Tin tức
Phế cầu khuẩn là gì và có thể gây ra bệnh lý gì?
- 05/03/2022 | Viêm phế cầu khuẩn gây ra bệnh gì? Phải làm sao để phòng ngừa hiệu quả?
- 07/08/2021 | Viêm phế cầu khuẩn nguy hiểm như thế nào và cách phòng ngừa
- 27/10/2020 | Tác hại của phế cầu khuẩn và vacxin phòng ngừa
1. Chuyên gia tư vấn: phế cầu khuẩn là gì?
Phế cầu khuẩn là một loại vi khuẩn, có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae, là tác nhân gây ra nhiều bệnh viêm đường hô hấp ở người. Thực tế có nhiều chủng phế cầu khuẩn khác nhau, độc tính gây bệnh cũng khác nhau, chúng chủ yếu cư trú trong mũi, họng và đường thở gây viêm nhiễm.
Phế cầu khuẩn là tác nhân gây bệnh nguy hiểm
Ở người khỏe mạnh, phế cầu khuẩn thường không gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch thì nguy cơ biến chứng nguy hiểm là rất cao. Theo thống kê hàng năm, có đến nửa triệu trẻ em tử vong trên thế giới do các bệnh mà phế cầu khuẩn gây ra.
2. Phế cầu khuẩn nguy hiểm như thế nào?
Triệu chứng nhiễm cầu khuẩn ở mỗi người có thể khác nhau bởi vi khuẩn gây ra nhiều bệnh lý nhiễm trùng ở nhiều cơ quan với mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào cơ quan nhiễm và khả năng miễn dịch. Những bệnh lý nguy hiểm do phế cầu khuẩn có thể dẫn đến tử vong bao gồm: viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm xoang, viêm tai giữa,...
Phế cầu khuẩn có thể gây nhiễm trùng ở nhiều cơ quan
Tùy vào cơ quan bị phế cầu khuẩn tấn công mà người bệnh sẽ có triệu chứng khác nhau. Đôi khi các triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác hoặc tác nhân gây bệnh khác dẫn đến chẩn đoán và điều trị không kịp thời. Cụ thể những triệu chứng do phế cầu khuẩn gây ra gồm:
-
Viêm tai giữa: Đau tai, suy giảm thính lực, trẻ sốt vừa đến sốt cao, có dấu hiệu đỏ và sưng nề trong tai, khó ngủ, bứt rứt, trẻ nhỏ quấy khóc thường xuyên.
-
Viêm phổi: sốt, khó thở, ho, đau tức ngực, biến chứng hô hấp xảy ra có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
-
Viêm xoang: đau đầu, đau mặt, nghẹt mũi, chảy dịch mũi có màu vàng hoặc xanh.
-
Nhiễm khuẩn huyết là bệnh nguy hiểm, gây triệu chứng đau đầu, sốt cao, rét run, đau cơ, phát ban ngoài da, li bì, ngủ gà,...
-
Viêm màng não: Biểu hiện viêm màng não xuất hiện trong khoảng vài giờ hoặc vài ngày kể từ khi nhiễm phế cầu khuẩn, đôi khi biến chứng từ bệnh viêm đường hô hấp khác. Triệu chứng bao gồm sốt cao, đau đầu, nôn mửa, ăn không ngon, đau cứng cổ, rối loạn ý thức, li bì, ngủ gà,... Phế cầu khuẩn có thể làm tổn thương thần kinh vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
Đối tượng dễ biến chứng nặng do phế cầu khuẩn là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh lý mạn tính khác (đái tháo đường, bệnh phổi, gan, thận và tim,...).
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương do phế cầu khuẩn
Trong đó, viêm màng não là bệnh do phế cầu khuẩn đáng lo ngại nhất với trẻ nhỏ, có đến 83% trường hợp mắc phải là trẻ dưới 2 tuổi với hệ miễn dịch còn yếu. Đặc biệt ở các nước đang phát triển thuộc Châu Phi hay Châu Á, điều kiện y tế còn hạn chế dẫn đến tỷ lệ tử vong cao lên tới 50% số trẻ mắc bệnh. Những trẻ viêm màng não do phế cầu khuẩn được điều trị cứu sống có tỷ lệ cao gặp di chứng nguy hiểm như: tàn tật, động kinh, liệt, mù, điếc, chậm phát triển trí tuệ, suy giảm trí nhớ,...
Viêm tai giữa là bệnh do phế cầu khuẩn phổ biến nhất, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. So với viêm màng não thì viêm tai giữa ít nguy hiểm hơn, tuy nhiên bệnh dễ tái phát, lặp đi lặp lại trong thời gian dài nên có thể phải phẫu thuật điều trị.
Khi phế cầu khuẩn xâm nhập vào máu người bệnh gây nhiễm trùng huyết, người bệnh phải đối mặt với biến chứng sốc nhiễm trùng nguy hiểm. Đặc biệt những người có sẵn bệnh lý nền, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng huyết khi phế cầu khuẩn xâm nhập lên tới 20%.
Nhiễm trùng huyết do phế cầu khuẩn có thể gây tử vong
Viêm phổi do phế cầu khuẩn cũng là một trong những bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có tỷ lệ tử vong do bệnh rất cao. Số ca ghi nhận tử vong vì viêm phổi phế cầu khuẩn hàng năm lên tới 1 triệu người, trong đó chủ yếu là bệnh nhi và người già.
3. Có thể phòng ngừa phế cầu khuẩn hay không?
Do những bệnh lý nghiêm trọng mà phế cầu khuẩn có thể gây ra, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng con người, biện pháp phòng ngừa luôn được nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia, tiêm phòng vắc xin phòng phế cầu khuẩn là biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả nhất. Đặc biệt là trẻ em nên được tiêm phòng từ sớm để giảm nguy cơ mắc bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.
Vắc xin phòng phế cầu khuẩn hiện nay được nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ ở nước ta cung cấp, phổ biến nhất là vắc xin Synflorix sản xuất bởi một hãng dược phẩm uy tín tại Bỉ. Trẻ có độ tuổi từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi có thể chủ động tiêm ngừa vắc xin theo lịch tiêm được bác sĩ đưa ra để có miễn dịch phòng bệnh tốt nhất.
Tiêm phòng vắc xin giúp phòng ngừa chủ động và hiệu quả phế cầu khuẩn
Như vậy qua bài viết này, MEDLATEC đã cùng bạn đọc tìm hiểu về phế cầu khuẩn là gì và loại vi khuẩn này gây bệnh nguy hiểm như thế nào ở con người. Nếu cần tư vấn thêm hoặc lên lịch tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn, hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!