Tin tức

Nhớ nhanh dấu hiệu tăng huyết áp để tự bảo vệ mình

Ngày 05/06/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tăng huyết áp là một bệnh lý rất thường thấy, trở thành nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hại cho sức khỏe và tính mạng như: suy thận, tim mạch, tai biến mạch máu não, mù lòa,... Ghi nhớ ngay dấu hiệu tăng huyết áp sau đây là cách giúp bạn chủ động và kịp thời có phương án bảo vệ cho chính mình trước các biến chứng không đáng có.

1. Nguyên nhân nào làm tăng huyết áp

Tăng huyết áp (huyết áp cao) là trình trạng máu phải lưu thông với áp lực tăng một cách liên tục. Ở những người bình thường huyết áp trong khoảng 120/80 mmHg. Người có nguy cơ với huyết áp cao thì chỉ số này trong khoảng 120 - 139/80 - 89 mmHg và có nguy cơ cao với huyết áp cao khi trong khoảng 140/90 mmHg.

Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp ở người trưởng thành không xác định được nguyên nhân, có khoảng 10% bệnh nhân mắc bệnh là do:

dấu hiệu tăng huyết áp ở người béo phì

Người mắc bệnh béo phì rất dễ bị tăng huyết áp

- Sự tăng lên của tuổi tác.

- Yếu tố cân nặng tăng bất thường.

- Ăn mặn trong thời gian dài làm tăng hấp thu nước vào trong máu.

- Ăn quá nhiều chất béo, nhất là chất béo bão hòa. 

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh cao huyết áp.

- Ít luyện tập thể thao.

- Mắc các bệnh lý mãn tính.

- Thường xuyên uống rượu bia.

- Căng thẳng tâm lý trong thời gian dài.

- Tác dụng phụ do một số loại thuốc gây ra.

- Nhiễm độc thai kỳ.

2. Thận trọng với những biến chứng do tăng huyết áp

2.1. Vì sao tăng huyết áp là bệnh nguy hiểm

Sở dĩ nói tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm là bởi:

- Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp cao và có xu hướng ngày càng tăng nhanh không chỉ ở nước ta mà còn cả trên toàn thế giới.

- Bệnh lý này gây nên nhiều biến chứng với những hậu quả rất nặng nề cho người bệnh nói riêng và toàn xã hội nói chung như: suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc mạch máu não, mù lòa, suy thận,...

- Các dấu hiệu tăng huyết áp thường rất nghèo nàn khi nó chưa vào giai đoạn biến chứng nên bệnh nhân thường chủ quan, ít tuân thủ nghiêm túc chỉ định điều trị dẫn đến tỷ lệ biến chứng rất cao.

2.2. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp

Sở dĩ ghi nhớ dấu hiệu tăng huyết áp để xử lý kịp thời được xem là việc làm cần thiết vì bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

- Suy tim: một thời gian dài tim phải làm việc quá sức để bơm máu nuôi cơ thể nên bị to và yếu đi. 

- Nhồi máu cơ tim và đột quỵ: người bị tăng huyết áp có nguy cơ xơ vữa động mạch cao, thành mạch bị xơ cứng nên dễ bị cơn đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

- Suy thận: do tăng huyết áp thường xuyên và kéo dài làm hẹp các mạch máu trong thận nên dễ bị suy thận. 

- Phình động mạch: người bị cao huyết áp có thể bị phình động mạch từ đó gây chảy máu nội bộ nguy hiểm đến tính mạng.

- Hội chứng chuyển hóa: tăng huyết áp dễ mắc các rối loạn chuyển hóa như tăng nồng độ insulin, giảm HDL-C, tăng vòng eo,…

- Biến chứng não: động mạch bị thu hẹp do tăng huyết áp dễ dẫn đến mất trí nhớ, nhồi máu não và xuất huyết não.

- Xuất huyết võng mạc: các vấn đề về thị lực do mạch máu trong mắt bị vỡ ra, nặng nhất có thể bị mù hoàn toàn.

3. Những dấu hiệu tăng huyết áp cần chú ý

3.1. Các dấu hiệu tăng huyết áp

Như đã nói ở trên, dấu hiệu tăng huyết áp khi chưa xảy ra biến chứng là tương đối nghèo nàn nên người bệnh thường phát hiện bị bệnh một cách tình cờ. Có một số dấu hiệu có thể gặp ở một số người như:

- Chảy máu mũi: do huyết áp tăng cao một cách đột ngột nên người bệnh bị chảy máu mũi nhiều và khó ngưng. Thường thì dấu hiệu này xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh.

- Xuất huyết: có vệt máu ở trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc.

- Tê hoặc ngứa râm ran chân tay: thường thì đây là dấu hiệu tăng huyết áp gây đột quỵ. Những trường hợp tăng huyết áp thường xuyên và không được kiểm soát có thể gây tê liệt dây thần kinh trong cơ thể và sinh ra hiện tượng chân tay có cảm giác tê hoặc ngứa râm ran.

Các dấu hiệu tăng huyết áp ở một số người 

Các dấu hiệu tăng huyết áp ở một số người 

- Buồn nôn và nôn: dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với rất nhiều bệnh lý khác nên khó nhận diện và dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, khi nó xuất hiện kèm theo hiện tượng khó thở, nhìn mờ thì có thể là đang bị tăng huyết áp.

- Choáng váng, chóng mặt: khi triệu chứng này xuất hiện đột ngột thì nó cũng có thể cảnh báo bệnh tăng huyết áp.

3.2. Cách thức xác định chính xác có bị tăng huyết áp hay không

Khi nghi ngờ có dấu hiệu tăng huyết áp, để nhận biết chính xác, tốt nhất nên đo huyết áp. Huyết áp tối thiểu được xác định là >90 mmHg và huyết áp tối đa được xác định là >140mmHg. Để đo huyết áp đúng cần:

- Người bệnh ở trong trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn (ít nhất 5 phút trước khi đo) đồng thời không dùng các chất kích thích dễ ảnh hưởng đến huyết áp như: cà phê, trà, thuốc lá, thuốc lào,...

- Các lần đo huyết áp phải cách nhau 10 - 15 phút, trung bình cộng của 2 lần đo được tính là giá trị huyết áp.

- Giữ tư thế ngồi thẳng lưng, tay ngang tim, chân không bắt chéo.

- Không làm việc riêng khi đang đo huyết áp.

Xin nhắc lại một lần nữa rằng không phải với ai các dấu hiệu tăng huyết áp cũng rõ ràng vì thế cần hết sức cảnh giác với bệnh lý này. Nếu bạn là người có nguy cơ hoặc đang mắc bệnh, hãy tìm đến bác sĩ để có biện pháp kiểm soát chỉ số huyết áp của mình. Việc dùng thuốc khi điều trị bệnh cần phải kiên trì mới thấy được hiệu quả nên chớ nôn nóng. Nếu đã được bác sĩ kê thuốc và sử dụng đúng chỉ định mà chỉ số huyết áp không trở về như bình thường, hãy đến gặp bác sĩ trao đổi để có được một hướng điều trị hiệu quả hơn.

Biến chứng do tăng huyết áp là không thể xem thường. Bất cứ lúc nào bạn thấy mình có dấu hiệu của bệnh và cần tới sự trợ giúp về y tế, đừng quên gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ