Tin tức
Que thử viêm nhiễm phụ khoa: Hướng dẫn cách dùng và đọc kết quả
- 14/11/2022 | Phái nữ gặp rắc rối do dùng thuốc đặt viêm phụ khoa sai cách
- 12/09/2022 | Thuốc đặt viêm phụ khoa: Công dụng, cách dùng và lưu ý
1. Sơ lược que thử viêm nhiễm phụ khoa
Que thử viêm nhiễm phụ khoa còn có nhiều tên gọi khác nhau như que thử pH âm đạo, que thử viêm âm đạo. Và đúng như tên gọi, đây là que thử dùng để kiểm tra độ pH trong môi trường âm đạo, qua đó đánh giá tình trạng viêm nhiễm.
Theo đó, môi trường âm đạo luôn có sự tồn tại cân bằng của lợi khuẩn và hại khuẩn. Âm đạo khỏe mạnh khi lợi khuẩn thuộc họ Lactobacillus tăng cường sản xuất axit lactic để bảo vệ âm đạo khỏi viêm nhiễm. Lúc này, độ pH âm đạo trong khoảng 3,8 - 4,5.
Nếu độ pH âm đạo cao hay thấp hơn ngưỡng trung bình trên thì sẽ gây mất cân bằng lợi khuẩn và hại khuẩn. Đồng thời, âm đạo sẽ không được bảo vệ bởi lợi khuẩn thuộc họ Lactobacillus nên dễ bị vi khuẩn tấn công, gây bệnh, làm xuất hiện tình trạng viêm nhiễm.
Do đó, sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa sẽ cho biết nồng độ pH trong âm đạo đang như thế nào, môi trường âm đạo là axit hay kiềm. Qua đó, bạn có thể biết được tình trạng sức khỏe vùng kín để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Que thử viêm nhiễm phụ khoa dùng để kiểm tra độ pH âm đạo
2. Cách dùng và đọc kết quả que thử viêm nhiễm phụ khoa
Một bộ que thử viêm nhiễm phụ khoa gồm có mẫu giấy thử và biểu đồ màu sắc để kiểm tra, đánh giá. Nhìn chung, cách sử dụng và đọc kết quả khá đơn giản.
Cách sử dụng
Khi sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa, bạn chỉ cần thực hiện đúng theo hướng dẫn các bước sau.
- Rửa tay bằng xà phòng, sau đó xả lại với nước sạch.
- Ngồi rộng chân, dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa để mở rộng âm hộ.
- Lấy một ít dịch từ âm đạo bằng cách đưa đầu tăm bông sâu vào âm đạo.
- Lấy mẫu giấy thử ra và quẹt mẫu dịch âm đạo lên sao cho phần dịch thấm đều phần màu vàng trên giấy.
- Đợi vài phút để xem phản ứng xảy ra trên mẫu giấy thử, sau đó so sánh kết quả với biểu đồ màu sắc đi kèm.
Cách đọc kết quả
Kết quả của mẫu thử được xác định dựa vào phản ứng xảy ra trên mẫu giấy thử kèm theo so sánh với biểu đồ màu sắc đi kèm, cụ thể như sau.
- Mẫu giấy thử không đổi màu: Âm đạo khỏe mạnh, không có hoặc chưa tìm thấy dấu hiệu viêm nhiễm.
- Mẫu giấy thử chuyển màu xanh: Âm đạo có thể bị viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virus.
- Mẫu giấy thử chuyển màu vàng đậm: Dấu hiệu cho thấy có tình trạng nhiễm nấm ở âm đạo.
- Mẫu giấy thử chuyển màu đỏ đậm: Cảnh báo tình trạng viêm nhiễm nặng ở âm đạo, tuyệt đối không chủ quan.
Cách dùng và đọc kết quả que thử dễ và đơn giản
Những lưu ý khác
Ngoài tuân thủ cách dùng và đọc kết quả như trên thì khi sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa, bạn cần lưu ý:
- Mỗi que thử chỉ sử dụng cho một lần thử.
- Không dùng que thử khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Không dùng que thử trong vòng 24 giờ sau quan hệ tình dục không an toàn.
- Kết quả que thử có thể không chính xác 100% và chị em không nên lạm dụng hay phụ thuộc vào việc sử dụng que thử.
3. Cách phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa
Bất kỳ chị em phụ nữ nào cũng có thể bị viêm nhiễm phụ khoa với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm này bằng các biện pháp sau.
Vệ sinh vùng kín đúng cách
Bạn cần vệ sinh vùng kín bằng nước ấm 2 - 3 lần/ ngày. Việc này vừa giúp ngăn mồ hôi và vi khuẩn tích tụ, vừa loại bỏ mùi khó chịu cho vùng kín. Lưu ý là chỉ nên vệ sinh bằng nước ấm, hạn chế dùng dung dịch vệ sinh có tính sát khuẩn mạnh để tránh làm mất cân bằng độ pH âm đạo.
Trong thời gian hành kinh hoặc hậu sản, vùng kín cần được vệ sinh cẩn thận hơn. Cứ sau 3 - 4 giờ thì thay băng vệ sinh và rửa vùng kín một lần. Lúc này, có thể dùng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ để gia tăng hiệu quả làm sạch.
Vệ sinh vùng kín đúng cách để loại bỏ vi khuẩn và mùi hôi, ngăn ngừa viêm nhiễm
Sử dụng quần lót phù hợp
Bạn nên ưu tiên dùng quần lót được may bằng chất liệu cotton thấm hút tốt, rộng thoáng, thoải mái. Tránh những mẫu quần bằng ren, voan với thiết kế ôm sát vì chúng có thể làm kích ứng da vùng kín cũng như khiến mồ hôi và vi khuẩn tích tụ nhiều, gây mùi khó chịu và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Song song đó, nên thay quần lót ít nhất 2 lần/ ngày, đặc biệt là thay quần lót ngay sau khi đi bộ, bơi lội hay tham gia các hoạt động thể chất khác.
Bổ sung thực phẩm lành mạnh
Có rất nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe vùng kín, chẳng hạn như rau xanh, trái cây, đặc biệt là sữa chua. Sữa chua bổ sung lượng lớn các lợi khuẩn giúp cân bằng độ pH âm đạo cũng như phòng ngừa được tình trạng viêm nhiễm hiệu quả. Ngoài ra, tỏi cũng là thực phẩm mà chị em nên bổ sung vì trong tỏi có chứa Allicin giúp ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập và tiêu diệt mầm bệnh.
Đời sống tình dục an toàn
Đây không chỉ là cách phòng ngừa viêm nhiễm mà còn là biện pháp phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục. Bạn cần tuân thủ đời sống “một vợ một chồng”, nếu chưa kết hôn thì chỉ có duy nhất một bạn tình. Nếu có thể, hãy sử dụng bao cao su trong những trường hợp cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Đời sống tính dục an toàn để tránh viêm nhiễm phụ khoa và bệnh tình dục
Khám phụ khoa định kỳ
Tốt nhất là bạn nên khám sức khỏe phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Khi thăm khám, bạn sẽ được hướng dẫn làm các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo sức khỏe vùng kín tốt, nếu có bất thường thì cũng kịp thời phát hiện và điều trị.
Trên đây là hướng dẫn cách sử dụng que thử viêm nhiễm phụ khoa. Quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám tại Chuyên khoa Sản Phụ khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC khi có nhu cầu.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!