Tin tức
Tìm thủ phạm gây viêm xung huyết hang vị dạ dày và cách điều trị
- 16/09/2021 | Thận trọng với những nguyên nhân gây ung thư dạ dày có thể gặp ở bất kỳ ai
- 09/07/2020 | Bệnh viêm hang vị dạ dày có thực sự nghiêm trọng hay không?
- 08/06/2020 | Viêm hang vị dạ dày: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
1. Định nghĩa về bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày
Hang vị nằm ở vị trí từ bờ cong nhỏ dạ dày tới lỗ môn vị. Bộ phận này có nhiệm vụ phân nhỏ thức ăn trong dạ dày, từ đó giúp hỗ trợ dạ dày hấp thu các dưỡng chất một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy vậy, điều này cũng làm cho hang vị dễ bị tổn thương do viêm nhiễm bởi các hoá chất chứa trong thức ăn.
Khi niêm mạc dạ dày bị viêm, sưng đỏ sẽ dễ bị ứ huyết dẫn tới bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày. Khi quan sát hình ảnh nội soi, có nhận ra đặc điểm của các ổ viêm tại hang vị thường là các nốt màu vàng hoặc đỏ với kích thước cũng như mức độ nghiêm trọng khác nhau. Nếu hang vị bị viêm kéo dài không được xử lý thì càng bị viêm nặng hơn, đặc biệt là khi tiêu hoá thức ăn.
Ngoài ra, viêm xung huyết hang vị còn ảnh hưởng tới chức năng của các mạch máu và dây thần kinh khiến cho các tổn thương càng trở nên trầm trọng.
2. Biểu hiện của bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày
Trong số các bệnh nhân bị viêm xung huyết hang vị dạ dày thì có khoảng 20% trường hợp không biểu hiện triệu chứng. Tuỳ vào tình trạng viêm nặng hay nhẹ mà người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu sau:
-
Đau vùng thượng vị: phần lớn bệnh nhân bị viêm xung huyết hang vị dạ dày đều gặp tình trạng này. Cơn đau xuất hiện vùng thượng vị, đau âm ỉ hoặc từng cơn, đau có thể lan sang các vị trí như ngực, vai, lưng và đau nặng hơn khi bệnh nhân vừa ăn no xong hoặc nằm ngủ;
Đau bụng là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân viêm xung huyết hang vị dạ dày
-
Buồn nôn, nôn ói: viêm nhiễm làm rối loạn chức năng co bóp nghiền nát thức ăn ở hang vị, điều này khiến cho một lượng lớn thức ăn bị ứ trệ trong dạ dày gây nên chứng buồn nôn và nôn;
-
Mệt mỏi kéo dài: bệnh nhân da dẻ xanh xao, gầy rộc, thiếu sức sống, sụt cân và thậm chí là bị suy dinh dưỡng,... dẫn tới mệt mỏi triền miên;
-
Ợ chua: thức ăn khó tiêu hóa do chức năng hoạt động của hang vị kém đi gây nên chứng ợ hơi, ợ chua, trào ngược dạ dày;
-
Đại tiện ra máu, phân có màu đen.
3. Các nguyên nhân dẫn tới viêm xung huyết hang vị dạ dày
Viêm xung huyết hang vị dạ dày xảy ra có thể là do các tác nhân dưới đây:
-
Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh: bệnh nhân ăn nhiều đồ dầu mỡ, cay nóng, đồ chế biến sẵn, ăn quá no hoặc nhịn quá đói cũng là các yếu tố nguy cơ cao làm tổn thương hang vị;
-
Nhiễm khuẩn HP: thực tế đã cho thấy có đến 70% các trường hợp bị viêm hang vị dạ dày có liên quan tới sự xuất hiện của vi khuẩn HP. Loại vi khuẩn này có thể khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương, gây viêm loét tại đây, đồng thời lan sang hang vị dẫn tới hiện tượng xung huyết hang vị;
Vi khuẩn HP có liên quan tới bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày
-
Tác dụng phụ do điều trị bằng một số loại thuốc: một số loại thuốc giảm đau như prednisolon, NSAID, dexamethason, nếu dùng kéo dài có thể gây bào mòn niêm mạc hang vị dạ dày, lâu dần hang vị sẽ bị tổn thương viêm xung huyết;
-
Căng thẳng lâu ngày: chức năng của dạ dày rất dễ bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tinh thần. Nếu một người luôn ở trong trạng thái lo âu, căng thẳng sẽ khiến hệ thống thần kinh bất ổn theo, dạ dày vì thế mà bị rối loạn khả năng cân bằng, tăng nguy cơ viêm xung huyết hang vị. Stress cũng gây suy yếu hệ miễn dịch nên hàng rào bảo vệ dạ dày cũng trở nên mỏng manh hơn trước các tác nhân gây bệnh;
-
Mất ngủ: những người hay thức khuya hoặc ngủ không ngon, không sâu giấc thì các cơ quan trong đó có dạ dày ít được nghỉ ngơi theo đồng hồ sinh học bình thường. Dạ dày tăng tiết axit trong dịch vị, co bóp ngay cả khi không có thức ăn và ban đêm thì bụng thường rỗng. Vì thế axit dễ dàng bào mòn niêm mạc dạ dày vùng hang vị, lâu ngày dẫn tới viêm xung huyết hang vị;
-
Lạm dụng chất kích thích như bia, rượu, đồ uống chứa cồn, thuốc lá;
-
Mắc các bệnh tự miễn: loại bệnh này làm mất khả năng chống lại các tác nhân tấn công cơ thể, khiến hang vị dạ dày cũng nằm trong số các cơ quan bị tổn thương.
4. Phương pháp khắc phục bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày
Nhằm đẩy lùi tình trạng này, bệnh nhân có thể áp dụng những cách sau:
4.1. Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý
-
Ăn những loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, các loại thức ăn tốt cho hệ tiêu hóa;
-
Hạn chế tiêu thụ các đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng gói chế biến sẵn, đồ có vị cay nóng, đồ chua, mặn;
-
Ăn đúng bữa, đúng giờ, không ăn quá no hoặc ăn kiêng thái quá. Tốt nhất nên đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày;
Chế độ ăn lành mạnh giúp cải thiện đáng kể tình trạng viêm xung huyết hang vị
-
Giảm lượng đồ uống có cồn và chất kích thích xuống mức tối đa;
-
Nói lời từ biệt với thuốc lá;
-
Chế độ làm việc kết hợp nghỉ ngơi hợp lý. Không chìm đắm trong căng thẳng kéo dài và không thức khuya;
-
Nâng cao thể chất bằng các hoạt động thể dục thể thao, vận động hàng ngày.
4.2. Dùng thuốc để điều trị
Tuỳ thuộc vào sức khoẻ và mức độ của bệnh, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc. Dưới đây là một số các thuốc thuộc danh sách lựa chọn cho điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày:
-
Thuốc trung hòa axit dạ dày: Gastropulgite, Yumangel, Pepsane, Phosphalugel. Phần lớn các thuốc đều có chứa thành phần là Magnesium carbonate và Aluminium hydroxide giúp cầm máu, giảm viêm loét dạ dày, phòng ngừa những vết loét mới xuất hiện ở hang vị;
-
Thuốc kháng sinh: amoxicillin, clarithromycin hoặc metronidazol được dùng để điều trị giảm viêm xung huyết hang vị do bị nhiễm khuẩn HP;
-
Thuốc chống co thắt: Drotaverin và Alverin dùng trong các ca bệnh nhân bị viêm hang vị dạ dày kèm phù nề xung huyết dẫn tới hiện tượng co thắt dữ dội. Tuy nhiên các thuốc này không sử dụng cho bệnh nhân liệt ruột, tắc ruột và phụ nữ mang thai;
-
Thuốc ức chế chọn lọc thụ thể H2: Cimetidine; Ranitidin 150, 300 hoặc Famotidine 40. Công dụng của các thuốc này là hạn chế sự tích dịch vị ở dạ dày và thường được chỉ định dùng trong điều trị viêm loét dạ dày, viêm hang vị, hội chứng Zollinger-Ellison, trào ngược dạ dày;
-
Thuốc ức chế bơm proton: Omeprazole, Esomeprazole, Rabeprazole hoặc Pantoprazole có tác dụng tiết chế hoạt động sản xuất dịch vị dạ dày, cải thiện tình trạng viêm xung huyết hang vị.
Như vậy có rất nhiều yếu tố dẫn tới bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày. Bệnh có cơ hội được điều trị khỏi và dứt điểm hay không còn tùy thuộc vào thời điểm phát hiện, khi nào thì bắt đầu điều trị, mức độ viêm nhiễm và bản thân người bệnh có lối sống lành mạnh hay không.
Hệ thống y tế MEDLATEC với các chi nhánh, văn phòng trải dài trên khắp cả nước luôn sẵn lòng phục vụ, lắng nghe cơ thể của bạn và cung cấp các dịch vụ chất lượng nhất đến với khách hàng. Để được tư vấn miễn phí về các gói khám và đặt lịch hẹn trước với bác sĩ, bạn vui lòng liên hệ qua tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC nhé!
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!