Tin tức
Sa tử cung là gì? Phương pháp điều trị bệnh ra sao?
- 21/01/2021 | Cách điều trị ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn
- 26/01/2021 | Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu và điều kiện tiêm
- 21/01/2021 | Nguyên nhân ung thư cổ tử cung chị em nào cũng cần biết
1. Bệnh sa tử cung là gì?
Như chúng ta đã biết, tử cung (hay còn được gọi là dạ con) được cấu tạo từ một lớp cơ rất dày, nằm phía bụng dưới, trên âm đạo. Khi mang thai, kích thước của tử cung sẽ to lên vì cấu trúc cơ khỏe và khả năng đàn hồi của lớp cơ này cũng rất tốt, từ đó tạo điều kiện cho thai nhi có một không gian nằm thoải mái.
Sa tử cung là một loại bệnh phụ khoa thường gặp
Sau khi sinh, tử cung sẽ nhanh chóng co lại, tuy nhiên cũng không thể đạt kích thước như cũ mà kích thước của nó sẽ tăng lên sau mỗi lần sinh đẻ. Nếu dây chằng bị giãn, yếu đi thì khả năng nâng đỡ tử cung cũng sẽ giảm và làm tăng nguy cơ khiến cho tử cung bị sa xuống lòng âm đạo hoặc thậm chí tụt ra khỏi âm đạo. Tình trạng này được gọi là sa tử cung. Sa tử cung thường được chia làm 3 cấp độ: Sa tử cung cấp độ 1, sa tử cung cấp độ 2 và sa tử cung cấp độ 3.
Cấp độ 1: Là cấp độ nhẹ nhất, lúc này tử cung tuy đã sa xuống nhưng vẫn nằm trong ống âm đạo.
Cấp độ 2: Tử cung bị tụt xuống ngoài cửa âm đạo và có thể nhìn thấy khi hoạt động nhiều hoặc làm việc nặng.
Cấp độ 3: Toàn bộ tử cung đã bị tụt xuống ra ngoài âm đạo, nhìn thấy được bằng mắt dạ con màu hồng.
Đau tức bụng là biểu hiện của bệnh
Những biểu hiện của bệnh sa tử cung khá giống với những bệnh phụ khoa thông thường khác chẳng hạn như u xơ tử cung, u nang buồng trứng nên rất nhiều chị em đã bỏ qua và chỉ đến khám khi tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chuyên gia khuyên bạn nên đi khám sớm và để được điều trị kịp thời.
2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sa tử cung
Sa tử cung là bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng phụ nữ. Tuy nhiên, những trường hợp dưới đây là các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh:
Phụ nữ mang thai nhiều lần và sinh con nhiều lần bằng đường âm đạo: Trường hợp mang thai, sinh con nhiều lần hay thời gian chuyển dạ lâu, thai nhi lớn khiến mẹ phải dùng nhiều sức rặn khi sinh cũng khiến cho mẹ bầu sẽ gặp phải tình trạng sa tử cung sau khi sinh.
Mang thai nhiều lần có nguy cơ cao bị sa tử cung
Phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ lớn tuổi: Tuổi càng cao thì lượng estrogen của người phụ nữ cũng sẽ bị giảm đi và các cơ cũng sẽ bị suy yếu nên khả năng nâng đỡ tử cung cũng giảm đi. Từ đó làm tăng nguy cơ bị sa tử cung. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh sa tử cung ở phụ nữ lớn tuổi.
Sau sinh, tử cung chưa được phục hồi hoàn toàn, cơ, dây chằng còn yếu nhưng chị em đã vội lao động, bê vác nặng sẽ không chỉ khiến cho cơ thể dễ bị suy nhược mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh sa tử cung.
Những phụ nữ mắc bệnh ho, táo bón, hay những phụ nữ thừa cân béo phì,… cũng có nguy cơ cao bị bệnh.
3. Phương pháp điều trị bệnh sa tử cung
Phát hiện sớm là một trong những yếu tố giúp điều trị bệnh hiệu quả và ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng. Vì thế, yếu tố trước tiên và quan trọng nhất là chị em hãy tới gặp bác sĩ ngay khi có những bất thường để được kịp thời chẩn đoán và điều trị bệnh.
Tùy vào từng bệnh nhân, mức độ bệnh, thể trạng của người bệnh, tuổi tác, nhu cầu sinh của người bệnh,… bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh.
Nên đi khám sớm nếu có dấu hiệu bất thường
Đối với những bệnh nhân ở cấp độ 1, cấp độ 2: Ở giai đoạn này, tình trạng bệnh không quá nguy hiểm, các bác sĩ có thể áp dụng liệu pháp điều trị không phẫu thuật cho bệnh nhân. Nghĩa là bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ ăn uống và kết hợp một số bài tập tại nhà để giảm triệu chứng bệnh.
Đối với những bệnh nhân ở cấp độ 3: Đây là thời điểm mà bệnh đã tiến triển nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể điều trị bằng liệu pháp hormone để làm tăng độ dẻo dai, chắc khỏe của các cơ và dây chằng hoặc cũng có thể dùng vòng tròn nhỏ đặt trong âm đạo để cố định vị trí của tử cung. Một số trường hợp nghiêm trọng buộc phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần hoặc toàn tử cung. Các hình thức phẫu thuật như phẫu thuật cắt tử cung qua đường âm đạo, phẫu thuật cắt tử cung qua đường bụng hoặc cũng có thể phẫu thuật bằng phương pháp nội soi. Nếu không được điều trị kịp thời, thì có thể gây ra một số biến chứng sa tử cung nguy hiểm như: Loét âm đạo, Sa cơ quan khác vùng chậu,...
Để giảm nguy cơ mắc bệnh sa tử cung, chị em nên tham khảo những lưu ý dưới đây:
Người phụ nữ cần tạo cho mình những thói quen sống khoa học trong sinh hoạt hàng ngày, nên tránh những động tác đè nén lên vùng bụng, hạn chế đứng hoặc ngồi xổm quá lâu.
Phụ nữ sau sinh cần phải kiêng và giữ gìn sức khỏe, không nên lao động quá sớm, hạn chế làm những việc nặng nhọc và kiêng sinh hoạt vợ chồng quá sớm.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Bên cạnh đó, chị em nên ăn uống đủ chất để cơ thể khỏe mạnh, nên ăn nhiều chất xơ để phòng tránh nguy cơ táo bón.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn giải đáp câu hỏi bệnh sa tử cung là gì. Hiểu biết về bệnh sẽ giúp bạn tìm cách phòng bệnh hiệu quả nhất hoặc nhận biết sớm những bất thường đang diễn ra trong cơ thể.
Hãy gọi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo số 1900 56 56 56, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc về căn bệnh này.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!