Tin tức

Sa trực tràng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng nhận biết

Ngày 06/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Sa trực tràng không phải là bệnh lý phổ biến. Bệnh ở thời gian đầu không quá nguy hiểm nhưng không điều trị sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng của cuộc sống, lâu dần có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vậy sa trực tràng là gì? Nguyên nhân và triệu chứng nhận biết như thế nào?

1. Sa trực tràng là gì?

Sa trực tràng là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng một phần hoặc toàn bộ thành trực tràng bị lộn ngược và bị đẩy ra bên ngoài qua cửa hậu môn. Bệnh lý này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và mức độ phát triển của chúng cũng không giống nhau. Theo đó, sa trực tràng đang được chia làm hai loại chính, gồm:

  • Sa niêm mạc: Thời gian đầu, tình trạng sa trễ sẽ chỉ xuất hiện đối với một phần niêm mạc ở ống hậu môn. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng sẽ kéo cả niêm mạc tuyến của trực tràng. 
  • Sa toàn bộ: Tức là toàn bộ thành trực tràng sẽ bị sa hay bị lộn ra bên ngoài hậu môn.

2. Nguyên nhân và những yếu tố gây bệnh 

Nguyên nhân và các yếu tố có nguy cơ cao gây sa trực tràng có thể kể đến như: 

Sa trực tràng xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau

Sa trực tràng xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau

  • Do mang thai.
  • Người có tiền sử bị tiêu chảy hoặc bị táo bón mạn tính.
  • Do tuổi già làm suy yếu các cơ và dây chằng đối với vùng trực tràng.
  • Do chấn thương đã có trước đó ở hậu môn hoặc ở hông.
  • Do tổn thương dây thần kinh làm ảnh hưởng đến khả năng thắt chặt cũng như khả năng nối lỏng của các cơ. Điều này diễn ra có thể do các nguyên nhân như: mang thai, biến chứng sau khi sinh thường, bị tê liệt cơ ở hậu môn hoặc các chấn thương ở cột sống - lưng,...

3. Các triệu chứng nhận biết bệnh lý

Một số triệu chứng nhận biết sa trực tràng có thể kể đến như:

  • Thời gian đầu, bệnh nhân có thể cảm thấy có một khối bất thường nhỏ hoặc phần mô sưng tấy bị sa ra khỏi hậu môn trong khi đi vệ sinh. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng tay để đẩy ngược chúng vào lại bên trong. Thế nhưng lâu dần, khối bất thường hoặc khối mô mềm này có thể sa hoàn toàn ra hậu môn và không thể đẩy ngược lại vào trong. 
  • Về lâu dài, khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khi đứng lên thì chứng sa trực tràng cũng sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Nhiều khi, bệnh nhân còn cảm thấy như đang ngồi trên một quả bóng hoặc khi đi nặng chưa ra hết phân do chứng sa trực tràng gây nên. 
  • Bên cạnh hai triệu chứng điển hình trên, bệnh nhân bị mắc bệnh lý này còn rất khó để kiểm soát nhu động ruột, có máu chảy ra từ trực tràng, cảm thấy khó chịu và nhiều khi còn bị táo bón. 

Bệnh nhân có thể bị táo bón trong thời gian dài

Bệnh nhân có thể bị táo bón trong thời gian dài

4. Biến chứng nguy hiểm khi bị sa trực tràng

Người bệnh bị sa trực tràng lâu ngày nếu không được can thiệp y tế kịp thời có thể sẽ gặp nhiều biến chứng với các mức độ từ nhẹ cho đến nặng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Theo đó, có các loại biến chứng được ghi nhận gồm:

  • Thắt nghẹt: Biến chứng này là tình trạng một phần trực tràng bị mắc kẹt lại và cắt mất nguồn cung máu khiến cho các mô chết dần, dẫn đến tình trạng sa căng cơ. Tình trạng này có thể tiến triển thành hoại tử và khiến cho trực tràng chuyển dần sang đen rồi rụng mất. Đây được xem là biến chứng vô cùng nghiêm trọng, cần can thiệp phẫu thuật để không ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. 
  • Loét trực tràng đơn độc: Khi tình trạng sa niêm mạc xuất hiện, những vết loét sẽ dần phát triển ở trên phần trực tràng đang bị lòi ra bên ngoài. Biến chứng này cũng cần được can thiệp phẫu thuật để tránh nguy hiểm. 
  • Sa tái phát: Có nhiều ca bệnh bị sa trực tràng có nguy cơ tái phát dù đã phẫu thuật. 
  • Nguy cơ bị hoại tử khối ruột sa. 
  • Các biến chứng khác như viêm loét trực tràng, tắc ruột, vỡ trực tràng, sa trực tràng kèm sa các cơ quan khác như sa sinh dục hoặc thoát vị đáy chậu,...

Bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng

Bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng 

5. Cách thức chẩn đoán bệnh lý

Để chẩn đoán bệnh lý sa trực tràng, bác sĩ sẽ kiểm tra tiền sử bệnh kết hợp với các triệu chứng lâm sàng qua quá trình thăm khám, kết hợp với xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận cuối cùng. 

Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ngón tay đã được đeo găng y tế, thoa chất bôi trơn vào trong trực tràng và tiến hành kiểm tra. Ngoài ra, một số trường hợp cũng có thể được bác sĩ yêu cầu ngồi bồn cầu đi đại tiện để giúp nhận diện khối sa dễ dàng hơn. 

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thực hiện một số loại xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán bệnh lý chính xác hơn như:

  • Chụp X-quang: Thông qua hình ảnh X-quang, bác sĩ sẽ thấy được trực tràng và ống hậu môn khi bệnh nhân đi nặng. 
  • Nội soi đại tràng: Một chiếc ống nhỏ dài sẽ được đưa vào trong trực tràng có đi kèm camera để tìm kiếm các tổn thương, dấu hiệu bất thường (nếu có) và những yếu tố, nguyên nhân có thể gây sa. 
  • Siêu âm nội mạc: Một chiếc đầu dò sẽ được đưa vào trong hậu môn và trực tràng nhằm mục đích kiểm tra các cơ - mô ở bên trong. 
  • Chụp MRI: Thông qua hình ảnh để kiểm tra các cơ quan nằm ở trong vùng chậu.
  • Đo áp lực ở hậu môn: Thông qua một chiếc ống mỏng đưa vào bên trong trực tràng để kiểm tra áp lực - sức mạnh của các cơ. 
  • Đo điện cơ hậu môn (EMG): Giúp bạn sĩ kiểm tra được những thương tổn của các dây thần kinh có khả năng gây ra những vấn đề về cơ vòng ở hậu môn hay không. 
  • Kiểm tra độ trễ của động cơ phần đầu cuối của dây thần kinh lưng có tác động đến việc kiểm soát nhu động ruột. 

Kết quả thăm khám sẽ giúp bác sĩ nhận diện bệnh lý chuẩn xác hơn

Kết quả thăm khám sẽ giúp bác sĩ nhận diện bệnh lý chuẩn xác hơn

6. Các phương pháp điều trị sa trực tràng 

Sau khi đã có kết quả chẩn đoán, người bị sa trực tràng có thể được bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị như:

  • Sử dụng thuốc để làm mềm phân và bổ sung thêm chất xơ dưới chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời mà không có hiệu quả chữa trị hoàn toàn bệnh lý này. 
  • Vật lý trị liệu: Hỗ trợ làm săn chắc các cơ ở hậu môn, cơ sàn chậu và giúp phục hồi lại các cung phản xạ đại tiện. 
  • Phẫu thuật: Nhằm mục đích đưa trực tràng quay lại vị trí ban đầu. Theo các chuyên gia, phẫu thuật sa trực tràng được chia làm hai loại phổ biến nhất gồm có phẫu thuật bụng - phẫu thuật tầng sinh môn.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như thói quen sinh hoạt cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị bệnh lý. Người bệnh không nên cố gắng rặn trong quá trình đi đại tiện, ăn nhiều chất xơ để tránh nguy cơ bị táo bón, uống đủ nước cho cơ thể, tập luyện thể thao thường xuyên,...

Phẫu thuật là biện pháp điều trị được áp dụng khá phổ biến

Phẫu thuật là biện pháp điều trị được áp dụng khá phổ biến

Có thể nói rằng, sa trực tràng không phải một bệnh lý quá nghiêm trọng nhưng lại làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, ngay khi nhận thấy có bất cứ triệu chứng nào của bệnh lý, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Quý khách có thể đặt lịch khám và tư vấn bằng cách liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ