Tin tức
Thiếu máu bất sản: Cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại nhà
- 11/10/2024 | 7 triệu chứng thiếu máu thường gặp và phương pháp khắc phục
- 11/10/2024 | Nguyên nhân thiếu máu: Hiểu đúng để biết cách phòng ngừa
- 22/01/2025 | Những câu hỏi thường gặp về thuốc thiếu máu não và cách chọn lựa đúng
1. Sơ lược thiếu máu bất sản
Thiếu máu bất sản là tên gọi khác của thiếu máu suy tủy xương. Tủy xương là mô mềm ở bên trong xương, có nhiệm vụ sản xuất tế bào máu. Khi mô mềm này bị rối loạn chức năng, hoạt động sản xuất máu kém đi, từ đó khiến các tế bào máu sản xuất ra không đủ, gây thiếu máu.
Nguyên nhân thiếu máu bất sản
Có 2 thể thiếu máu bất sản. Sự phân loại này được dựa vào nguyên nhân làm rối loạn chức năng tủy xương, cụ thể:
- Thể bẩm sinh: Trẻ sinh ra đã bị thiếu máu suy tủy xương do đột biến gen. Bệnh có thể phát triển đột ngột hoặc từ từ, có nguy cơ chuyển biến thành bệnh máu trắng hay ung thư. Trường hợp suy tủy xương nặng, tế bào máu trong cơ thể quá ít gây thiếu máu nghiêm trọng, người bệnh có thể nguy hiểm tính mạng.
- Thể mắc phải: Phổ biến hơn thể bẩm sinh, thường xảy ra ở người mắc bệnh tự miễn, bệnh nhiễm trùng, bệnh ung thư,… Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm, thuốc thấp khớp,… trong thời gian dài cũng gây thiếu máu suy tủy xương.
Đột biến gen có thể dẫn đến thiếu máu suy tủy xương
Dấu hiệu nhận biết suy tủy xương
Nhiều trường hợp thiếu máu suy tủy xương không có triệu chứng rõ ràng hoặc triệu chứng dễ nhầm lẫn với tình trạng sức khỏe khác. Trong kết quả xét nghiệm máu, chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu của đối tượng này thường thấp hoặc rất thấp. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết tình trạng thiếu máu suy tủy xương:
- Chỉ số hồng cầu thấp: Da nhợt nhạt, người mệt mỏi, thường xuyên đau đầu, chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh chậm thất thường.
- Chỉ số bạch cầu thấp: Dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng như nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm xoang,…
- Chỉ số tiểu cầu thấp: Hay xuất hiện vết bầm tím trên da, thường xuyên chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết âm đạo, xuất huyết nội tạng.
- Ngoài ra, thiếu máu suy tủy xương còn có những dấu hiệu khác như biếng ăn, mất ngủ, sụt cân, đánh trống ngực, khó thở, đi ngoài ra máu, rong kinh, vết thương khó cầm máu, giảm sức vận động,…
2. Chẩn đoán thiếu máu bất sản
Khám lâm sàng, xét nghiệm máu và sinh thiết tủy xương là 3 phương pháp chẩn đoán thiếu máu bất sản.
Khám lâm sàng
Bác sĩ dựa vào các biểu hiện và tiền sử bệnh lý của người bệnh để chẩn đoán, tìm các triệu chứng thiếu máu, xuất huyết, tìm các dấu hiệu gợi ý bệnh.
Bác sĩ quan sát biểu hiện bên ngoài để chẩn đoán lâm sàng
Xét nghiệm máu
Bao gồm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm hồng cầu lưới. Trong đó, xét nghiệm công thức máu được thực hiện phổ biến, giúp bác sĩ nắm được chỉ số của từng tế bào máu. Còn xét nghiệm hồng cầu lưới nhằm mục đích kiểm tra, đánh giá chức năng tủy xương trong việc sản xuất tế bào hồng cầu mới.
Sinh thiết tủy xương
Trong chẩn đoán thiếu máu bất sản, đây là “tiêu chuẩn vàng”. Kết quả sinh thiết tủy xương của người bệnh cho thấy các tế bào máu và cả tế bào gốc tạo máu đều bị suy giảm, ở mức thấp.
Đếm tế bào dòng chảy
Kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy được thực hiện để xem dòng huyết sắc tố niệu kịch phát về đêm (PNH). Trong kỹ thuật này, các tế bào máu của bệnh nhân được phân tích bằng cách sử dụng một thiết bị gọi là máy phân tích dòng chảy. Thiết bị sử dụng công nghệ tia laser để phát hiện và đếm các tế bào có trong mẫu máu, đồng thời phân loại chúng dựa vào kích thước và tính chất quang học.
Xét nghiệm di truyền
Bác sĩ cũng sẽ cân nhắc xét nghiệm di truyền, đặc biệt là ở những bệnh nhân trẻ tuổi hoặc những người có tiền sử gia đình gợi ý hoặc có dị dạng đặc trưng để đưa ra kết luận.
3. Điều trị thiếu máu bất sản
Với thiếu máu suy tủy xương, các phương pháp điều trị bao gồm:
Ghép tủy xương
Còn gọi là ghép tế bào gốc - phương pháp điều trị rất tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc tìm được người hiến có tủy xương phù hợp là không đơn giản. Ngoài ra, sau khi cấy ghép có thể phát sinh nguy cơ đào thải tế bào ghép.
Dùng thuốc
Có nhiều loại thuốc được áp dụng trong điều trị thiếu máu bất sản, có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau, cụ thể như:
- Thuốc ức chế miễn dịch: Trường hợp người bệnh không phù hợp với ghép tủy xương hoặc không tìm được tủy xương phù hợp, bác sĩ có hướng điều trị khác là dùng thuốc ức chế miễn dịch, giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
- Thuốc kích thích tủy xương: Các loại thuốc như filgrastim, pegfilgrastim và eltrombopag giúp tủy xương tăng cường hoạt động sản xuất tế bào máu, nhờ đó, cải thiện tình trạng thiếu máu.
- Thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus: Sử dụng cho người bệnh liên tục bị nhiễm trùng và có nguy cơ nhiễm trùng nặng.
Nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị thiếu máu bất sản
Truyền máu
Nếu người bệnh bị thiếu máu nghiêm trọng, biểu hiện bệnh nặng, bác sĩ sẽ chỉ định truyền máu. Sau khi truyền máu, các triệu chứng bệnh thuyên giảm và mức độ thiếu máu cũng được cải thiện đáng kể.
Phương pháp điều trị khác
Với những trường hợp thiếu máu bất sản thể mắc phải do đang dùng thuốc điều trị hoặc trong giai đoạn hóa trị, xạ trị ung thư, tình trạng có thể thuyên giảm sau khi người bệnh ngưng dùng thuốc, ngưng điều trị. Quan trọng là người bệnh phải dùng thuốc đúng hướng dẫn và tuân thủ phác đồ điều trị để tránh tác dụng phụ nhất có thể.
4. Lưu ý khi chăm sóc người bệnh thiếu máu bất sản tại nhà
Người bị thiếu máu bất sản có thể đối mặt với nhiều biến chứng hay thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, ngoài điều trị tích cực theo phác đồ, khi chăm sóc tại nhà, người bệnh cần chú ý:
- Tránh các công việc hay hoạt động có nguy cơ té ngã, chấn thương, chảy máu.
- Thận trọng khi đi máy bay hoặc đến những nơi cao dốc, ít oxy.
- Không đến những môi trường độc hại như nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, công trình khai thác khoáng sản,…
- Phòng tránh nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh đến khu vực đông người, tiêm vắc xin cúm định kỳ.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất qua thực phẩm để nâng cao sức đề kháng và kích thích cơ thể sản xuất máu.
- Tích cực tập luyện thể thao mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, không tập gắng sức, nếu cảm thấy mệt, ngừng tập và nghỉ ngơi.
- Dùng thuốc theo toa bác sĩ và tái khám theo lịch trình để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh.
Người bị thiếu máu nói chung nên bổ sung thực phẩm giàu sắt
Trên đây là những thông tin về thiếu máu bất sản. Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, bạn có thể đến Chuyên khoa Huyết học - Hệ thống Y tế MEDLATEC để kiểm tra.
Quý khách hàng có thể đăng ký lịch khám trước bằng cách gọi đến số 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
