Tin tức
Những cách xử trí hiệu quả khi trẻ ăn vạ cha mẹ nên áp dụng ngay
- 17/07/2021 | Hỏi đáp: Trẻ khóc đêm có bình thường không? Khi nào là bất thường?
- 14/05/2021 | Nguyên nhân trẻ khóc đêm và những ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ
- 24/05/2022 | Lý giải ý nghĩa tiếng khóc của trẻ sơ sinh
1. Trẻ ăn vạ là do nguyên nhân nào?
Trẻ có xu hướng ăn vạ nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 1 - 3 tuổi vì đây cũng là giai đoạn trẻ đang phát triển trí tuệ, ngôn ngữ và bắt đầu học cách biểu đạt mong muốn, cảm xúc của bản thân với các thành viên khác trong gia đình.
Bên cạnh đó, sự biến đổi về mặt tâm sinh lý trong độ tuổi này cũng khiến trẻ có các biểu hiện như thường xuyên gào khóc, ăn vạ để đạt được ước muốn, mục đích của mình. Đặc biệt là giai đoạn lên 3 tuổi trẻ sẽ phải đương đầu với thời kỳ gọi là “khủng hoảng tuổi lên 3”.
Từ 1 - 3 tuổi là giai đoạn trẻ có xu hướng ăn vạ nhiều nhất
Dưới đây là những nguyên nhân điển hình khiến trẻ hay ăn vạ:
-
Tâm sinh lý thay đổi: điều này thường xảy ra khi trẻ dần đạt đến các mốc tuổi của sự phát triển. Ví dụ khi trẻ lên 2, trẻ có xu hướng dễ khóc lóc, dỗi hờn, khó chịu, ăn vạ, tức giận khi mong muốn của bản thân không được đáp ứng. Hoặc ở những trẻ đang lững chững tập đi, hay bị vấp té, đi không vững cũng dễ trở thành ăn vạ. Khi không được ở gần cha mẹ, khi khát nước, đói bụng, mệt mỏi, trẻ cũng sẽ trở nên mè nheo hơn. Ngoài ra, bởi vì trẻ chưa phát triển hoàn thiện về mặt ngôn ngữ nên khi muốn biểu đạt mong muốn nào đó, trẻ thường sẽ tức giận và khóc lóc;
-
Muốn thu hút sự chú ý: vì khả năng ngôn ngữ của trẻ còn hạn chế nên khóc lóc, ăn vạ dường như là cách nhanh nhất để trẻ thu hút được sự chú ý của mọi người với mục đích là mau chóng đáp ứng những mong muốn của trẻ;
-
Được cha mẹ nuông chiều: đối với những trẻ cứ mỗi khi ăn vạ là cha mẹ lại ngay lập tức xoa dịu, dỗ dành, đáp ứng mong muốn của trẻ ngay lập tức sẽ dễ tạo thói quen xấu cho trẻ;
-
Trẻ đang bị mệt mỏi, kích động: trong những trường hợp trẻ đang buồn ngủ, khát sữa, đói bụng, mệt mỏi,... thì ăn vạ cũng là cách để trẻ giải tỏa sự mệt mỏi, buồn bực;
-
Trẻ ăn vạ đôi khi cũng có thể là một biểu hiện của chứng tăng động. Vì vậy cha mẹ cần quan sát tần suất trẻ ăn vạ cùng cách ứng xử của trẻ khi không đáp ứng yêu cầu, la hét, ném đồ vật,... Cần thiết hãy cho trẻ đi thăm khám để đánh giá tâm lý.
2. Khi trẻ ăn vạ, cha mẹ cần làm gì?
Khi gặp phải tình huống trẻ bắt đầu ăn vạ, cha mẹ nên nhớ những cách phản ứng như sau để không khiến điều này trở thành thói quen tiêu cực:
-
Thấu hiểu và đồng cảm với trẻ: các bé cũng là những cá thể độc lập và mong muốn được công nhận. Do đó khi trẻ ăn vạ hay tức giận, khóc lóc, hơn ai hết cha mẹ cần là những người cần đồng cảm với bé. Việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm đó là giữ thái độ bình tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe trẻ, đồng thời dùng lời nói để phán đoán mong muốn của bé. Ví dụ như: “Con không muốn ăn nữa phải không?”, “Con muốn chiếc điều khiển này à?”,... Điều này sẽ giúp trẻ bớt kích động và có cảm giác được lắng nghe, thấu hiểu. Đặc biệt việc giao tiếp bằng thiện chí như vậy còn giúp trẻ tăng khả năng ngôn ngữ, nhận diện sự vật, sự việc và quản lý cảm xúc tốt hơn;
-
Trò chuyện với trẻ khi cơn ăn vạ qua đi: sau khi trẻ đã hết giận, cha mẹ nên dành thời gian ngồi xuống và nói chuyện với bé, xem trẻ đang nghĩ gì. Chẳng hạn như “vừa rồi con khóc là do con không muốn ăn nữa phải không? Ngày mai mình ăn món khác nhé!” Thông qua cách này, trẻ như tìm được giải pháp và nguôi giận, đồng thời giúp trẻ vui vẻ trở lại;
-
Hướng trẻ sang hoạt động khác: sau đợt ăn vạ của trẻ, cha mẹ có thể hướng trẻ sang hoạt động khác để trẻ quên chuyện đó đi và giúp trẻ có hứng thú trở lại, ví dụ như: “ba biết con đang buồn vì bị hỏng đồ chơi, nhưng sắp đến giờ đi siêu thị rồi. Con thích được ra ngoài đúng không? Vậy cả nhà mình cùng chuẩn bị nhé!”
Hãy trò chuyện với trẻ khi cơn ăn vạ qua đi
4. Những điều cần tránh khi trẻ ăn vạ
Bên cạnh những việc cần làm trước tình huống con ăn vạ, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý đến một số điều nên tránh khi xảy ra trường hợp này:
Không nên quát tháo, tức giận với trẻ:
Khi trẻ ăn vạ kết hợp với tiếng khóc, thậm chí là tiếng gào thét dai dẳng sẽ khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy đau đầu, khó chịu và trút giận lên trẻ. Điều này không những không giúp trẻ nín khóc mà âm lượng của tiếng khóc có khi còn to hơn. Ngoài ra, không nên giữ chặt chân tay trẻ vì sẽ càng khiến trẻ tức giận và giãy giụa mạnh hơn, đồng thời không nên dùng đòn roi lúc này vì trẻ sẽ học theo và cư xử bạo lực với người khác. Thay vào đó, cha mẹ nên giữ im lặng, quan sát và ở bên cạnh trẻ cho đến khi trẻ đã nín khóc và nguôi giận.
Không nuông chiều bé:
Trẻ em như tờ giấy trắng, cha mẹ vẽ gì lên “tờ giấy” đó thì nó sẽ trở thành những thói quen sau này của trẻ. Nếu cha mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng ngay mọi nhu cầu của trẻ những lần bé ăn vạ thì sau này trẻ sẽ lợi dụng tiếng khóc của mình để đạt được mong muốn.
Không tranh cãi, dùng lí lẽ với trẻ:
Khi trẻ nóng giận, cha mẹ không nên giải thích dài dòng hoặc tranh cãi vì lúc này trẻ sẽ không muốn lắng nghe gì cả. Điều mà cha mẹ nên làm đó là để cơn giận của trẻ nguôi đi, sau đó mới trò chuyện, phân tích tại sao không được làm như thế.
Không so sánh con mình với trẻ khác:
Người lớn chúng ta không ai ưa thích việc mình bị so sánh với người khác, trẻ nhỏ cũng vậy. Điều này không những khiến con cảm thấy tự ti, xấu hổ về bản thân mà còn gây nên cảm giác căm ghét, ghen tị với bạn bè. Từ đó trẻ sẽ luôn có tâm lý rụt rè, buồn bã, không dám thể hiện suy nghĩ của mình vì cho rằng mình luôn thua thiệt người khác.
Đừng nên quát tháo, tranh luận với trẻ khi trẻ đang ăn vạ
Không được giải quyết vấn đề bằng lời nói dối:
Để con ngừng khóc lóc, ăn vạ, nhiều bậc phụ huynh đã nói dối con và thỏa hiệp tạm thời, ví dụ như: “ăn đi rồi mẹ dắt đi chơi", nhưng khi trẻ ăn xong thì không thực hiện lời hứa đó. Lâu dần khi trẻ nhận ra điều này thì trẻ cũng sẽ học theo cha mẹ nói dối. Đây là một tật xấu ảnh hưởng tiêu cực đến tính cách sau này của trẻ.
Không tìm mọi cách để giải quyết vấn đề ở những nơi đông người:
Khi trẻ ăn vạ gây ồn ào, cha mẹ không nên tìm cách quát mắng hay nói chuyện lí lẽ với con ở nơi đông người vì sẽ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Lúc này phụ huynh nên đưa con ra nơi riêng tư hoặc đưa trẻ về nhà để giải quyết.
Việc di chuyển sẽ giúp làm nguội cơn giận của trẻ. Khi đã bình tĩnh thì cả hai bên đều có thể nói chuyện nhẹ nhàng, lắng nghe được nhu cầu của đối phương mà không khiến con trẻ cảm thấy bẽ mặt, xấu hổ khi ở nơi đông người.
Có thể nói việc trẻ ăn vạ khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy đau đầu không biết nên xử trí ra sao cho phù hợp. Tuy nhiên vì phụ huynh là người lớn, đã có đủ năng lực để quan sát, nhận định tình huống và kiểm soát được hành vi của mình nên hãy là người chủ động lắng nghe, thấu hiểu và hướng dẫn trẻ cách quản lý tốt cảm xúc của bản thân.
Nếu cha mẹ cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ, hãy liên hệ ngay đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tổng đài viên hướng dẫn đặt lịch khám cho trẻ cùng các bác sĩ Chuyên khoa Nhi.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!