Tin tức
Sinh thiết cổ tử cung ở nữ giới - Top 5 câu hỏi thường gặp!
- 16/11/2021 | Góc tư vấn: Tầm soát ung thư cổ tử cung ở đâu tốt nhất?
- 11/11/2021 | Ung thư cổ tử cung có di truyền hay không? Giải đáp thắc mắc cùng chuyên gia
- 12/10/2021 | Chị em lưu ý: Sàng lọc ung thư cổ tử cung thực hiện như thế nào?
1. Sinh thiết cổ tử cung là như thế nào?
Sinh thiết cổ tử cung là thủ thuật thực hiện lấy, tách mẫu mô tại cổ tử cung để tiến hành kiểm tra, phát hiện các trạng thái bất thường, ung thư hoặc tiền ung thư cho nữ giới.
Sinh thiết cổ tử cung là một kỹ thuật xâm lấn được thực hiện để đánh giá, phát hiện khả năng ung thư cho nữ giới
Sinh thiết tại cổ tử cung có thể được thực hiện với nhiều kĩ thuật khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng và lý do sinh thiết của người bệnh. Các kỹ thuật sinh thiết cổ tử cung được sử dụng hiện nay là:
-
Khoét chóp ở cổ tử cung làm sinh thiết: bác sĩ sẽ sử dụng tia laser hoặc dao mổ để lấy đi mẫu mô với hình chóp tại cổ tử cung.
-
Sinh thiết bấm: với dụng cụ lấy mẫu mô là một kìm sinh thiết, có hình dạng gần giống cái kéo. Bác sĩ có thể lấy một hoặc nhiều mẫu mô sinh thiết tại những vị trí khác nhau của cổ tử cung.
-
Kỹ thuật nạo sinh thiết ống cổ tử cung: thường được chỉ định thực hiện trong trường hợp người bệnh có nghi ngờ ung thư tuyến hoặc có nhiễm HPV type 18. Mẫu mô xét nghiệm tại cổ tử cung được lấy từ bên trong niêm mạc thông qua dụng cụ thìa nạo.
2. Khi nào nên thực hiện sinh thiết tại cổ tử cung
Sinh thiết tại cổ tử cung là một trong những thủ thuật phụ khoa quan trọng trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Thông thường, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện kỹ thuật sinh thiết cổ tử cung trong các trường hợp sau:
-
Xét nghiệm sàng lọc ung thư tại cổ tử cung (PAP) có kết quả là bất thường.
-
Người bệnh thường xuyên xuất hiện tình trạng chảy máu bất thường khi quan hệ tình dục hoặc sau quan hệ.
-
Soi cổ tử cung có các hình ảnh tổn thương nghi ngờ ung thư.
-
Nhiễm HPV type 16.18.
-
Nữ giới xuất hiện mụn cóc sinh dục bất thường.
Nữ giới bị viêm hoặc ngứa không rõ nguyên nhân cần thực hiện kiểm tra, sinh thiết tại cổ tử cung
3. Sinh thiết tại tử cung có gây ra biến chứng không?
Khi thực hiện sinh thiết cổ tử cung, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng.
Các rủi ro mà người bệnh gặp phải khi thực hiện kỹ thuật sinh thiết tại cổ tử cung có thể xảy ra hoặc không xảy ra phụ thuộc vào đặc điểm tổn thương cổ tử cung của người bệnh. Do đó, bạn nên trao đổi kỹ các thông tin với bác sĩ trước khi thực hiện kỹ thuật này.
4. Nữ giới cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện kỹ thuật?
Trước khi thực hiện sinh thiết cổ tử cung, người bệnh cần quan tâm và chuẩn bị những vấn đề sau:
-
Hãy trao đổi và tham vấn với bác sĩ về kỹ thuật thực hiện.
-
Người bệnh cần phải ký vào bản cam kết thực hiện sinh thiết cổ tử cung trước.
-
Thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng thuốc (nếu có). Đặc biệt, nếu khi ngờ mang thai hoặc đang mang thai, bạn cần nói rõ với bác sĩ.
-
Không nên thực hiện quan hệ tình dục trước khi thực hiện sinh thiết khoảng 24 giờ.
-
Không thực hiện kỹ thuật khi đang trong kỳ kinh nguyệt.
-
Dừng sử dụng các loại kem bôi, thuốc đặt hoặc tampon trước khi tiến hành sinh thiết tại cổ tử cung khoảng 24 giờ.
-
Nếu chỉ thực hiện sinh thiết đơn giản, bạn có thể không phải nhịn ăn hoặc uống. Tuy nhiên, nếu quá trình thực hiện cần gây mê hoặc thực hiện các khâu phức tạp hơn thì bạn nghe theo các chỉ dẫn của bác sĩ.
-
Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu hoặc hơi đau trong quá trình sinh thiết (đặc biệt là khi đưa mỏ vịt vào âm đạo). Do đó, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng một tâm lý thoải mái nhất có thể.
Thông báo với bác sĩ về tình trạng của mình trước khi thực hiện thủ thuật sinh thiết tử cung
5. Chăm sóc sau sinh thiết cổ tử cung như thế nào cho đúng?
Thông thường, với thủ thuật lấy mẫu sinh thiết đơn giản, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi và về nhà ngay trong ngày. Tùy theo tình trạng người bệnh, bác sĩ có thể đưa ra các chỉ định chăm sóc riêng biệt.
Trong đó, một số lưu ý liên quan đến quá trình chăm sóc sau sinh thiết mà người bệnh nên quan tâm là:
-
Sử dụng băng vệ sinh hàng ngày bởi sau sinh thiết, người bệnh có thể chảy máu nhẹ hoặc các dịch tiết tối màu. Tình trạng này sẽ diễn ra trong khoảng vài ngày và biến mất.
-
Không thực hiện thụt rửa sâu vào âm đạo hay sử dụng tampon hay có quan hệ tình dục ngay sau đó (nên kiêng khoảng 1 tuần hoặc theo chỉ định của bác sĩ).
-
Có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau theo kê toa, hướng dẫn của bác sĩ.
-
Không nên vận động mạnh sau sinh thiết.
Sử dụng băng vệ sinh hàng ngày nếu xuất hiện tình trạng chảy máu nhẹ hoặc tiết dịch nâu
Trong trường hợp nhận thấy các dấu hiệu bất thường sau sinh thiết như chảy máu âm đạo nhiều, đau bụng dữ dội, sốt cao, dịch tiết âm đạo hôi hoặc có mùi khó chịu,… bệnh nhân cần nhanh chóng thông báo tới bác sĩ. Đồng thời tiến hành kiểm tra lại tình trạng sức khỏe của mình.
Trên đây là những thông tin về sinh thiết cổ tử cung mà MEDLATEC muốn chia sẻ với bạn đọc. Hy vọng đây sẽ là những chia sẻ hữu ích giúp bạn an tâm hơn khi phải thực hiện thủ thuật này trong thời gian tới
Để đảm bảo an toàn sức khỏe sinh sản và thiên chức làm mẹ thiêng liêng của mình, bạn nên thăm khám sức, sàng lọc sức khỏe định kỳ hoặc khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường. Khi cần tư vấn thêm các dịch vụ về sức khỏe, hay có nhu cầu thực hiện sinh thiết tử cung, tầm soát ung thư cổ tử cung,… vui lòng liên hệ với chúng tôi theo hotline 1900.56.56.56 để được hỗ trợ.
MEDLATEC chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!