Tin tức
Nguyên nhân nào gây bí tiểu sau sinh và phải làm sao để khắc phục hiệu quả?
- 28/10/2021 | Vì sao sản phụ dễ bị bí tiểu và cách điều trị bí tiểu sau sinh?
- 02/06/2021 | Bí tiểu sau sinh có nguy hiểm không? Cách khắc phục thế nào?
- 27/02/2021 | Tìm hiểu về bệnh bí tiểu và mức độ nguy hiểm của nó
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bí tiểu sau sinh
Sau sinh từ 3 đến 4 tiếng trở lên, tuy đã có cảm giác buồn tiểu, muốn đi tiểu nhưng người mẹ lại không thể tiểu được. Đồng thời, khám lâm sàng cho thấy vùng bụng của người mẹ mềm, khối tử cung đàn hồi tốt và xuất hiện khối cầu bàng quang, có cảm giác căng tức khi ấn bụng.
Sau khi chườm ấm bụng, phụ nữ vẫn bị bí tiểu
Sau khi được hướng dẫn đi tiểu và dùng biện pháp chườm ấm vùng dưới rốn để dễ đi tiểu nhưng người mẹ vẫn không thể đi tiểu được. Để càng lâu thì mức độ căng tức bụng sẽ càng tăng lên, bệnh nhân cảm thấy rất khó chịu.
Dù là sinh thường hay sinh mổ vẫn có thể gặp phải tình trạng bí tiểu sau sinh với những lý do dưới đây:
- Đối với những trường hợp sinh thường: Trong quá trình chuyển dạ, đầu của bé có thể đè vào cổ bàng quang hoặc niệu đạo của mẹ khiến cho bàng quang có thể bị giãn hoặc căng hơn bình thường gây mất trương lực, co thắt cơ cổ bàng quang. Đó chính là nguyên nhân khiến phụ nữ dù có cảm giác buồn tiểu nhưng rất khó tiểu.
Phải rạch và khâu tầng sinh môn chính là nguyên nhân khiến người mẹ bị đau và rất sợ phải rặn tiểu
Hơn nữa, Một số trường hợp người mẹ bị cắt tầng sinh môn trong quá trình chuyển dạ để thai nhi có thể ra ngoài dễ dàng hơn. Khi người mẹ đã vượt cạn thành công, các bác sĩ sẽ khâu tầng sinh môn và tình trạng sưng nề vết khâu chính là nguyên nhân khiến người mẹ bị đau và rất sợ phải rặn tiểu.
- Đối với những trường hợp sinh mổ: Khi sinh mổ, người phụ nữ cần được tiến hành gây tê tủy sống. Trong các loại thuốc gây tê tủy sống có hàm lượng Bupivacain, Fentanyl có nguy cơ gây bí tiểu. Do đó, nhiều trường hợp bị bí tiểu sau sinh là vì những thành phần trong các loại thuốc gây tê. Tuy nhiên, để có được kết luận chắc chắn, cần phải đợi thuốc hết tác dụng. Một số trường hợp sinh mổ có thể bị tổn thương bàng quang và gây ra tình trạng bí tiểu.
- Bên cạnh đó, những trường hợp sinh con lần đầu, chuyển dạ kéo dài, đang bị viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc đã từng bị bệnh về đường tiết niệu từ trước đó,… sẽ có nguy cơ bí tiểu sau sinh cao hơn.
2. Khắc phục tình trạng bí tiểu sau sinh như thế nào?
Để khắc phục tình trạng bí tiểu sau sinh, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc như hướng dẫn người bệnh tập để lấy lại phản xạ đi tiểu, sử dụng kháng sinh để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng, dùng thuốc kháng viêm để chống phù nề, hỗ trợ tăng trương lực bàng quang để bàng quang có thể co bóp trở lại bình thường,…
-
Tập đi tiểu
Đối với những trường hợp bị bí tiểu sau khi sinh, việc đầu tiên cần làm đó là tập đi tiểu. Người bệnh cần tập đi tiểu theo tư thế tự nhiên, đặc biệt cần tránh thói quen nhịn tiểu vì sợ đau.
Bên cạnh việc tập đi tiểu, người bệnh có thể vận động đi lại nhẹ nhàng, kết hợp với chườm ấm bụng hoặc rửa vùng âm hộ bằng nước ấm. Lưu ý vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng âm hộ.
Tập đi tiểu sau sinh là rất cần thiết
-
Thông tiểu
Trong trường hợp đã tập đi tiểu hoặc chườm ấm bụng mà vẫn không thể đi tiểu, bệnh nhân cần đặt sonde tiểu. Sau đó, người bệnh sẽ phải tập rặn tiểu qua sonde, tạo lại phản xạ đi tiểu, đến khi tiểu được mới rút sonde.
Việc thông tiểu rất dễ gây nhiễm trùng nên cần phải chú ý những điều sau:
+ Dụng cụ sonde tiểu cần được vô khuẩn tuyệt đối để tránh nhiễm trùng.
+ Thực hiện đặt thông tiểu theo đúng quy trình.
+ Dùng sonde tiểu với kích cỡ phù hợp, nếu kích cỡ quá lớn có thể gây tổn thương hoặc phù nề.
+ Khi thực hiện đặt sonde tiểu cần nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương đường tiết niệu của người bệnh.
+ Trong trường hợp cần lấy nước tiểu để xét nghiệm cần lấy nước tiểu giữa dòng.
+ Không lưu sonde quá 48 giờ nếu không có chỉ định của bác sĩ.
+ Không thông tiểu nhiều lần trong ngày.
+ Không rút hết nước tiểu trong bàng quang để tránh tình trạng giảm áp lực đột ngột gây chảy máu trong bàng quang.
+Trong và sau khi thông tiểu cần theo dõi cẩn thận, nếu có bất thường cần liên hệ với bác sĩ để được xử trí sớm.
-
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể được kê với trường hợp phụ nữ bị bí tiểu sau sinh là:
+ Thuốc khánh sinh chống nhiễm trùng
+ Dùng thuốc kháng viêm
+ Thuốc hỗ trợ tăng trương lực bàng quang với mục đích giúp bàng quang có thể co thắt bình thường.
+ Bên cạnh những loại thuốc kể trên, bệnh nhân có thể được kết hợp sử dụng một số loại vitamin B1, B6 và B12 để tăng cường sức khỏe, giúp cải thiện sớm tình trạng bí tiểu.
3. Phải làm sao để phòng tránh nguy cơ bí tiểu sau sinh?
Để phòng tránh tình trạng bí tiểu sau sinh, chị em cần chú ý những điều sau:
- Vận động nhẹ nhàng sau sinh.
- Uống nước sau sinh.
- Không nên nhịn tiểu, nhất là với những trường hợp phải cắt và khâu tầng sinh môn.
- Nên tập đi tiểu.
- Vệ sinh vùng kín bằng nước ấm.
- Tránh làm nhiễm trùng vết khâu tầng sinh môn.
- Bổ sung dinh dưỡng để sớm hồi phục sức khỏe.
Nếu bị đau rát, tiểu ra máu cần được điều trị kịp thời để tránh hậu quả nghiêm trọng
Lưu ý, nếu xuất hiện tình trạng bí tiểu kèm theo triệu chứng đau, nóng rát, tiểu ra máu hoặc không muốn tiểu, người bệnh cần được điều trị sớm để phòng tránh biến chứng nghiêm trọng.
Tình trạng bí tiểu sau sinh cần được phát hiện và điều trị sớm. Bạn có thể liên hệ tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết hơn.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ y tế tin cậy của nhiều gia đình. Đội ngũ bác sĩ sản phụ khoa nhiều năm kinh nghiệm chính là ưu thế vượt trội tại MEDLATEC, do đó, các bà mẹ có thể yên tâm khi điều trị tại đây.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!