Tin tức
Phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
- 13/07/2022 | Những lưu ý về nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ mẹ không nên bỏ qua
- 18/08/2022 | Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ thì phải làm sao?
- 01/02/2024 | Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em bằng cách nào?
- 01/01/2024 | Nhiễm khuẩn tiết niệu trẻ sơ sinh: Những thông tin ba mẹ nên biết
- 01/01/2024 | Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
1. Những trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn tiết niệu
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể gây ra những triệu chứng như đau khi tiểu, sốt cao, buồn nôn, không muốn ăn và một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác. Khi bệnh tiến triển, trẻ có thể gặp phải biến chứng suy thận, nhiễm trùng máu,...
Do hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện nên trẻ em có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn tiết niệu, đặc biệt là nhóm đối tượng dưới đây:
Bé gái vệ sinh vùng kín sai cách dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Những bé gái vệ sinh sai cách:
Cấu tạo lỗ tiểu của các bé gái nằm rất gần cửa hậu môn. Chính vì thế, thói quen vệ sinh vùng kín bằng cách lau ngược từ sau ra trước của nhiều bé gái có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo và gây nhiễm khuẩn đường tiểu. Hơn nữa, do niệu đạo của bé gái thường ngắn hơn so với bé trai nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở bé gái cũng thường cao hơn.
- Bé trai bị hẹp bao quy đầu
Khi bị hẹp bao quy đầu, nước tiểu có nguy cơ bị ứ đọng lại tại vị trí này, chính vì thế, các loại vi khuẩn gây bệnh sẽ có cơ hội thuận lợi để phát triển và đồng thời làm tăng nguy cơ bị viêm đường tiết niệu. Hơn nữa, trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề hướng dẫn vệ sinh vùng kín cho bé trai. Sự chủ quan này cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho bé.
- Những trẻ bị bị tật bẩm sinh tại các cơ quan đường tiết niệu: Một số dị tật bẩm sinh như chít hẹp niệu đạo, niệu quản đôi,... khiến cho các bé có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu và bệnh có thể tái phát rất nhiều lần.
- Trẻ bị bệnh suy giảm miễn dịch: Thông thường, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Trong trường hợp trẻ bị mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch thì nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu của trẻ cũng cao hơn.
- Điều kiện vệ sinh kém: Điều kiện vệ sinh là yếu tố quan trọng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ sử dụng nguồn nước sinh hoạt không an toàn, điều kiện vệ sinh kém thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn. Bên cạnh đó, một số phụ huynh ở vùng nông thôn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề vệ sinh cá nhân của trẻ, chưa thường xuyên hướng dẫn cho con vệ sinh đúng cách. Đó cũng là một trong những lý do khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Trẻ không uống đủ nước cũng dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu
- Trẻ hay nhịn tiểu và uống ít nước
Thói quen nhịn tiểu thực sự không tốt cho sức khỏe vì nó có thể khiến cho nước tiểu bị ứ đọng lại và tạo điều kiện thuận lợi cho những loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Bên cạnh đó, nếu trẻ không uống đủ nước, đồng nghĩa với việc lượng nước tiểu thải ra bên ngoài mỗi ngày cũng giảm đi và những loại vi khuẩn gây bệnh có thể ở lại lâu hơn trong cơ thể và gây ra nhiều loại bệnh lý.
2. Cách phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
Nhiễm khuẩn tiết niệu là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng cha mẹ đừng vì thế mà chủ quan. Căn bệnh này có thể gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số gợi ý về cách phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em:
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín cho trẻ
Phương pháp phòng ngừa này rất quan trọng và xếp ở vị trí đầu tiên. Khi vùng kín được vệ sinh sạch sẽ, nhất là đối với các bé gái thì nguy cơ bị bệnh cũng sẽ giảm đáng kể. Mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh từ trước ra sau để hạn chế tình trạng vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào lỗ niệu đạo. Trường hợp mẹ vệ sinh vùng kín giúp bé thì cần phải rửa tay sạch sẽ trước khi thực hiện.
Mẹ nên thay bỉm thường xuyên cho trẻ
- Thay bỉm thường xuyên và lưu ý lau khô vùng kín cho trẻ:
Đây là lưu ý rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Do các bé không thể kiểm soát được việc tiểu tiện và đại tiện nên cha mẹ cần thường xuyên thay tã, thay bỉm và lau khô vùng kín cho trẻ. Nếu để bỉm quá lâu, vi khuẩn sẽ có cơ hội xâm nhập vào vùng kín của trẻ và gây bệnh. Khi thay bỉm, mẹ cũng cần quan sát kỹ những bất thường của trẻ, để nhận biết sớm tình trạng nhiễm khuẩn của trẻ (nếu có).
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ:
Để phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em, cha mẹ nên cho trẻ ăn những loại rau củ và quả. Đồng thời, mẹ cũng cần lưu ý cho con uống đủ nước. Nước rất quan trọng đối với hệ bài tiết, uống nhiều nước sẽ giúp các con đi tiểu nhiều hơn và loại bỏ độc tố trong cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên nhắc nhở trẻ cần thường xuyên đi tiểu, nếu buồn tiểu thì phải đi ngay, không nên nhịn.
Đưa trẻ đi khám nếu có dấu hiệu bất thường
- Đưa trẻ đi khám khi có các dấu hiệu bệnh:
Trường hợp trẻ có những triệu chứng như hay quấy khóc, đau khi tiểu, sốt nhẹ hoặc chán ăn, rối loạn tiêu hóa,.... mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ thăm khám và lên phác đồ điều trị cho trẻ.
Trên đây là một số phương pháp giúp phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em đơn giản và dễ thực hiện. Hiện nay, Hệ thống Y tế MEDLATEC là một trong những cơ sở y tế uy tín về thăm khám và điều trị các bệnh về trẻ em, bao gồm nhiễm khuẩn đường tiết niệu. MEDLATEC cũng cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà đối với những gia đình có con nhỏ và gặp khó khăn trong việc di chuyển đến bệnh viện.
Nếu cần tìm hiểu thêm hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cho trẻ, các bậc phụ huynh có thể liên hệ đến Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!