Tin tức

Tìm hiểu chi tiết mức độ phóng xạ khi chụp X-quang

Ngày 08/06/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tia X từ khi phát hiện đã được con người sử dụng trong nhiều ứng dụng như hàng không, vũ trụ hay trong y học. Tia X thực chất là tia bức xạ, lại được sử dụng để chiếu qua cơ thể người trong chẩn đoán, nên khiến không ít người lo lắng ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe. Ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào mức độ phóng xạ khi chụp X-quang, hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu chi tiết.

1. Tìm hiểu về phương pháp chụp X-quang

Tia X là một dạng bức xạ điện từ năng lượng cao, giống như các tia bức xạ khác cũng gây hại cho sức khỏe và nguy cơ gây ung thư. Song tia sáng này có nhiều đặc tính vượt trội, ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực nên được con người sử dụng. Trong y học, tia X được sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh, giúp bác sĩ quan sát cấu trúc bên trong cơ thể, tìm ra vấn đề bệnh lý.

Mức độ phóng xạ khi chụp X-quang

Chụp X-quang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh quan trọng trong y học

Với ứng dụng của tia X trong y học, rất nhiều căn bệnh được chẩn đoán và nhiều bệnh nhân được chữa trị kịp thời. Song con người cần sử dụng tối ưu tia X nói chung và X-quang trong y học nói riêng để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn.

Trong chụp X-quang, một phần hoặc toàn bộ cơ thể bệnh nhân được đưa vào thiết bị đặc biệt có khả năng phát tia X. Tia X được chiếu xuyên qua cơ thể người, tùy đặc tính của từng bộ phận mà khả năng xuyên thấu của tia này là khác nhau. Ví dụ trong xương có canxi với mật độ cao nên hấp thụ tia X nhiều hơn, thu nhận tia X giảm khiến xương có hình ảnh màu trắng. Các vùng mô mềm ít hấp thu tia X nên thu nhận tia X nhiều hơn, có màu xám đậm trên ảnh chụp.

Vùng xương răng hấp thu X-quang tốt hơn nên có màu trắng trên phim chụp

Vùng xương răng hấp thu X-quang tốt hơn nên có màu trắng trên phim chụp

Với sự phát hiện của y học hiện đại, càng ngày con người càng tối ưu sử dụng X-quang trong chẩn đoán. Có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại dựa trên tia X ra đời bên cạnh phương pháp chụp X-quang truyền thống.

Chụp X-quang

Đây là phương pháp chẩn đoán sử dụng tia X ra đời sớm nhất, sử dụng lượng phóng xạ nhỏ nhất chủ yếu được chụp để chẩn đoán các bệnh về xương hoặc răng. Kỹ thuật chụp X-quang thường ứng dụng như: chụp X-quang xương, chụp X-quang lồng ngực, chụp X-quang răng,…

Chụp cắt lớp vi tính

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cải tiến, hiện đại hơn so với chụp X-quang do đem lại hình ảnh nhiều lát cắt nên chi tiết và đa chiều hơn. Với máy chụp cắt lớp vi tính, bệnh nhân được di chuyển vào lòng máy để các tia X chiếu quét quanh cơ thể hoặc bộ phận cần chụp.

So với chụp X-quang truyền thống, chụp cắt lớp vi tính sử dụng mức độ phóng xạ cao hơn song hình ảnh chi tiết hơn, có ý nghĩa chẩn đoán cao hơn. Vì thế, chỉ định chụp cắt lớp vi tính thường trong trường hợp khó chẩn đoán bằng X-quang.

Chụp mạch máu số hóa xóa nền và can thiệp

So với chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính, phương pháp chẩn đoán cuối cùng sử dụng tia X này ít được biết đến do chủ yếu dùng trong chẩn đoán các bệnh liên quan đến mạch máu. Phương pháp này không xâm lấn, cho hình ảnh chẩn đoán có ý nghĩa cao, chủ yếu trong chẩn đoán: tắc nghẽn nội mạch như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xuất huyết ở nhiều cơ quan, các bệnh lý u như u xơ tử cung, u tiền liệt tuyến, các dạng ung thư, dị dạng động mạch, tĩnh mạch,…

Tia X sử dụng trong chụp mạch máu để hướng dẫn đặt stent

Tia X sử dụng trong chụp mạch máu để hướng dẫn đặt stent

Phương pháp đặt stent và vòng xoắn kim loại ngày càng được ưa chuộng trong điều trị các bệnh lý mạch máu, kỹ thuật chụp mạch máu bằng X-quang này cũng có vai trò chẩn đoán và hướng dẫn.

Có thể nói, tia X có vai trò vô cùng quan trọng trong y học và sẽ được ứng dụng lâu dài. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tối ưu hiệu quả chẩn đoán dựa trên tia X và hạn chế những rủi ro phóng xạ.

2. Mức độ phóng xạ khi chụp X-quang

Lợi ích của chụp X-quang là không thể phủ nhận song rủi ro nhiễm phóng xạ và các vấn đề sức khỏe liên quan khiến nhiều bệnh nhân lo lắng. Với nhiều thử nghiệm và nghiên cứu đã chứng minh, một người bình thường, khỏe mạnh thực tế hàng ngày vẫn tiếp xúc với lượng phóng xạ nhất định, còn gọi là bức xạ nền của môi trường tự nhiên.

Mức độ ảnh hưởng của phóng xạ với sức khỏe con người còn phụ thuộc vào nồng độ phóng xạ tiếp xúc. Với môi trường sống bình thường, con người gần như không bị ảnh hưởng và cũng không nhận ra tác động của phóng xạ tự nhiên.

Mức độ phóng xạ khi chụp X-quang là an toàn với sức khỏe người bình thường

Mức độ phóng xạ khi chụp X-quang là an toàn với sức khỏe người bình thường

Với chụp X-quang, mỗi hình thức chụp lại sử dụng lượng bức xạ khác nhau, vì thế mà cơ thể sẽ ảnh hưởng khác nhau. So sánh đơn giản mức độ phóng xạ ở các kỹ thuật chụp X-quang với phóng xạ cơ thể người tiếp nhận hàng ngày như sau:

  • Chụp X-quang ngực: Lượng phóng xạ tương đương với 2,4 ngày bức xạ nền tự nhiên.

  • Chụp X-quang sọ: Lượng phóng xạ tương đương với 12 ngày bức xạ nền tự nhiên.

  • Chụp cột sống thắt lưng: Lượng phóng xạ cơ thể tiếp nhận tương đương với 6 tháng tiếp nhận bức xạ nền tự nhiên.

  • Chụp đại tràng có baryte: tương đương với cơ thể tiếp nhận 2,7 năm bức xạ nền.

  • Chụp thực quản - dạ dày - ruột non: Bức xạ tương đương với 2 năm bức xạ nền.

  • Chụp CT bụng: Tương đương với 2,7 năm bức xạ tự nhiên.

  • Chụp CT đầu: Mức độ phóng xạ tương đương 243 ngày bức xạ nền tự nhiên.

  • Chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch: mức độ phóng xạ tương đương với 1 năm bức xạ nền tự nhiên.

Số liệu này được khoa học chứng minh với người trưởng thành, còn trẻ em do cơ địa nhạy cảm nên chịu mức độ phóng xạ từ chụp X-quang cao hơn. Vì thế trẻ nhỏ nếu không thực sự cần thiết thì không nên chụp X-quang, nó làm tăng nguy cơ ung thư não và các bệnh bạch cầu.

Với những rủi ro phóng xạ khi chụp X-quang như chứng minh, nếu cần chẩn đoán, sử dụng kỹ thuật này là cần thiết. Song người bệnh không nên chụp X-quang nhiều lần trong thời gian ngắn, chụp khi đang mang thai hoặc có vấn đề sức khỏe đặc biệt. Để hiểu hơn về nguy cơ nhiễm xạ do chụp X-quang, hãy trao đổi thêm với bác sĩ điều trị.

Mức độ phóng xạ khi chụp X-quang có thể ảnh hưởng tới thai nhi

Mức độ phóng xạ khi chụp X-quang có thể ảnh hưởng tới thai nhi

Như vậy, mức độ phóng xạ khi chụp X-quang còn phụ thuộc vào kỹ thuật và máy móc thực hiện, nếu đúng chỉ định thì đây là mức an toàn với sức khỏe cơ thể. Với mức độ rủi ro này, lợi ích mà phương pháp chụp X-quang mang lại lớn hơn nên vẫn được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ