Tin tức
Những lưu ý mẹ nào cũng cần nhớ khi sử dụng thuốc giảm ho cho bé
- 12/11/2021 | Những điều cần biết khi sử dụng thuốc ho Prospan cho trẻ
- 13/11/2021 | Trẻ bị ho nên kiêng ăn gì và ăn gì để sớm khỏi bệnh?
- 28/06/2020 | Trẻ bị ho nguyên nhân do đâu và cha mẹ cần làm gì?
- 04/09/2021 | Trẻ bị ho kéo dài có ảnh hưởng đến phổi không - Nên chăm sóc thế nào?
1. Những nguyên nhân phổ biến khiến bé bị ho
Ho là phản xạ xảy ra khi niêm mạc đường hô hấp của trẻ bị kích thích. Ho cũng là một cách giúp tống đờm cũng như dị vật ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, khi bé bị ho nhiều, nhất là về đêm, ho nặng tiếng kèm theo tình trạng nôn, sổ mũi, ho kéo dài,… thì bố mẹ không nên chủ quan, cần theo dõi và đưa trẻ đi khám kịp thời. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị ho:
- Trẻ mắc phải một số bệnh liên quan đến đường hô hấp trên, chẳng hạn như bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm xoang.
Trẻ ho do mắc một số bệnh về đường hô hấp
- Trẻ bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp dưới: Chẳng hạn như viêm phế quản, viêm phổi,…
- Một số nguyên nhân gây ho khác như tình trạng trào ngược dạ dày, thực quản, bé ho do dị ứng, ho do hít phải khói thuốc lá của người lớn hoặc do trẻ hít phải vật thể lạ,…
2. Mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc giảm ho cho bé
Vì ho có nhiều nguyên nhân nên cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng ho chứ không nên sử dụng thuốc giảm ho một cách bừa bãi. Tốt nhất hãy đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp cho bé.
Khi cho con dùng thuốc, cha mẹ lưu ý tuân thủ theo đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc mà bác sĩ đã kê. Bố mẹ cũng không tự ý cho trẻ sử dụng 2 loại thuốc cùng lúc. Trong mỗi loại thuốc đều có rất nhiều thành phần, nếu uống nhiều loại thuốc cùng lúc có thể dẫn tới một hoạt chất thành phần nào đó bị vượt quá liều lượng và gây ra những tác dụng phụ không đáng có.
Dưới đây là một số lưu ý về thuốc giảm ho cho bé:
Tùy vào tình trạng ho của bé, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp
- Ho khan: Những trường hợp trẻ bị ho khan, những cơn ho có thể dữ dội, ho có kèm theo tình trạng ngứa mũi, khô họng. Tuy nhiên, bé không bị chảy nước mũi và nghẹt mũi. Thông thường, các bác sĩ chỉ kê thuốc trị ho cho bé.
- Bé ho và có đờm: Trường hợp bé ho nhưng không ho thường xuyên, bé vẫn ăn ngủ tốt, không có dấu hiệu quá mệt mỏi, ho kèm theo đờm nhưng không quá nhiều, có hiện tượng đờm ứ đọng ở ngực, rất khó khăn để ho bật đờm ra ngoài. Những trường hợp này, các bác sĩ có thể kê thuốc long đờm để giúp đờm loãng hơn, giúp trẻ dễ dàng ho để tống đờm ra ngoài.
Tuy nhiên, cần tuân thủ theo chỉ định về liều lượng của bác sĩ. Nếu lạm dụng thuốc long đờm có thể khiến bé bị tràn dịch phổi, phá vỡ chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Hơn nữa, cha mẹ cần hiểu rằng, thuốc long đờm không có tác dụng giảm ho cho trẻ.
- Chảy mũi, ngạt mũi: Trong trường hợp bé bị ngạt mũi, chảy nước mũi, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamin và chống ngạt mũi cho bé.
- Ngạt mũi: Nếu bé chỉ bị ngạt mũi và không chảy nhiều nước mũi thì có thể cho bé sử dụng các thuốc làm giảm xuất tiết đường mũi xoang hoặc các thuốc giúp khai thông đường mũi xoang. Sử dụng một cách hợp lý loại thuốc này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Những thành phần trong thuốc sẽ giúp làm khô dịch tiết. Nên sử dụng vào ban ngày, vì nếu dùng vào ban đêm, thuốc có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ.
- Ho, ứ đọng ở ngực, nghẹt mũi, chảy nước mũi: Các bác sĩ thường cho trẻ sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc như thuốc ức chế ho, thuốc chống ngạt mũi, thuốc kháng histamin. Cần lưu ý sử dụng theo đúng liều lượng của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
3. Những phương pháp chăm sóc khi bé bị ho
Khi trẻ bị ho, ngoài việc sử dụng thuốc giảm ho cho bé theo chỉ định của bác sĩ, mẹ cũng có thể áp dụng những cách sau để giúp bé sớm cải thiện sức khỏe:
Cho bé uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
- Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi bé: Một số trẻ không bị ho mà còn bị nghẹt mũi khiến trẻ cảm thấy khó thở, khó chịu khi ăn uống, đặc biệt tình trạng nghẹt mũi còn gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Mẹ có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng này bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ. Nước muối sinh lý sẽ có tác dụng làm giảm dịch nhầy ở mũi, hạn chế tình trạng sưng đường hô hấp và có tác dụng giúp trẻ nhanh chóng đẩy đờm ra ngoài khi ho.
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn: Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ có thể giúp con giảm ho bằng cách tăng cữ bú cho con. Còn đối với những trẻ lớn hơn, mẹ hãy cho con uống nhiều nước, có thể là nước lọc, nước ép trái cây, sữa để giảm chất nhầy ở đường hô hấp của trẻ.
- Cho trẻ sử dụng mật ong: Với những trẻ trên một tuổi, mẹ có thể cho trẻ uống ½ muỗng cà phê mật ong vào trước lúc đi ngủ để giảm ho và làm dịu họng.
- Gối cao đầu cho bé: Gối đầu cao cũng là một cách giúp trẻ giảm ho và dễ thở hơn.
- Sử dụng máy làm ẩm không khí để giảm kích ứng gây ho và giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Khi bé ho nên cho bé ăn đồ mềm dễ nuốt
- Cho bé ăn đồ ăn mềm, dễ nuốt: Khi trẻ bị ho, họng của trẻ dễ bị sưng và xước, khiến việc ăn uống của bé cũng khó khăn hơn. Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên chuẩn bị cho con những món ăn mềm như cháo, súp,… giúp con hào hứng với bữa ăn hơn, ăn uống dễ dàng hơn và đặc biệt là đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
Như vậy, ngoài việc sử dụng thuốc giảm ho cho bé, mẹ có thể áp dụng những cách trên để giúp bé sớm giảm ho, cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, mẹ không nên chủ quan, với những trường hợp bé có biểu hiện quá mệt, thở gắng sức, môi tím tái, ho kèm theo nôn mửa, chảy nước dãi nhiều, khó nuốt, đau ngực, sốt cao,… nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cha mẹ có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được hướng dẫn cụ thể.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!