Tin tức
Bệnh tim thiếu máu cục bộ: triệu chứng nhận diện và cách thức chẩn đoán
- 29/02/2024 | Suy tim cấp: hiểu rõ để xử trí kịp thời
- 21/08/2024 | Tìm hiểu chi tiết về các cấp độ NYHA suy tim và phương pháp điều trị
- 22/08/2024 | CCS tim mạch (hội chứng động mạch vành mạn): triệu chứng và hướng phòng ngừa hiệu quả
1. Bệnh tim thiếu máu cục bộ là như thế nào?
Tim thiếu máu cục bộ là tình trạng tim không nhận đủ oxy do lưu lượng máu đến tim bị giảm sút đột ngột. Thông thường, tình trạng này xảy ra do động mạch tim bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ.
Do khả năng bơm máu của tim bị giảm sút nên người bệnh có thể gặp tình trạng rối loạn nhịp tim hoặc xuất hiện cơn đau tim.
Người bị bệnh tim thiếu máu cục bộ thường có những cơn đau giữa ngực như bị chèn ép
Có 2 dạng tồn tại của bệnh tim thiếu máu cục bộ là:
- Tim thiếu máu cục bộ cấp tính: Xảy ra khi có sực tắc nghẽn đột ngột ở một trong các động mạch của tim. Nếu bệnh diễn tiến theo chiều hướng nghiêm trọng có thể khiến người bệnh bị đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim.
- Tim thiếu máu cục bộ mạn tính: Hiểu đơn giản là sự xuất hiện của các cơn đau thắt ngực hoặc bệnh động mạch vành ổn định.
Đau thắt ngực ổn định xảy ra ở ngực khi có hành động gắng sức. Cơn đau này chỉ xuất hiện một thời gian ngắn, sau khi người bệnh nghỉ ngơi, cơn đau sẽ giảm dần.
Các mảng xơ vữa phát triển ổn định trong động mạch vành gây nên bệnh động mạch vành ổn định. Nếu những mảng này bị nứt vỡ thì lòng động mạch dễ bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn lưu thông máu từ đó gây nên hội chứng vành cấp. Hội chứng này được điều trị ổn định sẽ gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính.
2. Các triệu chứng giúp nhận diện bệnh tim thiếu máu cục bộ
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự tắc nghẽn mạch máu mà triệu chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ ở bệnh nhân sẽ có sự khác nhau. Trong đó, thường gặp nhất là:
2.1. Đau thắt ngực
Đau thắt ngực là triệu chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ thường gặp nhất. Cơn đau có thể xuất hiện ở vùng ngực, thường được mô tả với cảm giác đau tức ở ngực giống bị ép chặt hoặc bị đè nén. Đau thắt ngực có thể lan rộng ra vai, cánh tay, lưng.
2.2. Khó thở
Nếu cơ tim không nhận đủ oxy, người bệnh thường cảm thấy khó thở, nhất khi vận động hoặc gắng sức. Khó thở cũng có thể xảy ra khi nghỉ ngơi nếu bệnh tim thiếu máu cục bộ tiến triển nặng.
2.3. Mệt mỏi bất thường, rối loạn nhịp tim
Người bệnh tim thiếu máu cục bộ thường cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, đặc biệt sau các hoạt động thể chất nhẹ. Tình trạng mệt mỏi cũng có thể là kết quả của rối loạn nhịp tim - triệu chứng khác của tim thiếu máu cục bộ. Người bệnh có thể cảm thấy tim đập nhanh, loạn nhịp hoặc cảm giác như tim đập lỡ nhịp.
Người bị bệnh tim thiếu máu cục bộ rất dễ gặp tình trạng rối loạn nhịp tim
2.4. Ngất xỉu
Bệnh tim thiếu máu cục bộ càng tiến triển nghiêm trọng thì lưu lượng máu đến tim càng nhanh chóng bị giảm sút. Đây chính là lý do khiến cho người bệnh gặp phải tình trạng đột nhiên ngất xỉu.
3. Chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ bằng cách nào?
3.1. Chẩn đoán lâm sàng
Đối với bệnh nhân có triệu chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ, trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để đưa ra những chẩn đoán lâm sàng ban đầu:
- Kiểm tra huyết áp, nhịp tim.
- Hỏi thăm người bệnh về các triệu chứng lâm sàng mà họ đang trải qua.
- Hỏi thông tin tiền sử bệnh lý cá nhân, bệnh lý gia đình, nhất là các bệnh lý liên quan có nguy cơ gây nên bệnh tim mạch.
3.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định kiểm tra cần thiết để có căn cứ đưa ra chẩn đoán cận lâm sàng giúp xác định bệnh tim thiếu máu cục bộ:
- Điện tâm đồ: Phát hiện các rối loạn nhịp tim, tổn thương ở cơ tim.
- Siêu âm tim: Cung cấp hình ảnh chi tiết về chức năng, cấu trúc tim để bác sĩ có căn cứ đánh giá mức độ tổn thương tim do thiếu máu.
- Nghiệm pháp gắng sức: Xác định thiếu máu cơ tim cục bộ, đánh giá mức độ bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
- Chụp CT mạch vành: Xác định mức độ tắc nghẽn mạch vành.
- Chụp động mạch vành: Đánh giá và cân nhắc khả năng can thiệp y khoa đối với từng ca bệnh cụ thể.
- Xét nghiệm máu: Tìm kiếm dấu ấn sinh học liên quan đến bệnh tim như cholesterol, đường huyết, men tim,...
Người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ nếu không được điều trị hiệu quả sẽ dễ phải đối mặt với các nguy cơ biến chứng: rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...
Theo dõi sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tim thiếu máu cục bộ
4. Phòng ngừa và kiểm soát biến chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ bằng cách nào?
Một số biện pháp sau có thể giúp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ gặp phải biến chứng do bệnh tim thiếu máu cục bộ:
- Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Ổn định các chỉ số huyết áp, cholesterol, đường huyết và duy trì cân nặng hợp lý.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc và thực phẩm giàu omega-3.
- Tập thể dục thường xuyên: Tối thiểu 30 phút/ngày để bảo vệ tim mạch và tổng trạng sức khỏe.
- Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia: Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
- Thực hiện theo phác đồ điều trị các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, huyết áp là nguyên nhân gây tim thiếu máu cục bộ do bác sĩ chỉ định.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Nhận diện sớm các triệu chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ để chẩn đoán, thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ sẽ giúp kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ, nhất là với những người có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch cũng được khuyến nghị thực hiện đều đặn để kịp thời phát hiện và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC có thể liên hệ đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!