Tin tức

Phụ nữ tiền mãn kinh uống thuốc gì để cải thiện các triệu chứng khó chịu?

Ngày 26/10/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Là phụ nữ thì ai rồi cũng sẽ phải trải qua giai đoạn tiền mãn kinh. Những triệu chứng do hiện tượng này mang lại gây ra không ít khó chịu cho nữ giới, thậm chí nhiều trường hợp cần phải can thiệp bằng thuốc để giảm bớt tình trạng này. Vậy chị em giai đoạn tiền mãn kinh uống thuốc gì để luôn khỏe mạnh? Câu trả lời sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây. 

1. Dấu hiệu nhận biết giai đoạn tiền mãn kinh đang tới 

Nữ giới trong độ tuổi từ 45 - 55 thường sẽ gặp phải hiện tượng mãn kinh, là sự chấm dứt cho khả năng sinh sản của người phụ nữ. Hay nói cách  khác, nếu bạn hết kinh nguyệt khi ngoài 45 tuổi thì tức là bạn đã chính thức mãn kinh.

Tiền mãn kinh chính là thời kỳ xảy ra trước mãn kinh. Tùy vào cơ địa mà mỗi người sẽ có độ tuổi mãn kinh và triệu chứng tiền mãn kinh khác nhau.

Trên thực tế, giai đoạn tiền mãn kinh của  phụ nữ có thể kéo dài từ 8 - 10 năm trước khi chính thức mãn kinh, nghĩa là bắt đầu bước sang  tuổi 37 - 45 là nữ giới đã có dấu hiệu của tiền mãn kinh. Lúc này chức năng hoạt động của Não bộ - Tuyến yên - Buồng trứng dần suy giảm, dẫn đến thiếu hụt 3 nội tiết tố nữ quan trọng là progesterone, estrogen và testosterone.

Giai đoạn tiền mãn kinh ở nữ giới thường xảy ra vào độ tuổi từ 37 - 45

Giai đoạn tiền mãn kinh ở nữ giới thường xảy ra vào độ tuổi từ 37 - 45

Trong thời gian xảy ra tiền mãn kinh, do sự thiếu hụt estrogen nên nữ giới sẽ có các triệu chứng như sau:

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: kỳ kinh có thể ngắn hoặc dài hơn bình thường, lượng máu khi hành kinh cũng có sự thay đổi;

  • Xáo trộn về tâm lý, dễ bị lo lắng, trầm cảm, cáu gắt, hồi hộp, chán nản,...;

  • Bốc hỏa, đổ nhiều mồ hôi về ban đêm, mất ngủ;

  • Nhức đầu, khó tập trung, hay quên, đau nửa đầu, chóng mặt;

  • Giảm chức năng tình dục;

  • Nguy cơ loãng xương;

  • Rối loạn về tim mạch;

  • Âm đạo khô;

  • Giảm khối lượng cơ.

Những biểu hiện này thường kéo dài trong vài tháng hay thậm chí là vài năm trước khi chu kỳ kinh nguyệt dừng hẳn. Sang đến thời kỳ cuối của tiền mãn kinh, cơ thể nữ giới sẽ càng tiết ít estrogen hơn, cứ như vậy tình trạng này kéo dài trong khoảng vài tháng, lâu nhất có thể là 4 năm. Kết thúc tiền mãn kinh là thời kỳ mãn kinh, khi đó buồng trứng dần ngưng hoạt động, số lượng estrogen do cơ quan này tiết ra quá ít khiến trứng dừng phóng thích và chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt.

2. Tiền mãn kinh uống thuốc gì tốt cho sức khỏe?  

2.1. Thuốc bổ sung canxi và vitamin D

Loãng xương là triệu chứng thường gặp nhất khi phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh do sự thiếu hụt estrogen gây ra. Vì vậy bạn nên bổ sung các loại thuốc và thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ tiền mãn kinh mỗi ngày nên bổ sung khoảng 1000mg canxi, sau mãn kinh là 1200mg, không nên vượt quá 2000mg/ngày.

Theo khuyến nghị lượng vitamin D nên tiêu thụ mỗi ngày là 15 microgram (600 đơn vị quốc tế) đối với phụ nữ tiền mãn kinh và khoảng 20 microgram (800 đơn vị quốc tế) ở phụ nữ mãn kinh. Không nên dùng vượt mức trung bình này vì nếu sử dụng vitamin trong thời gian dài và liều cao có thể gây độc.

2.2. Thuốc chống trầm cảm

Ít ai biết rằng thuốc chống trầm cảm còn được áp dụng để đẩy lùi các triệu chứng do rối loạn vận mạch trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ, điển hình là biểu hiện bốc hỏa, đỏ bừng mặt, đổ nhiều mồ hôi về đêm. 

Tuy nhiên các thuốc chống trầm cảm mới chỉ được chứng minh là giúp hạn chế các biểu hiện nêu trên, nếu muốn cải thiện các triệu chứng khác của tiền mãn kinh thì nữ giới cần vận dụng đến liệu pháp hormone thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Lưu ý: chỉ sử dụng những thuốc trên khi có khuyến cáo từ bác sĩ chuyên khoa.

Tiền mãn kinh uống thuốc gì là băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ đang ở trong độ tuổi này

Tiền mãn kinh uống thuốc gì là băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ đang ở trong độ tuổi này

2.3. Liệu pháp hormone 

Liệu pháp thay thế hormone (bao gồm estrogen và progesterone) là phương pháp khắc phục các biểu hiện khó chịu do thời kỳ tiền mãn kinh gây ra.

Như chúng ta đã biết thì cơ thể người phụ nữ khi bước sang giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh sẽ giảm sản xuất estrogen rõ rệt. Điều này khiến hàm lượng estrogen huyết thanh hạ thấp dẫn tới các triệu chứng vận mạch ở đa số phụ nữ, điển hình như nhức đầu, bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm.

Tuy nhiên một số phụ nữ thuộc các đối tượng sau không nên sử dụng liệu pháp thay thế hormone:

  • Tiền sử mắc các bệnh mạch vành, ung thư vú;

  • Đang bị bệnh  lý về gan;

  • Đã từng bị đột quỵ hoặc huyết khối tĩnh mạch;

  • Nguy cơ cao có cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc bị ung thư nội mạc tử cung;

  • Chảy máu âm đạo bất thường, không rõ lý do.

Nếu bạn đang có các dấu hiệu như khô âm đạo hoặc cảm giác đau khi quan hệ tình dục thì có thể dùng estrogen âm đạo nhưng liều lượng thấp. Cách dùng này sẽ an toàn và hiệu quả hơn so với việc dùng estrogen theo đường toàn thân. 

Nhìn chung, tiền mãn kinh uống thuốc gì còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như cần phải có sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng. Bởi vì những loại thuốc trên còn tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết, ung thư vú, đột quỵ nếu không được dùng đúng cách.

3. Thay đổi chế độ ăn khoa học để thích nghi với giai đoạn tiền mãn kinh 

Bên cạnh băn khoăn tiền mãn kinh uống thuốc gì, nhiều người cũng có thắc mắc nên có chế độ ăn uống như thế nào trong giai đoạn này. Thực đơn ăn uống hàng ngày thực sự có tác động không hề nhỏ đối với sức khỏe của nữ giới khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh và thích ứng tốt đối với sự thay đổi sinh lý tất yếu này, bạn nên bổ sung những chất sau trong các bữa ăn hàng ngày:

  • Canxi và vitamin D: được tìm thấy nhiều trong trứng, phô mai, sữa, các loại đậu, hải sản, rau xanh, ngũ cốc,... có tác dụng phòng ngừa tình trạng loãng xương;

  • Thực phẩm chứa phytoestrogen: có trong anh đào, hạt lanh, đậu nành, vỏ và hạt nho, mè,... giúp làm giảm triệu chứng bốc hỏa;

  • Omega-3, omega-6: chứa nhiều trong cá thu, cá hồi, hạt óc chó,... Đây đều là những loại chất béo tốt với công dụng phòng ngừa xơ vữa mạch máu, bảo vệ tim mạch, bảo vệ hệ thần kinh, ngăn ngừa bệnh đông máu;

  • Chất xơ: từ các loại rau xanh và hoa quả tươi giúp chữa táo bón - hệ quả thường gặp do rối loạn nội tiết tố xảy ra trong cơ thể những phụ nữ tiền mãn kinh;

  • Thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa: dâu tây, quả mâm xôi, việt quất, cải xoăn,... có tác dụng ngăn cản các dấu hiệu lão hóa như da nhăn, suy giảm trí nhớ hay các bệnh lý về tim mạch,...

Trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp cải thiện triệu chứng tiền mãn kinh nào, chị em phụ nữ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ

Trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp cải thiện triệu chứng tiền mãn kinh nào, chị em phụ nữ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ

Trên thực tế phần lớn các biểu hiện tiền mãn kinh nếu chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình thì có thể tự thuyên giảm theo thời gian. Do đó nếu triệu chứng ở giai đoạn này khiến bạn quá khó chịu và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống thường nhật, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ. Trước khi sử dụng bất kỳ thuốc tiền mãn kinh nào cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ để tránh gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng. 

Hy vọng rằng thông qua bài viết này bạn đã biết tiền mãn kinh uống thuốc gì tốt. Trong trường hợp bạn cần được tư vấn chi tiết hơn về tình trạng tiền mãn kinh uống thuốc gì hay bất kỳ vấn đề về sức khỏe nào khác, hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hỗ trợ thêm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.