Tin tức
Tinh hoàn ẩn ở trẻ - bệnh lý gây nhiều biến chứng nguy hiểm
- 30/05/2023 | Các dấu hiệu sớm ung thư tinh hoàn nam giới cần phải đề phòng
- 01/07/2023 | Chỉ điểm 9 nguyên nhân gây đau tinh hoàn và bụng dưới
- 01/08/2023 | Chức năng của tinh hoàn và lưu ý về cách chăm sóc tinh hoàn
1. Tinh hoàn ẩn ở trẻ là gì?
Tinh hoàn ẩn ở trẻ là hiện tượng trẻ sinh ra có tinh hoàn không nằm hoàn toàn ở bìu mà nằm ở trên vùng bẹn hoặc trong ổ bụng. Hiện tượng này có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn, nhưng thường phổ biến hơn ở một bên, nhất là tinh hoàn bên phải.
Bệnh lý ẩn tinh hoàn có tỷ lệ mắc là 3% với trẻ sinh đủ tháng, nhưng với trẻ sinh thiếu tháng thì tỷ lệ mắc lên tới 30%. Bệnh được chia thành 2 dạng là sờ thấy được tinh hoàn đang nằm ở ống bẹn và không sờ thấy được tinh hoàn do ống bẹn sâu hay do tinh hoàn nằm trong ổ bụng.
Có nhiều trường hợp trẻ sinh ra bị ẩn tinh hoàn, tuy nhiên, đến khi trẻ được 3 tháng tuổi thì tinh hoàn lại về đúng vị trí trong bìu do trong thời gian này, tinh hoàn tiếp tục sự di chuyển từ ổ bụng, qua ống bẹn và về bìu. Tuy nhiên, đến khi trẻ được 6 tháng tuổi mà tinh hoàn vẫn ẩn, không nằm ở bìu thì cần có biện pháp can thiệp. Nếu không, trẻ sẽ đối mặt với biến chứng vô sinh hoặc ung thư sau này.
Hình ảnh minh họa tinh hoàn ẩn ở trẻ
2. Nguyên nhân và triệu chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ
Cũng giống như các bệnh lý khác, việc tìm hiểu nguyên nhân và phát hiện các triệu chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ sẽ giúp việc điều trị được thuận lợi, hiệu quả.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây tinh hoàn ẩn ở trẻ là do mẹ bầu bị rối loạn nội tiết trong quá trình mang thai, hoặc do thai nhi có phản ứng bất thường với nồng độ hormone của người mẹ. Điều này khiến trẻ sinh ra bị dị tật tinh hoàn, bao gồm tinh hoàn ẩn, tinh hoàn không phát triển hay dương vật nhỏ.
Ngoài ra, tinh hoàn ẩn ở trẻ còn có thể do quá trình di chuyển bị cản trở mà nguyên nhân xuất phát từ dây chằng tinh hoàn - bìu phát triển bất thường, cuống mạch tinh hoàn ngắn, xơ hóa vùng ống bẹn,…
Triệu chứng
Trẻ bị ẩn tinh hoàn sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng sau.
- Nếu ẩn tinh hoàn một bên thì sẽ thấy một bên bìu bình thường, bìu bên còn lại trông nhỏ hơn, xẹp hơn. Nếu ẩn tinh hoàn hai bên thì sẽ thấy cả hai túi bìu đều nhỏ và xẹp.
- Sờ tay vào bìu không thấy tinh hoàn, tuy nhiên, có thể sờ thấy được tinh hoàn ở trên ống bẹn.
- Tinh hoàn lúc thì ở bìu, lúc thì ở ống bẹn. Dùng tay đẩy thì tinh hoàn di chuyển xuống bìu nhưng thả tay ra tinh hoàn co lên ống bẹn.
Tinh hoàn ẩn khiến túi bìu một bên bị ẩn bị nhỏ và xẹp
3. Biến chứng của tinh hoàn ẩn ở trẻ
Tinh hoàn ẩn ở trẻ có nguy cơ để lại biến chứng, nhất là với trường hợp bị ẩn ở cả hai bên tinh hoàn. Cụ thể, nếu trẻ chỉ bị ẩn một bên tinh hoàn thì tinh hoàn còn lại vẫn có thể phát triển và sản sinh tinh trùng bình thường. Nhưng nếu trẻ bị ẩn cả hai tinh hoàn thì có thể đối mặt với nguy cơ vô sinh. Nguyên nhân là do tinh hoàn nằm ở ống bẹn hay ổ bụng - nơi có nhiệt độ cao hơn bìu nên tinh hoàn khó hoặc không phát triển và không tạo ra được tế bào mầm trong tinh trùng.
Ngoài biến chứng vô sinh, tinh hoàn ẩn ở trẻ còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như:
- Chấn thương tinh hoàn: Một biến chứng hay gặp chính là chấn thương tinh hoàn, cụ thể, khi tinh hoàn nằm ở bẹn có thể sẽ bị tổn thương bởi những va chạm vào vùng xương mu.
- Thoát vị bẹn: Tinh hoàn nằm ở bẹn “vô tình” tạo ra khe hở giữa ống bẹn và bụng. Lúc này, một phần ruột trên bụng sẽ lọt vào khe hở và di chuyển xuống háng, gây thoát vị bẹn. Nếu không điều trị sẽ gây hoại tử ruột, hoại tử các tạng, thậm chí là tử vong.
- Xoắn tinh hoàn: Đây là biến chứng thường gặp và có mức độ nguy hiểm cao. Do tinh hoàn không được cố định tại bìu mà “lơ lửng” trong ống bẹn hay ổ bụng, gây thoát vị bẹn và xoắn tinh hoàn. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau đột ngột ở vùng bẹn phía bên tinh hoàn ẩn, vùng da bìu bị biến đổi (màu sắc sẫm hơn, nếp nhăn biến mất). Nếu không được điều trị cấp cứu trong 3 giờ thì có thể bị hoại tử tinh hoàn.
- Ung thư tinh hoàn: Tinh hoàn nằm trong ổ bụng có khả năng phát triển thành u ác tính. Việc điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém mà chưa chắc mang lại hiệu quả, nhất là khi phát hiện ở giai đoạn muộn.
Tinh hoàn ẩn gây biến chứng xoắn tinh hoàn
4. Làm gì khi thấy trẻ có tinh hoàn bất thường?
Mọi bất thường tại tinh hoàn của trẻ cần được thăm khám và điều trị để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe toàn. Đặc biệt, bệnh lý tinh hoàn ẩn ở trẻ cần được can thiệp càng sớm càng tốt, khi trẻ được 6 - 18 tháng tuổi và chậm nhất là đến khi trẻ 1,5 - 2 tuổi.
Các phương pháp chẩn đoán tinh hoàn ẩn ở trẻ bao gồm quan sát ngoài, siêu âm hoặc nội soi ổ bụng, xét nghiệm nhiễm sắc thể, xét nghiệm chỉ điểm khối u. Khi đã xác định được trẻ bị ẩn tinh hoàn thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị, thường là phẫu thuật để đưa tinh hoàn về đúng vị trí ở bìu.
Sau phẫu thuật cần lưu ý đến việc chăm sóc trẻ. Trong 1 - 2 ngày đầu, cho trẻ sử dụng giảm đau và chú ý không để vết mổ bị bẩn, ướt. Trong 1 - 2 tuần sau, trẻ không được vận động mạnh, tập thể dục hay các động tác dạng chân. Đặc biệt, cần tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ, thường là sau 2 tuần, 6 tháng và 12 tháng.
Có nhiều trường hợp vài tuần sau mổ, tinh hoàn của trẻ lại bị ẩn, tức là không nằm ở bìu nữa mà tiếp tục bị co về ống bẹn hay ổ bụng. Lúc này, trẻ có thể lại thực hiện phẫu thuật một lần nữa để điều trị tinh hoàn ẩn tái phát. Vì vậy mà việc thăm khám sau phẫu thuật là rất quan trọng.
Cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường
Chúng ta đã cùng tìm hiểu bệnh lý tinh hoàn ẩn ở trẻ. Nếu nghi ngờ con mắc bệnh lý này hoặc có những bất thường khác, cha mẹ hãy đưa bé đến Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được thăm khám, chẩn đoán. Cha mẹ cũng có thể đặt lịch khám trước bằng cách gọi đến hotline 1900 56 56 56, Tổng đài viên của MEDLATEC sẽ hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!