, loại virus này vẫn chưa có loại thuốc đặc trị, nên việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà chỉ có thể sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng như giảm sốt, vitamin bổ sung,… Tuy nhiên, việc sử dụng bừa bãi ngược lại có thể ảnh hưởng đến tình trạng của bệnh nhân, vì vậy hãy tuân theo chỉ định và dặn dò của bác sĩ.

  • Nếu các triệu chứng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến các bệnh lý có sẵn từ trước (nếu có), nhất là đối với người già và trẻ em, hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để có áp dụng hướng điều trị thích hợp.

Dinh dưỡng

  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho người bệnh (lipid, glucid, protid, vitamin và chất khoáng). Nếu người bệnh biếng ăn, hãy chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, băm nhỏ thức ăn để quá trình tiêu hóa thuận lợi hơn.

  • Bệnh nhân cần uống nhiều nước để cơ thể tự tái tạo và đào thải các tác nhân gây hại. Bạn có thể sử dụng nước trái cây, sữa chua, trà thảo dược (gừng, atiso, hoa cúc, sen,…) giúp người bệnh tăng sức đề kháng và cảm thấy ngon miệng hơn.

  • Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà, nên để người bệnh dùng bữa riêng, với bộ chén đũa riêng nếu các vấn đề sức khỏe chưa quá nghiêm trọng. Lưu ý khử khuẩn cho vật dụng ngay sau khi sử dụng. Nếu người bệnh quá yếu không thể tự ăn uống được, người chăm sóc cần trang bị đầy đủ các vật dụng bảo hộ và rửa tay sát khuẩn cả trước và sau khi chăm sóc người bệnh.

  • Để tránh các tác động bất lợi đến tình trạng sức khỏe, người bệnh cần tránh xa các loại chất kích thích như thuốc lá, shisa, pod, bia, rượu,…

Chú ý bổ sung nhiều các loại rau củ quả giúp bệnh nhân giảm cảm giác chán ăn mà còn hỗ trợ sức đề kháng được tốt hơn

Chú ý bổ sung nhiều các loại rau củ quả giúp bệnh nhân giảm cảm giác chán ăn mà còn hỗ trợ sức đề kháng được tốt hơn

Vận động

Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ nhàng tại giường nếu triệu chứng khó thở không quá nghiêm trọng. Bạn có thể thực hiện một vài động tác xoay trở tư thế, co duỗi chân tay, hoặc một vài động tác yoga đơn giản, hay đi bộ quanh phòng. 

Tinh thần

Tâm lý hoang mang, lo lắng khi mắc bệnh không thể tránh khỏi. Vì vậy, các thành viên trong gia đình nên dành nhiều thời gian tâm sự, động viên, giúp người bệnh luôn giữ thái độ lạc quan và kiên trì vượt qua căn bệnh nguy hiểm này.

3. Một số lưu ý đối với những người khác trong gia đình

  • Luôn mang khẩu trang, kể cả đang ở trong nhà.

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng hay các loại dung dịch sát khuẩn, tránh chạm tay đến mắt, mũi, miệng hay các vùng da có tổn thương.

  • Cố gắng giữ khoảng cách với người bệnh, hạn chế mọi sự tiếp xúc không cần thiết.

  • Cố gắng hạn chế ra khỏi nhà hay đến các khu vực đông người để tránh sự lây lan virus ra cộng đồng. Nên mua sắm các vật dụng cần thiết thông qua các dịch vụ trực tuyến hoặc nhờ người mua hộ. Chú ý giữ khoảng cách an toàn khi giao nhận hàng hóa.

  • Thường xuyên vệ sinh nhà ở bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là những nơi thường xuyên chạm tay vào (tay nắm cửa, bàn, ghế,…).

  • Nếu vì một số lý do sức khỏe không thể đeo khẩu trang mọi lúc, nên chú ý nhắc nhở người bệnh và các thành viên trong gia đình luôn che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi. Đồng thời vứt bỏ ngay khăn giấy đã qua sử dụng và rửa tay thật kỹ.

  • Khi phát hiện bản thân có những triệu chứng bất thường. Hãy gọi ngay cho đường dây nóng tại địa phương để nhận được sự hỗ trợ thích hợp.

chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà cần tuân thủ hướng dẫn phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế

Tuân thủ hướng dẫn phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế nhằm bảo vệ sức khỏe của chính bạn

Trên đây là những lưu ý trong việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà, giúp người nhiễm nhanh chóng hồi phục sức khỏe và tránh lây lan cho người thân. Trường hợp bệnh tình chuyển biến nặng, người nhà cần gọi ngay đến hotline của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế theo số điện thoại 1900 3228/ 1900 9095. Các bộ y tế sẽ đưa ra tư vấn hoặc trực tiếp hỗ trợ ứng phó.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.