Tin tức

Thông tin cần biết: Các biện pháp chẩn đoán và điều trị áp xe phổi

Ngày 08/09/2021
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Áp xe phổi là tình trạng viêm nhiễm nguy hiểm, đã xuất hiện hoại tử cấp tính gây ra các ổ mủ trong nhu mô phổi. Có nhiều nguyên nhân gây áp xe phổi, bên cạnh chẩn đoán tình trạng bệnh thì chẩn đoán nguyên nhân cũng rất quan trọng trong điều trị hiệu quả. Vậy có các biện pháp chẩn đoán và điều trị áp xe phổi nào?

1. Các biện pháp chẩn đoán áp xe phổi

Áp xe phổi là dạng viêm nhiễm cấp tính ở nhu mô phổi đã ở mức nghiêm trọng khiến dịch mủ tích tụ, gây hoại tử, phá hủy màng phế nang và mao quản, xuất hiện cả hang chứa mủ trong phổi. Ở bệnh nhân bị áp xe phổi, cơ chế bảo vệ đường thở và phổi đã giảm sút, thường gặp ở các đối tượng bị suy giảm miễn dịch, sức khỏe suy kiệt, nghiện rượu hoặc thuốc lá,…

Các biện pháp chẩn đoán và điều trị áp xe phổi

Áp xe phổi là một dạng nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm

Các phương pháp để chẩn đoán áp xe phổi bao gồm:

1.1. Chẩn đoán áp xe phổi dựa trên triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân áp xe phổi sẽ có những triệu chứng lâm sàng gồm:

  • Đau ngực ở bên phổi bị áp xe, nếu áp xe phổi xảy ra ở thùy dưới phổi thì vùng đau thường ở gần bụng và dễ gây nhầm lẫn thành đau bụng.

  • Sốt cao đến 38.5 độ C, có thể cao hơn kèm theo rét run.

  • Khó thở, có dấu hiệu của suy hô hấp như: thở nhanh, tím môi, tím các đầu chi. Khám phổi thấy hội chứng đông đặc, ran ẩm, ran ngáy, ran nổ,…

  • Ho khạc ra đờm có mủ vàng hoặc xanh, có mùi hôi thối và số lượng nhiều. Đôi khi đờm khạc ra là mủ có lẫn cả máu, nhưng cũng có trường hợp áp xe phổi gây ho khan.

1.2. Chẩn đoán cận lâm sàng áp xe phổi

Các chẩn đoán cận lâm sàng ở bệnh nhân áp xe phổi sẽ bao gồm:

Xét nghiệm công thức máu

Dấu hiệu đặc trưng của nhiễm trùng áp xe phổi là số lượng bạch cầu trong máu tăng, thường trên 10 giga/lit, tốc độ máu lắng cũng tăng.

Chụp X-quang phổi

Chụp X-quang thấy hình ảnh áp xe phổi với các hang áp xe có thành tương đối đều với mức nước hơi, đôi khi là 1 hoặc nhiều ổ áp xe nằm 1 hoặc cả hai bên phổi. Chụp X-quang phổi nghiêng giúp thấy rõ vùng áp xe phổi cũng như vị trí ổ áp xe nhất để gợi ý can thiệp dẫn lưu mủ.

Nuôi cấy vi khuẩn hoặc nhuộm soi trực tiếp

Mẫu phân tích để nuôi cấy hoặc nhuộm soi vi khuẩn có thể là đờm, mủ của ổ áp xe hoặc dịch phế quản. Nên cấy máu khi sốt trên 38.5 độ C, nếu có vi khuẩn cần làm kháng sinh đồ.

1.3. Chẩn đoán nguyên nhân gây áp xe phổi

Chẩn đoán nguyên nhân là một trong những chẩn đoán quan trọng với bệnh nhân áp xe phổi bởi nó quyết định phương pháp điều trị hiệu quả. Nguyên nhân được xác định chủ yếu dựa trên kết quả xét nghiệm dịch phế quản, máu, vi sinh vật đờm hoặc các loại bệnh phẩm khác tùy từng trường hợp.

Tác nhân gây áp xe phổi được xác nhận có thể là: ký sinh trùng, tụ cầu vàng, vi khuẩn kỵ khí, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella,… 

Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi thúc đẩy áp xe phổi do ảnh hưởng đến cơ chế tự bảo vệ đường hô hấp cũng cần được xác định như: sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, nghiện thuốc lá, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch do HIV,…

1.4. Chẩn đoán phân biệt áp xe phổi với các bệnh lý tương tự

Áp xe phổi có thể gây nhầm lẫn với bệnh lý khác dẫn đến điều trị chậm trễ, không hiệu quả. Các phương pháp chẩn đoán phân biệt bao gồm:

Áp xe phổi dễ nhầm lẫn với tràn dịch màng phổi

Áp xe phổi dễ nhầm lẫn với tràn dịch màng phổi

Chẩn đoán phân biệt áp xe phổi với tràn dịch màng phổi

Hình ảnh chụp X-quang có thể nhầm lẫn giữa hai căn bệnh này, nhưng trong tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi, hình mức nước - hơi phổi thẳng và nghiêng có chiều dài khác nhau. Còn ở bệnh nhân áp xe phổi, hai kích thước này gần bằng nhau.

Chẩn đoán phân biệt áp xe phổi với lao phổi có hang

Ở bệnh nhân lao phổi có hang, ảnh chụp X-quang thấy trên nề tổn thương thâm nhiễm hoặc xơ hóa có một hoặc nhiều hang. Trong đờm sẽ tìm thấy trực khuẩn kháng cồn toan và máu lắng tăng. Bệnh nhân mắc lao phổi thường tiến triển bệnh âm thầm, nặng sẽ gây gầy sụp, ho khạc đờm hoặc máu,…

Chẩn đoán phân biệt áp xe phổi với ung thư phổi áp xe hóa

Triệu chứng của hai căn bệnh này khá giống nhau, nhưng trong ung thư phổi áp xe hóa, triệu chứng xuất hiện thêm là nuốt nghẹn, ngón tay dùi trống, phù áo khoác, đau các khớp, ngón dùi trống,… Còn trên ảnh chụp X-quang, ung thư phổi áp xe hóa thấy hang trong phổi có thành dày, thường lệch tâm và xung quanh có tua gai.

Đặc biệt cẩn thận khi chẩn đoán áp xe phổi ở bệnh nhân có tiền sử nghiện thuốc lá, thuốc lào hoặc bệnh nhân trên 45 tuổi vì khả năng cao là giai đoạn đầu của ung thư phổi.

Chẩn đoán phân biệt áp xe phổi với tụ máu ở phổi

Khối máu tụ ở phổi sẽ gây triệu chứng khác với các hang áp xe, thường gặp ở người có tiền sử chấn thương ở ngực. Bệnh nhân thường ho ít hơn, có thể có đờm nhưng đờm không chứa mủ như trong áp xe phổi.

Tụ máu ở phổi thường gây ho ra máu thay vì đờm như áp xe phổi

Tụ máu ở phổi thường gây ho ra máu thay vì đờm như áp xe phổi

2. Phương pháp điều trị áp xe phổi hiệu quả

Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp, hiện có 3 phương pháp điều trị chính cho căn bệnh này bao gồm:

2.1. Điều trị bằng kháng sinh

Sử dụng kháng sinh tiêm bắp hoặc tiêm đường tĩnh mạch liều cao được dùng ngay từ đầu, nếu có kháng sinh đồ thì thay đổi liệu trình điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 4 - 6 tuần tùy theo khả năng đáp ứng và tiến triển của bệnh.

2.2. Dẫn lưu ổ áp xe phổi

Ổ mủ áp xe phổi sẽ cần được dẫn lưu để loại bỏ càng nhiều càng tốt, có những phương pháp dẫn lưu sau:

  • Dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực.

  • Nội soi phế quản.

  • Dẫn lưu mủ qua thành ngực.

2.3. Điều trị áp xe phổi bằng phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị áp xe phổi sẽ được tiến hành khi ổ áp xe lớn, bệnh nhân điều trị không hiệu quả với thuốc và phương pháp dẫn lưu. Ngoài ra, nếu nguy cơ biến chứng cao thì phẫu thuật xử lý nhanh tình trạng áp xe phổi cũng được thực hiện.

Phẫu thuật áp xe phổi được thực hiện trong các trường hợp khẩn cấp

Phẫu thuật áp xe phổi được thực hiện trong các trường hợp khẩn cấp

Các biện pháp chẩn đoán và điều trị áp xe phổi cụ thể sẽ được các bác sĩ chỉ định phù hợp với từng bệnh nhân. Tốt nhất, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bạn hãy đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn.

Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 hoặc đến hệ thống y tế MEDLATEC trên toàn quốc.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ