Tin tức
Một số điều nên biết về thiếu máu cơ tim
- 16/07/2024 | Thiếu máu hồng cầu nhỏ và những tác động đối với sức khỏe
- 01/01/2024 | Nguyên nhân gây ra thiếu máu và cách chẩn đoán
- 08/10/2024 | Bệnh tim thiếu máu cục bộ: triệu chứng nhận diện và cách thức chẩn đoán
1. Thiếu máu cơ tim là như thế nào?
Để đảm bảo ổn định hoạt động, tim cần được cung cấp đủ lượng máu giàu oxy. Nếu mạch máu đến nuôi tim bị tắc nghẽn hoặc hẹp lại do xơ vữa động mạch, lượng máu chảy vào tim bị giảm, cơ tim bị thiếu oxy từ đó sinh ra thiếu máu cơ tim.
Do máu không đủ nuôi tim nên người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng: đau tức ở ngực, khó thở, thậm chí có thể suy hô hấp, ngừng tim. Đây là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến và nguy hiểm hàng đầu, thường xuất hiện ở những người lớn tuổi và người có lối sống không lành mạnh.
Hình ảnh minh họa về xơ vữa động mạch gây thiếu máu cơ tim
2. Tại sao bị thiếu máu cơ tim?
- Xơ vữa động mạch
Đây là nguyên nhân chính gây thiếu máu cơ tim. Xơ vữa động mạch xảy ra do có sự tích tụ mảng bám cholesterol trên thành động mạch, khiến cho động mạch bị hẹp lại, lưu lượng máu đến cơ tim bị cản trở.
- Huyết khối
Khuyết khối có thể hình thành trên mảng xơ vữa và trở thành nguyên nhân gây tắc nghẽn dòng máu đến nuôi tim. Nếu cục máu đông này gây bít tắc hoàn toàn và máu không thể đến nuôi tim được, người bệnh sẽ bị nhồi máu cơ tim.
- Co thắt động mạch vành
Co thắt động mạch vành là tình trạng co thắt đột ngột của các động mạch vành làm giảm lượng máu chảy đến cơ tim. Tình trạng này thường liên quan đến các yếu tố như hút thuốc, stress, biến cố tinh thần, dùng chất kích thích,...
- Các yếu tố nguy cơ
+ Tăng huyết áp làm tổn thương mạch máu, tạo điều kiện cho xơ vữa động mạch phát triển.
+ Hút thuốc lá khiến cho lượng oxy trong máu giảm, mạch máu bị tổn thương.
+ Béo phì tạo gánh nặng cho tim và dễ dẫn đến các bệnh lý tim mạch.
+ Lười vận động làm tăng nguy cơ hình thành các mảng bám cholesterol.
+ Tiểu đường khiến mạch máu bị tổn thương và tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim.
3. Triệu chứng nhận diện thiếu máu cơ tim
3.1. Đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim thường xảy ra ở vùng giữa ngực hoặc hơi lệch sang bên trái tạo cảm giác giống như ngực đang bị chèn ép hoặc bóp chặt. Đôi khi, đau thắt ngực có thể lan sang các khu vực khác như cánh tay trái, cổ, lưng hoặc hàm dưới. Cơn đau có thể kéo dài vài phút và thường xuất hiện khi gắng sức hoặc gặp stress, sau đó giảm dần khi người bệnh được nghỉ ngơi.
Đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim thường xuất hiện từng cơn, có thể biến mất sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện đột ngột và dữ dội hơn, đó có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim - tình trạng cấp cứu cần được can thiệp ngay lập tức.
Người bị thiếu máu cơ tim thường có những cơn đau thắt ngực khó chịu
3.2. Khó thở
Khó thở là triệu chứng dễ gặp ở những người bị thiếu máu cơ tim. Khi lượng máu và oxy cung cấp không đủ cho hoạt động của cơ tim thì tim không thể bơm máu hiệu quả đến các cơ quan trong cơ thể, kết quả là người bệnh bị khó thở, nhất là khi gắng sức hoặc hoạt động mạnh.
Cảm giác khó thở do thiếu máu cơ tim cũng có thể xuất hiện khi thực hiện các hoạt động hàng ngày như leo cầu thang, đi bộ nhanh hoặc thậm chí ngay cả trong lúc người bệnh đang nghỉ ngơi.
3.3. Mệt mỏi
Mệt mỏi là một triệu chứng dễ bị bỏ qua nhưng lại rất phổ biến ở người bị thiếu máu cơ tim. Tình trạng này xuất phát từ việc tim không được nhận đủ máu giàu oxy để đảm bảo hoạt động bình thường. Vì thế, ngay cả khi đang không tham gia vào hoạt động gắng sức nào, người bệnh vẫn dễ cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi. Mệt mỏi ở người bị thiếu máu cơ tim có xu hướng trở nên tồi tệ hơn khi bệnh tiến triển theo chiều hướng nghiêm trọng.
Cảm giác mệt mỏi do thiếu máu cơ tim khác với mệt mỏi thông thường, bởi nó không cải thiện sau khi nghỉ ngơi và thường đi kèm với khó thở và đau thắt ngực. Người bệnh có thể cảm thấy khó tập trung, mất năng lượng và giảm sút hiệu suất công việc.
3.4. Nhịp tim không đều
Nhịp tim không đều hoặc tim đập nhanh, chậm bất thường cũng được xem là triệu chứng thiếu máu cơ tim. Do cơ tim không được cung cấp đủ máu nên người bệnh dễ gặp các triệu chứng rối loạn nhịp tim như: tim đập nhanh, mạnh, loạn nhịp,... Tình trạng này thường xuất hiện khi người bệnh đang trong trạng thái nghỉ ngơi hoặc sau khi tham gia hoạt động thể chất.
3.5. Đổ mồ hôi lạnh
Người bị thiếu máu cơ tim cũng có thể bị đổ mồ hôi lạnh dù đang ở trong điều kiện nhiệt độ mát mẻ hoặc khi không vận động. Triệu chứng này nếu kèm theo đau ngực, khó thở thì cần cảnh giác trước nguy cơ nhồi máu cơ tim. Tốt nhất người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám ngay.
Duy trì ổn định huyết áp có thể giúp phòng ngừa thiếu máu cơ tim
4. Phương pháp phòng ngừa thiếu máu cơ tim
Một số biện pháp sau có thể giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu cơ tim:
- Duy trì huyết áp ổn định bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và tránh stress.
- Kiểm soát cholesterol trong máu thông qua chế độ ăn uống và thuốc (nếu cần) để ngăn ngừa sự hình thành xơ vữa động mạch.
- Ổn định chỉ số đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường.
- Vận động hàng ngày với các bài tập vừa sức để duy trì sức khỏe tim mạch, cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim.
Thiếu máu cơ tim có thể phòng ngừa và điều trị tốt nếu bệnh được phát hiện sớm. Việc duy trì lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp bảo vệ trái tim khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc phải bệnh lý này.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn thao tác đặt lịch nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!