Tin tức

Rách sụn chêm có tự lành không? Nếu sụn chêm không tự lành thì điều trị thế nào?

Ngày 10/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lê Thị Dương
Rách sụn chêm là một trong những chấn thương phổ biến gặp phải ở khớp gối, nhất là ở những người thường xuyên hoạt động thể thao hoặc làm việc nặng thường xuyên. Vậy rách sụn chêm có tự lành không? Nếu không tự lành thì điều trị thế nào? Bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu các vấn đề liên quan để hiểu hơn về cách thức phục hồi sụn chêm, bảo vệ chức năng khớp gối.

1. Vai trò của sụn chêm và các yếu tố có thể gây rách sụn chêm

1.1. Vai trò của sụn chêm trong cơ thể

Sụn chêm là mảnh sụn hình chữ C nằm giữa các xương trong khớp. Sụn chêm giống như bộ phận giảm xóc cho xương đùi và xương chày. Đây là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ lực và bảo vệ bề mặt khớp khỏi mài mòn khi vận động. 

1.2. Nguyên nhân gây rách sụn chêm

Sụn chêm có nguy cơ bị rách do các yếu tố sau:

- Va chạm mạnh, xoay chuyển đột ngột trong các môn thể thao như bóng đá, tennis,...

- Thoái hóa sụn chêm theo thời gian, cùng với sự lão hóa của cơ thể.

- Tính chất công việc thường xuyên phải gánh vác trọng lượng lớn hoặc đứng quá lâu. 

- Ít tham gia hoạt động thể chất hoặc dinh dưỡng kém khiến sụn chêm bị suy yếu.

Va chạm trong thể thao có thể làm rách sụn chêm khớp gối

Va chạm trong thể thao có thể làm rách sụn chêm khớp gối

2. Rách sụn chêm có tự lành được không? Nếu tự lành thì sau bao lâu?

2.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự lành của sụn chêm

Đối với các mô trong cơ thể, khả năng tự lành sau tổn thương phụ thuộc rất nhiều vào lượng máu cung cấp và khả năng tái tạo của tế bào trong mô đó. Sụn chêm không có mạch máu nội tại rõ ràng nên khả năng rách sụn chêm có tự lành không là rất hạn chế và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố:

- Kích thước và vị trí rách: Những vết rách nhỏ thường có khả năng hồi phục tốt hơn so với những vết rách lớn hoặc ở vùng ít mạch máu.

- Độ tuổi của bệnh nhân: Người trẻ có khả năng phục hồi tốt hơn so với người cao tuổi.

- Mức độ hoạt động hàng ngày: Áp lực liên tục lên khớp gối có thể làm quá trình hồi phục sụn chêm bị gián đoạn.

2.2. Đánh giá khả năng tự lành của sụn chêm

Với câu hỏi: rách sụn chêm có lành không, như đã nói đến ở trên, sụn chêm không có mạch máu trực tiếp nên các trường hợp chấn thương rách sụn chêm không có khả năng tự lành. Đặc biệt, vị trí tổn thương sẽ chi phối rất lớn đến khả năng phục hồi sụn chêm.

- Rách 1/3 tại phần ngoài sụn chêm

Do đây là nơi có nguồn cung cấp máu lớn nên khi bị rách, khả năng tự lành của sụn chêm tương đối cao. Tuy nhiên, nếu vết rách lớn thì người bệnh sẽ phải khâu nội soi để làm lành sụn chêm.

- Rách 2/3 tại phần trong sụn chêm

Trường hợp này, rách sụn chêm có tự lành không câu trả lời là không thể tự lành vì nguồn cung cấp máu kém, tùy theo mức độ và hình thái tổn thương, có thể sẽ cần phải can thiệp phẫu thuật cắt bỏ sụn chêm đã rách.

- Rách 1/3 tại phần trong sụn chêm

Vết rách 1/3 trong sụn chêm cũng không có khả năng tự lành nên tùy vào mức độ và hình thái tổn thương, có thể bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật để cắt bỏ.

Đối với trường hợp sụn chêm có khả năng tự lành, thông thường, khoảng thời gian cho quá trình này vào khoảng 6 - 12 tuần và phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tổn thương. Trường hợp không phẫu thuật, bác sĩ sẽ có phương án điều trị bảo tồn trong 4 - 6 tuần nhưng vẫn cần tối thiểu 8 tuần để vết rách lành hẳn và khớp hoạt động ổn định.

Hình ảnh mô tả tình trạng rách sụn chêm khớp gối

Hình ảnh mô tả tình trạng rách sụn chêm khớp gối

3. Phương pháp điều trị phục hồi sụn chêm

Tùy vào vị trí và mức độ rách sụn chêm, bác sĩ sẽ cân nhắc phương án điều trị như:

3.1. Điều trị bảo tồn

Đối với những trường hợp rách sụn chêm kích thước nhỏ, vết rách nằm ở vị trí 1/3 ngoài sát bao khớp, khớp gối ổn định và người bệnh ít đau, bác sĩ có thể khuyến nghị các biện pháp bảo tồn nhằm giảm đau và giúp cải thiện chức năng khớp:

- Băng ép tại vị trí rách sụn chêm để tránh mất máu và sưng to.

- Nẹp gối dài giúp hạn chế tổn thương khớp gối.

- Sử dụng nạng hoặc các thiết bị hỗ trợ để giảm trọng lực tác động lên khớp trong thời gian hồi phục.

- Tránh các hoạt động gây căng thẳng lên khớp gối như chạy bộ, nhảy và các môn thể thao có tính chất va đập mạnh.

- Khi người bệnh nghỉ ngơi cần gác cao chân để tránh sưng.

Trường hợp bệnh nhân đau đầu gối mức độ nặng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng viêm, giảm đau.

3.2. Tiêm nội khớp collagen thủy phân hoặc huyết tương giàu tiểu cầu

Đây là phương pháp điều trị được thực hiện với mục đích hỗ trợ giảm viêm, tái tạo lại phần sụn bị tổn thương.

3.3. Phẫu thuật sụn chêm

Phẫu thuật sẽ được cân nhắc khi:

- Người bệnh có triệu chứng nghiêm trọng như sưng tấy kéo dài, đau dai dẳng, hạn chế vận động rõ rệt.

- Đã áp dụng biện pháp vật lý trị liệu và điều chỉnh lối sống nhưng không đem lại hiệu quả.

- Các vết rách lớn hoặc nhiều vết rách trong sụn chêm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tuỳ vào mức độ tổn thương sụn chêm, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ, ghép sụn hoặc khâu sụn chêm.

3.2.1. Cắt bỏ sụn chêm

Khi vết rách đã trên 6 tuần, vị trí ở 2/3 trong sụn chêm và khu vực sụn chêm bị rách ít được cung cấp máu, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ sụn chêm. Đây là trường hợp sụn không còn khả năng phục hồi tự nhiên nên việc cắt bỏ phần bị tổn thương sẽ được bác sĩ thực hiện cẩn thận, cố gắng bảo tồn nguyên vẹn phần giáp bao khớp để đảm bảo khớp gối có khả năng chịu lực và duy trì ổn định chức năng vận động.

Sau khi thăm khám, chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể rách sụn chêm có tự lành không và phương pháp điều trị là gì

Sau khi thăm khám, chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể rách sụn chêm có tự lành không và phương pháp điều trị là gì

3.2.2. Ghép sụn chêm

Ghép sụn là phương pháp phức tạp, đòi hỏi phải sử dụng sụn chêm đồng loại và hiện chưa áp dụng ở nước ta.

3.2.3. Khâu sụn chêm

Phẫu thuật khâu sụn chêm được áp dụng đối với vết rách xảy ra trong khoảng 6 tuần, vị trí ở 1/3 ngoài sát bao khớp. Đây là vị trí được cung cấp máu dồi dào nên sau khi khâu sụn, tổn thương sẽ sớm hồi phục.

Khi xảy ra chấn thương gây rách sụn chêm, người bệnh không thể tự đánh giá rách sụn chêm có tự lành không và mức độ tổn thương mà mình gặp phải. Vì thế, cách tốt nhất người bệnh nên làm là đến khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, có biện pháp can thiệp phù hợp.

Quý khách hàng đang gặp phải dấu hiệu nghi ngờ tổn thương sụn chêm có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được hướng dẫn đặt lịch hẹn nhanh chóng cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ