Tin tức

Trẻ bị chảy máu cam và cách xử trí

Ngày 10/04/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ bị chảy máu cam là hiện tượng không phải hiếm gặp và thường xảy ra khi trẻ đang cúi đầu, chơi đùa hoặc chảy trong vô thức. Tình trạng này khiến cha mẹ không khỏi lo lắng nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết xử trí đúng cách khi con trẻ bị chảy máu cam. Bài viết hôm nay sẽ giúp cha mẹ tìm hiểu về nguyên nhân của hiện tượng này và cách để sơ cứu cho trẻ.

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam 

Mũi là cơ quan thuộc đường hô hấp trên và nó cũng là bộ phận đầu tiên tiếp xúc với không khí đi từ môi trường bên ngoài vào trong cơ thể. Niêm mạc mũi quy tụ nhiều mạch máu nhỏ với chức năng giúp làm ấm luồng không khí đi qua đây. Cũng chính vì vậy nên các mạch máu này cũng dễ bị tổn thương gây chảy máu cam. Sau đây là một số yếu tố là nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ:

  • Thói quen xấu: trẻ hay ngoáy mũi, dụi mũi hoặc véo mũi mạnh có thể gây tổn thương cho niêm mạc mũi và dẫn tới chảy máu cam.
  • Do mắc bệnh lý: trẻ bị chảy máu cam có khả năng là do viêm mũi, ho, sốt, sốt xuất huyết, bệnh về máu, tái phát cảm lạnh...
  • Do dùng một số loại thuốc: nếu trẻ đang phải dùng các loại thuốc chống đông máu như Dabigatran, Edoxaban, Apixaban, Warfarin, Fondaparinux, Rivaroxaban, Aspirin, Clopidogrel,... sẽ ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể và trẻ dễ bị chảy máu cam hơn. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc xịt mũi chứa steroid để trị viêm mũi dị ứng trong thời gian dài, hay dùng thuốc hen suyễn kéo dài cũng có thể khiến niêm mạc mũi của trẻ trở nên mỏng manh, dẫn đến tình trạng dễ bị chảy máu cam ở trẻ.
  • Cơ thể thiếu dưỡng chất cần thiết: trẻ ăn ít rau, chế độ ăn thiếu chất, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất quan trọng đối với quá trình tạo máu như vitamin C, vitamin K, kali và sắt.
  • Các nguyên nhân khác: hay tiếp xúc với không khí khô hanh (thời tiết lạnh, ngồi phòng điều hòa,...).

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ

2. Hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị chảy máu cam

Phần lớn các trường hợp trẻ bị chảy máu cam sẽ tự hết và không quá nguy hiểm cho sức khỏe. Nhưng cha mẹ cũng cần học cách xử trí cho trẻ, bằng cách áp dụng các bước như sau:

  • Để trẻ đứng hoặc ngồi trong tư thế người hướng về phía trước, không để trẻ ngửa đầu ra sau hoặc nằm xuống vì điều này sẽ khiến máu chảy xuống họng dẫn tới nôn mửa.
  • Ấn ngón tay vào đoạn cánh mũi tì sát vào xương cánh mũi trong khoảng 5 phút, hoặc cha mẹ có thể ấn vào bên lỗ mũi bị chảy máu, hay trước khi ấn mũi hãy nhét bông y tế vào trước để cầm máu.
  • Nâng cao phần chi trên của trẻ. Điều này sẽ giúp lượng máu hồi về tĩnh mạch chủ trên gia tăng, lượng máu dồn về mũi giảm, từ đó hạn chế tình trạng chảy máu mũi.
  • Nếu đã áp dụng những cách trên nhưng trẻ vẫn tiếp tục bị chảy máu mũi thì hãy đưa trẻ đi khám. Bác sĩ sẽ áp dụng các can thiệp y khoa cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ, dựa trên đó để đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất.

Chế độ ăn thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam

Chế độ ăn thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam

Những triệu chứng chảy máu cam ở trẻ cần được đi khám ngay:

  • Chảy máu cam nhiều, ồ ạt, trẻ cảm thấy khó thở.
  • Sau khi đã cầm máu đúng cách, mũi trẻ vẫn bị chảy máu cam không ngừng.
  • Chảy máu mũi kèm theo triệu chứng mệt mỏi, xanh xao, ý thức mơ hồ, đau ngực.
  • Chảy máu cam xảy ra sau khi trẻ gặp chấn thương, ví dụ như ngã, tai nạn, bị đánh vào mặt,...
  • Máu khó cầm, trẻ xuất hiện các vết thâm, bầm tím trên da, máu chảy cả ở vị trí khác trên cơ thể,...
  • Trẻ bị chảy máu cam khi đang dùng những loại thuốc chống đông máu.
  • Chảy máu cam sau phẫu thuật hoặc mũi trẻ có khối u.

3. Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị chảy máu cam

3.1. Những thực phẩm nên bổ sung cho trẻ

  • Vitamin C: loại vitamin này sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ chảy máu chân răng, bệnh Scurvy và hỗ trợ bảo vệ mạch máu. Cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại quả như cam quýt, bưởi, dâu tây, quả việt quất, kiwi,... vì trong những loại quả này chứa rất nhiều vitamin C.
  • Vitamin K: thiếu hụt loai vitamin này có thể khiến trẻ bị chảy máu cam, mắc các bệnh lý liên quan đến gan mật, ợ nóng, bệnh celiac,... Vitamin K được tìm thấy có nhiều trong cải bó xôi, súp lơ, măng tây, cải xoăn, bắp cải, húng quế,...
  • Sắt: trẻ bị thiếu sắt không chỉ dễ bị chảy máu cam mà còn dễ bị thiếu máu. Do đó cha mẹ hãy tăng cường bổ sung những loại thực phẩm giàu sắt vào trong chế độ ăn của trẻ như thịt bò, ngũ cốc nguyên hạt, tôm, thịt vịt, sò huyết, ngao, tôm, cua,...
  • Kali: là một loại chất khoáng giúp điều chỉnh sự lưu thông của khí huyết. Những trẻ bị thiếu hụt kali trong máu sẽ dễ bị thiếu nước, nhất là vùng niêm mạc mũi khi bị thiếu nước sẽ trở nên khô rát và chảy máu cam. Cha mẹ có thể tăng cường kali trong chế độ ăn của trẻ từ các loại thực phẩm như cá, nghệ, sữa chua, cà rốt, cà chua, bơ, rau xanh, chuối,...

Hãy bổ sung dưỡng chất cho bé đầy đủ để tránh nguy cơ bị chảy máu cam ở trẻ

Hãy bổ sung dưỡng chất cho bé đầy đủ để tránh nguy cơ bị chảy máu cam ở trẻ

3.2. Những thực phẩm trẻ nên tránh 

Bên cạnh những dưỡng chất cần bổ sung nêu trên thì cha mẹ hãy chú ý tăng cường các loại thực phẩm dưới đây để tránh khiến trẻ bị chảy máu cam:

  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ, chế biến chiên xào ngập dầu: thức ăn chứa nhiều chất bão hòa sẽ làm giảm sức đề kháng của trẻ và làm chậm quá trình lành thương.
  • Đồ ăn cay nóng: ót, hạt tiêu, mù tạt, hành,... có thể khiến vết thương chảy máu bị kích ứng, phá hủy cấu trúc mạch máu. Những thức ăn có tính nóng khác như các loại quả xoài, vải, nhãn,... cũng cần được hạn chế.
  • Không nên cho trẻ uống nước ngọt, cà phê và tránh xa khói thuốc lá khi đang bị chảy máu cam vì những chất chứa trong những thực phẩm này không tốt cho vết thương đang chảy máu.

Mong rằng thông qua những chia sẻ trên đây, các bậc phụ huynh đã có thêm một số kiến thức hữu ích giúp xử trí tình trạng trẻ bị chảy máu cam. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra ngay cả khi đã áp dụng các cách cầm máu thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám để được can thiệp y tế kịp thời. 

Nếu cần được tư vấn chi tiết hơn về các dịch vụ thăm khám, cha mẹ có thể liên hệ tới tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.