Tin tức

Tổng quan về viêm loét dạ dày và cách phòng ngừa chuẩn y khoa

Ngày 31/03/2022
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Bệnh viêm loét dạ dày mặc dù phổ biến nhưng nếu trì hoãn và điều trị muộn sẽ dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người bệnh. Do đó, hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp chúng ta bảo vệ dạ dày một cách khoa học và hiệu quả hơn.

1. Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày xảy ra khi trong niêm mạc dạ dày xuất hiện các tổn thương dạng loét do nhiều nguyên nhân gây nên. Mặc dù ngày nay các phương pháp chẩn đoán và điều trị đã có nhiều tiến bộ lớn nhưng đây vẫn là một vấn đề nan giải khi số lượng bệnh nhân mắc ngày càng nhiều, bệnh dễ tái phát và có tính chất mạn tính, khả năng biến chứng cao.

Dưới đây là một số tác nhân dẫn tới viêm loét dạ dày mọi người cần hết sức lưu ý:

  • Tâm lý căng thẳng kéo dài: những người hay phải đối mặt với trạng thái căng thẳng sẽ dễ bị loét dạ dày vì tâm trạng bất ổn sẽ kích thích tăng tiết axit dịch vị, làm nghiêm trọng hơn các vết loét;

  • Viêm loét dạ dày có tính di truyền khi trong gia đình có người mắc thì những thành viên còn lại cũng có thể bị;

  • Thói quen uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn, lạm dụng chất kích thích và hút thuốc lá: theo nghiên cứu có đến hơn 200 loại chất gây hại trong thuốc lá, nổi bật nhất là nicotine. Khi đi vào cơ thể, nicotine sẽ kích thích tiết nhiều cortisol làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày. Ngoài ra thuốc lá còn ngăn cản quá trình điều trị và làm chậm sự liền sẹo. Tương tự như thuốc lá, chất cồn trong rượu bia cũng là kẻ thù của niêm mạc dạ dày, khiến các ổ viêm loét lan rộng hơn hoặc thậm chí gây thủng thành dạ dày;

  • Do thực đơn ăn uống và chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh: bỏ bữa, ăn không đúng giờ, ăn quá khuya, lười vận động, thức khuya dậy muộn, ăn nhiều đồ chua, đồ cay nóng, thức ăn chế biến sẵn, đồ lạnh, khó tiêu, cứng,...;

 

Thói quen ăn nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ là thủ phạm gây viêm loét dạ dày

Thói quen ăn nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ là thủ phạm gây viêm loét dạ dày

  • Vi khuẩn HP: đây chính là “sát thủ thầm lặng" gây viêm loét dạ dày, viêm dạ dày mạn tính, cấp tính và ung thư dạ dày;

  • Tác dụng phụ từ những thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau: nguyên nhân này xếp thứ 2 sau nhiễm HP và ngày càng trở nên phổ biến do thói quen dùng các thuốc trên một cách tràn lan ngay cả khi không có sự kê đơn của bác sĩ. Những thuốc này nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ hạn chế sự tổng hợp prostaglandin - đây là chất giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó hình thành các vết loét.

2. Các triệu chứng của viêm loét dạ dày 

Khi gặp các biểu hiện tương tự như triệu chứng viêm loét dạ dày dưới đây, bạn hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh, đồng thời lắng nghe lời khuyên điều trị từ chuyên gia y tế:

  • Bụng đau vùng thượng vị: cơn đau có tính chất âm ỉ, khó chịu, có khi dữ dội tùy vào vị trí của các vết loét;

  • Xuất hiện những triệu chứng như: chán ăn, buồn nôn, nôn, ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, cảm giác nóng rát;

  • Loét hành tá tràng: xảy ra lúc đói hoặc 2 - 3 giờ sau ăn. Đau dạ dày thường tăng nặng về đêm;

Viêm loét dạ dày khiến bệnh nhân khổ sở vì các triệu chứng khó chịu

Viêm loét dạ dày khiến bệnh nhân khổ sở vì các triệu chứng khó chịu

  • Loét dạ dày: phụ thuộc vào vị trí cũng như tính chất lan rộng của ổ loét mà sẽ gây nên các cơn đau khác nhau;

  • Sụt cân nhẹ trong đợt loét. Khi các vết loét được kiểm soát thì có thể tăng cân trở lại.

3. Một số biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày 

Nếu không có biện pháp điều trị thích hợp, viêm loét dạ dày có thể khiến bệnh nhân phải chịu các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Hẹp môn vị: thường là do các ổ loét ở hành tá tràng làm ảnh hưởng, biểu hiện đồng thời với các cơn đau vùng thượng vị, nôn ra thức ăn cũ, nổi gò vùng thượng vị;

  • Xuất huyết đường tiêu hóa trên: xảy ra khi các vết loét chảy máu và ước tính có khoảng từ 15 - 20% các ca bệnh đã từng xuất hiện triệu chứng này một hoặc nhiều lần. Bệnh nhân cao tuổi có xu hướng chảy máu nhiều và nghiêm trọng hơn so với người trẻ. Biến chứng này có khả năng là dấu hiệu đầu tiên hoặc diễn ra trong một đợt viêm loét tiến triển;

  • Dò hoặc thủng ổ loét: biến chứng này thường gặp thứ 2 sau xuất huyết, bắt đầu với những cơn đau bụng cấp dữ dội;

  • Phát triển thành ung thư: tỷ lệ những người bị viêm loét dạ dày tiến triển thành ung thư chiếm từ 5 - 10%, thời gian loét có thể kéo dài trên 10 năm.

4. Phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày 

Vì rủi ro gặp biến chứng của viêm loét dạ dày khá cao nên mỗi người hãy tự dự phòng bệnh bằng cách luyện tập cho mình một thói quen sinh hoạt và nếp ăn uống khoa học hơn, tránh các tác nhân gây hại cho dạ dày và việc điều trị cũng trở nên dễ dàng hơn.

Các lưu ý giúp ta dự phòng bệnh một cách hiệu quả bao gồm:

  • Bổ sung thêm các loại vitamin A, B12, D, K, khoáng chất cần thiết như canxi, axit folic, sắt, kẽm,.... Những vitamin và khoáng chất này được tìm thấy nhiều trong trứng, sữa, thịt, cá;

  • Rèn luyện một lịch trình và thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe dạ dày như: ăn chậm, nhai kỹ, không nên vừa nhai vừa nói cười, ăn đúng giờ đúng bữa, không nên bỏ bữa đặc biệt là bữa sáng. Không ăn quá khuya (sau 8h tối). Ngoài ra dạ dày không nên để quá rỗng hoặc quá no. Tính chất đồ ăn: không cay nóng, không chua, không lạnh hoặc quá khô, hạn chế tối đa thức ăn nhanh, đồ đóng hộp và thức ăn nhiều dầu mỡ,...;

  • Không uống nhiều rượu bia và sử dụng chất kích thích;

  • Chỉ nên sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau dưới hướng dẫn của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý mua về dùng, tự động tăng - giảm liều - dùng thuốc thay thế khi không có đơn kê toa của bác sĩ;

  • Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý;

  • Giữ tâm lý luôn thư giãn, thoải mái, hạn chế căng thẳng quá độ;

  • Vận động và tập thể dục điều độ, hợp lý. Nên duy trì thói quen này ít nhất 30 phút mỗi ngày, một tuần 5 lần để sức khỏe thêm dẻo dai, tinh thần phấn chấn;

  • Đi tái khám theo đúng lịch hẹn và đem theo sổ y bạ cũng như tên các loại thuốc đang dùng.

Người bệnh nên ăn các món dễ tiêu để không làm nghiêm trọng hơn các vết viêm loét

Người bệnh nên ăn các món dễ tiêu để không làm nghiêm trọng hơn các vết viêm loét

Bạn có thể thực hiện khám viêm loét dạ dày tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khi không chắc chắn liệu các triệu chứng mình đang gặp phải có phải là dấu hiệu của bệnh hay không. Hiện MEDLATEC có đội ngũ y bác sĩ tư vấn tận tâm, chuyên môn giỏi sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích đối với tình trạng bệnh mà bạn đang gặp.  Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng tập trung đầu tư đầy đủ các máy móc siêu âm, nội soi, chụp CT, X-quang, MRI hiện đại và kỹ thuật xét nghiệm đạt chứng nhận ISO 15189:2012 và CAP chuẩn quốc tế sẽ giúp kết quả thăm khám có độ chính xác cao. 

Để được tư vấn miễn phí, xin vui lòng gọi ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.